LSO-Gần 2 tháng trở lại đây, châu chấu trên địa bàn tỉnh xuất hiện với mật độ lớn, trên phạm vi rộng. Trước tiên chúng phá hoại ngô, sau đó đe dọa trực tiếp đến lúa xuân. Nói là nạn châu chấu thì hơi quá, bởi chưa đến mức như ở các nước châu Phi hay một số nước châu Âu trong vòng dăm năm vừa qua, nhưng nếu chủ quan, người nông dân có thể gặp nhiều thiệt hại. Ruộng ngô tại thôn Nà Hán xã Tân Liên, huyện Cao Lộc bị châu chấu phá hoạiNửa tháng trước, ruộng ngô của gia đình chị Vy Thị Phượng thôn Nà Hán, xã Tân Liên, huyện Cao Lộc xơ xác không còn một cọng lá. Nguyên nhân là do châu chấu đột nhiên phát sinh, xuất hiện với số lượng lớn tràn qua. Chị Phượng kể: những năm trước, châu chấu cũng xuất hiện, nhưng chúng chỉ ở các bụi tre cạnh sông, số lượng cũng không nhiều, vậy mà năm nay số lượng tăng đột biến, chúng sà xuống phá hoại ở các bãi ngô. Đầu tiên là bãi ngô ven sông, sau đó sâu vào trong cánh đồng. Được...
LSO-Gần 2 tháng trở lại đây, châu chấu trên địa bàn tỉnh xuất hiện với mật độ lớn, trên phạm vi rộng. Trước tiên chúng phá hoại ngô, sau đó đe dọa trực tiếp đến lúa xuân. Nói là nạn châu chấu thì hơi quá, bởi chưa đến mức như ở các nước châu Phi hay một số nước châu Âu trong vòng dăm năm vừa qua, nhưng nếu chủ quan, người nông dân có thể gặp nhiều thiệt hại.
Ruộng ngô tại thôn Nà Hán xã Tân Liên, huyện Cao Lộc bị châu chấu phá hoại
Nửa tháng trước, ruộng ngô của gia đình chị Vy Thị Phượng thôn Nà Hán, xã Tân Liên, huyện Cao Lộc xơ xác không còn một cọng lá. Nguyên nhân là do châu chấu đột nhiên phát sinh, xuất hiện với số lượng lớn tràn qua. Chị Phượng kể: những năm trước, châu chấu cũng xuất hiện, nhưng chúng chỉ ở các bụi tre cạnh sông, số lượng cũng không nhiều, vậy mà năm nay số lượng tăng đột biến, chúng sà xuống phá hoại ở các bãi ngô. Đầu tiên là bãi ngô ven sông, sau đó sâu vào trong cánh đồng. Được cán bộ nông lâm của xã và cán bộ bảo vệ thực vật huyện hướng dẫn, gia đình chị Phượng đã mua thuốc phòng trừ kịp thời. Phần vì đã ăn trụi lá ngô, phần vì người dân phun thuốc, nên châu chấu lại sà vào ruộng lúa. Hơn 8 sào lúa của anh Hà Văn Thảo cũng ở thôn Nà Hán đang trong giai đoạn trổ bông cũng đứng trước nguy cơ bị phá hoại. May là gia đình anh cũng kịp thời phun thuốc. Anh Thảo cho biết: mình phun hẳn 2 đợt, châu chấu nhiều đến nỗi, ngấm thuốc chết đen cả nước trong ruộng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Tân Liên cho biết: hơn nửa tháng trở lại đây châu chấu xuất hiện dày đặc và phá hoại ngô, lúa với tốc độ rất nhanh, đặc biệt nhiều ở thôn Nà Hán. Xã đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với bảo vệ thực vật, khuyến cáo, hướng dẫn người dân cách phòng trừ bằng thuốc hóa học và cả phương pháp thủ công. Nhờ phun thuốc, lượng châu chấu đã giảm đáng kể, tuy nhiên vẫn phải theo dõi sát, bởi hiện nay chúng đã phát sinh trở lại. Không chỉ riêng ở Tân Liên mà hiện nay trên địa bàn xã Gia Cát, huyện Cao Lộc cũng đang phải đối mặt với “nạn” châu chấu. Bà Hoàng Thị Đại, nhân viên khuyến nông xã Gia Cát khái quát: toàn bộ khu ruộng dọc theo sông Kỳ Cùng, từ thôn Cổ Lương, kéo dài đến tận thôn Bắc Nga đều bị châu chấu phá hoại, diện tích ước chừng lên đến vài chục ha. Hậu quả đa làm cho toàn bộ ruộng ngô ở khu vực này trụi lá. Bà Đại khẳng định: hiện nay ngô chỉ còn 10 ngày nữa là cho thu hoạch, bởi vậy sẽ không bị ảnh hưởng, nhưng nguy hiểm nhất là khi ăn xong ngô, chấu chấu lại tràn xuống ruộng lúa. Tuy nhiên việc bà con nông dân nơi đây lại khá thờ ơ với công tác phòng trừ. Bà Đại khẳng định: các hộ gia đình chủ yếu dùng biện pháp thủ công chứ không dùng thuốc hóa học, người dân chủ quan bởi cho rằng trong giai đoạn cuối của mùa vụ việc phòng trừ là không cần thiết. Theo bà Hoàng Thị Ái, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Cao Lộc, hiện tượng người nông dân chủ quan, không tích cực phòng trừ rất có thể tạo điều kiện cho châu chấu phá hoại mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến lúa xuân. Trạm đã cử cán bộ chuyên môn theo sát diễn biến ở Tân Liên và Gia Cát để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân phòng trừ đúng cách. Tổng hợp của Phòng kỹ thuật, Chi cục Bảo vệ thực vật cho thấy, từ ngày 12/6-18/6, toàn tỉnh có 67,5ha ngô bị châu chấu phá hoại, trong đó diện tích bị nặng khoảng 8,54ha và đã có những diện tích bị mất trắng. Trong khi đó trên lúa xuân, đã có trên 170ha nhiễm châu chấu tập trung ở Đình Lập, Cao Lộc và rải rác ở Hữu Lũng và thành phố Lạng Sơn. Trước đó ở huyện Bắc Sơn cũng đã xuất hiện nạn châu chấu, tuy nhiên địa phương này đã triển khai công tác phòng trừ khá tốt, nên không bị ảnh hưởng nhiều.
Mặc dù thời điểm này ngô đang chuẩn bị được thu hoạch, ít bị ảnh hưởng bởi châu chấu, nhưng nguy cơ hiển hiện là chúng sẽ tràn xuống lúa xuân để phá hoại. Bà Nguyễn Thị Thông, Trưởng phòng kỹ thuật, Chi cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo: người dân phải chủ động phòng trừ bằng biện pháp tổng hợp bao gồm cả dùng thuốc hóa học và phương pháp thủ công. Bà con cũng nên mua thuốc ở các cơ sở đáng tin cậy để đảm bảo mua được thuốc có chất lượng và được tư vấn cách sử dụng đạt hiệu quả cao nhất.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()