Không chủ quan, sẵn sàng ứng phó với hoàn lưu bão gây mưa lớn
Ngày 11/8, Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã có cuộc họp về ứng phó với hoàn lưu bão số 2 sau khi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Sau khi vào đất liền các tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn diện rộng tại các tỉnh Bắc Bộ trong đêm qua và sáng nay. Hiện chưa ghi nhận thiệt hại về người và tàu thuyền do ảnh hưởng của bão.
Gió mạnh ở khu vực ven biển và mưa lớn diện rộng tiếp tục là nguy cơ đe dọa đến các hoạt động ven bờ và gia tăng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi, ngập úng vùng trũng ở khu vực đồng bằng, vì vậy các địa phương theo dõi sát diễn biến mưa lũ, thông tin kịp thời đến người dân chủ động phòng tránh.
Sẵn sàng lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhấn mạnh: “Mặc dù bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng các địa phương và người dân không nên chủ quan với diễn biến của thiên tai, bởi mưa lớn sẽ tiếp tục diễn ra ở khu vực khu vực đồng bằng và miền núi phía bắc. Mưa sẽ tập trung chủ yếu ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, sau đó lan sang khu vực các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Thanh Hóa. Vì vậy, khu vực đồng bằng và các khu đô thị cần đề phòng ngập úng; các tỉnh Thanh Hóa, Sơn La, Hòa Bình và Điện Biên đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở khu vực vùng núi”.
Ứng phó với mưa của hoàn lưu bão và áp thấp nhiệt đới, các tỉnh miền núi phía bắc đến Nghệ An đã sẵn sàng phương án sơ tán hơn 114.000 người khu vực nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Tổ chức canh gác, cảnh báo tại hơn 2.000 điểm giao thông là vị trí có nguy cơ cao về sạt lở, ngập lụt…
Đại tá Trần Đình Sáu, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã đôn đốc, đặc biệt chỉ đạo các quân khu sẵn sàng lực lượng sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm.
Đại tá Trần Đình Sáu cho biết thêm: “Cơ quan thường trực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp duy trì nghiêm chế độ trực 24/24 và chủ động phối hợp với các lực lượng quân đội ‘đứng chân’ trên địa bàn nắm được tình hình mưa lũ. Bộ đội biên phòng và các đơn vị quân đội trên địa bàn vùng núi phía bắc sẵn sàng phương tiện như: Xe lội nước, xuồng, ca nô bảo đảm giao thông tại những khu vực ngập lụt, chia cắt, cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi có tình xuống xảy ra”.
Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương không chủ quan với diễn biến thiên tai, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và các công điện của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai.
Ông Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh: “Các địa phương căn cứ tình hình thời tiết để thông báo bỏ lệnh cấm biển để người dân trở lại sản xuất. Các tỉnh đồng bằng và miền núi phía bắc sẵn sàng ứng phó với diễn biến mưa lớn, kiểm tra hệ thống thoát nước, tổ chức tiêu úng khu vực trũng thấp, khu vực đô thị và khu công nghiệp; triển khai phương án di dân khu vực không đảm bảo an toàn…”.
Ý kiến ()