Không chỉ là bài toán kinh tế trước mắt
Lợi thế lớn của du lịch Việt Nam là vẻ đẹp của thiên nhiên, sự đặc sắc của văn hóa bản địa và sự thân thiện dành cho du khách. |
Từ lâu, du lịch được coi là một ngành mũi nhọn, ngành công nghiệp không khói giúp các địa phương có nguồn thu lớn cải thiện kinh tế xã hội. Tuy nhiên từ đầu năm 2020 dịch viêm phổi do virus corona mới đã giáng một đòn chí mạng vào cả nền kinh tế toàn cầu và du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Nhưng du lịch với đặc thù ở đất nước đang phát triển như Việt Nam, một lợi thế lớn là vẻ đẹp của thiên nhiên, sự đặc sắc của văn hóa bản địa và sự thân thiện dành cho du khách.
Trong suốt thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng được một hình ảnh thân thiện, hiếu khách một dân tộc luôn mong muốn làm bạn với các dân tộc yêu hòa bình trên thế giới.
Trong bối cảnh đó, những hình ảnh người khách Tây chật vật chưa tìm được nơi ở trọ liệu có làm ảnh hưởng đến ngành du lịch Việt Nam nói riêng, hình ảnh đất nước con người Việt Nam nói chung?
Dịch bệnh bất ngờ và chưa từng có tiền lệ cùng với những diễn biến bất thường liên tục khiến giới y học bối rối chạy đua với thời gian tìm vaccine cũng như phác đồ điều trị. Chính vì chưa thể nhận thức cũng như khống chế một cách hữu hiệu, dịch viêm phổi lần này đóng vai một sát thủ vô hình gieo rắc nỗi sợ hãi đến từng đất nước mà nó đã tấn công. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Sau thời gian cùng với nhiều biện pháp quyết liệt, Việt Nam về cơ bản khống chế được dịch bệnh bùng phát từ nước láng giềng. Tuy nhiên khi virus corona lây lan ra toàn thế giới, mối nguy lại không chỉ đến từ Trung Quốc mà có thể từ bất cứ đất nước nào đang có dịch.
Cảm giác lo ngại, đề phòng thậm chí là nghi ngờ là khó tránh khỏi. Trong khi y học vẫn chạy đua tìm vaccine, người dân bất đắc dĩ tìm kiếm sự tự bảo vệ bằng cách tránh xa những nguồn lây. Trong thời điểm đầu dịch bệnh, những người châu Á đã phải đối mặt với một làn sóng kỳ thị đến từ một bộ phận người ở châu Âu cũng như nước Mỹ. Nhưng khi virus lây lan mạnh mẽ ở các nước phương Tây, đến lượt công dân của họ cũng phải đối mặt với sự kỳ thị, phân biệt đối xử.
Tuy nhiên, hoảng loạn, nghi kỵ và thậm chí là kỳ thị du khách chưa bao giờ là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu. Sự kỳ thị cắt đứt sợi dây liên hệ cũng như những kênh kết nối để trao đổi thông tin nhằm hiểu biết nhiều hơn và có cách cư xử hợp lý cũng đồng nghĩa với việc hỗ trợ lẫn nhau cùng chung tay ngăn chặn dịch bệnh.
Kỳ thị xa lánh, phân biệt đối xử đồng nghĩa với việc đồng nhất con người với căn bệnh trong khi thực tế lẽ ra phải làm ngược lại: con người cần bỏ qua ranh giới quốc gia, châu lục, chủng tộc, cùng đoàn kết sát cánh nhau lúc khó khăn và cùng vượt qua bệnh dịch.
Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để phòng chống dịch bệnh, trong đó có việc thực hiện cách ly tập trung đối với mọi trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam, trừ một số trường hợp đặc biệt; xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp không chấp hành cách ly, không khai báo và hành vi tiếp tay cho các trường hợp trốn cách ly.
Nhưng mặt khác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu xử lý nghiêm mọi hành vi kỳ thị du khách nước ngoài. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo rà soát về tình hình khách du lịch nước ngoài trên địa bàn; chỉ đạo các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú, nhất là tại các khu, điểm du lịch thực hiện nghiêm quy định của Luật Du lịch về việc không phân biệt, đối xử đối với khách du lịch; chấn chỉnh và xử lý nghiêm mọi hành vi kỳ thị, từ chối phục vụ khách du lịch là người nước ngoài.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch, cơ sở lưu trú du lịch chủ động triển khai các giải pháp về phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của cơ quan y tế và có biện pháp phù hợp để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch nước ngoài, bảo đảm an toàn, có tổ chức.
Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời có hướng dẫn tránh để xảy ra các vụ việc và phối hợp với Đại sứ quán các nước liên quan trong quá trình xử lý, gìn giữ hình ảnh quốc gia hiếu khách, thân thiện.
Chắc chắn là những người có tư tưởng kỳ thị, phân biệt đối xử du khách nước ngoài chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, song việc kỳ thị, phân biệt đối xử lại có thể mang đến những hậu quả không nhỏ. Câu chuyện cư xử với “khách Tây” cũng không chỉ đơn thuần là bài toán làm kinh tế trước mắt của ngành du lịch, mà đó là phép thử của tính nhân văn, của tình người với nhau trong hoạn nạn. Để làm được điều đó cần sự tích cực trách nhiệm của cơ quan chức năng, và cả sự đồng lòng của doanh nghiệp, người dân…
Ý kiến ()