Khống chế và đẩy lùi các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
Tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ em ở TP Hà Nội. |
Các chuyên gia y tế nhận định, Việt Nam đang phải đối mặt với sự quay trở lại của một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Mặt khác, nước ta cũng trở thành “điểm nóng” có nguy cơ cao xuất hiện các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới nổi (BTNMN) lây truyền từ vật nuôi, động vật hoang dã, có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe người dân và sự phát triển đất nước.
Những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, nhất là sự nỗ lực của ngành, ngành y tế đã làm tốt công tác phát hiện ca bệnh, điều trị, quản lý, cách ly, vệ sinh phòng bệnh và tiêm chủng… Nhờ vậy, hầu hết các bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây chết người như: sốt xuất huyết, tay, chân, miệng, sởi, thủy đậu, uốn ván, viêm gan vi-rút; viêm màng não do não mô cầu… đều giảm. Các BTNMN như MERS – CoV, cúm A(H5N1), cúm A(H7N9) cũng được ngăn chặn kịp thời. Thống kê của ngành y tế cho thấy, các bệnh dịch lưu hành trong nước đã được khống chế và kiểm soát tốt, số ca mắc bệnh truyền nhiễm có xu hướng giảm dần qua các năm. Trong năm 2018, số ca mắc bệnh tay, chân, miệng giảm 18,9%, sốt xuất huyết giảm 53,6% so với năm 2017. Các bệnh truyền nhiễm khác như sốt rét, lao, phong, bạch hầu, ho gà…, số ca mắc cũng giảm và có tỷ lệ mắc thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Ðáng chú ý, việc ngăn ngừa các bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng tiếp tục duy trì thành quả, trong đó có nhiều bệnh số ca mắc đã giảm từ hàng trăm, tới hàng nghìn lần so với trước khi có chương trình tiêm chủng mở rộng như bại liệt, uốn ván sơ sinh…
Theo Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Ðắc Phu, những năm gần đây, thế giới đang phải đương đầu với nguy cơ xuất hiện và lan truyền của các BTNMN, hoặc tái bùng phát ở người, vật nuôi và động vật hoang dã. Những bệnh này xuất phát từ mối tương tác con người – động vật – hệ sinh thái và có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe con người, sự phát triển kinh tế và nhiều vấn đề khác. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có những minh chứng khoa học cho thấy khoảng 70% số ca bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật. Ðáng lo ngại, hiện Việt Nam được xác định là một trong những “điểm nóng” có nguy cơ rất cao xuất hiện các tác nhân gây BTNMN gồm các bệnh lây truyền từ vật nuôi, động vật hoang dã, hoặc hệ sinh thái. Các BTNMN đã ghi nhận ở Việt Nam như: Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), cúm gia cầm A(H5N1), cúm A(H1N1)… Ngoài ra, bệnh dại hiện có số ca gây tử vong đứng hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm. Hơn 90% số ca bệnh dại trên người do lây nhiễm từ chó; số người chết do bệnh dại trung bình giai đoạn 2011 – 2016, vẫn xấp xỉ 100 người/năm…
Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân dẫn đến một số dịch, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có chiều hướng gia tăng thời gian gần đây là do tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão. Tốc độ đô thị hóa nhanh, hình thành nhiều vùng dân cư tập trung, sự gia tăng dân số, giao lưu đi lại của người dân tăng cao có thể làm phát sinh dịch bệnh… Bên cạnh đó, ý thức của người dân chưa cao, còn chủ quan, lơ là và xem thường dịch bệnh; chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch, vệ sinh môi trường theo nội dung khuyến cáo của ngành y tế. Chính quyền tại một số địa phương chưa thật sự quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh; chưa chú trọng đầu tư cho công tác phòng dịch; việc phối hợp liên ngành trong kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm, phòng chống các yếu tố nguy cơ sức khỏe chưa chặt chẽ. Mạng lưới y tế tại một số địa phương còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng nguồn nhân lực, cơ cấu chưa hợp lý. Kinh phí cho công tác phòng, chống dịch chưa được đầu tư đúng mức, khi xảy ra dịch bệnh mới có kinh phí, hoặc cấp muộn dẫn đến tình trạng thụ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh…
Để chủ động khống chế, đẩy lùi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, BTNMN, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế – Dân số giai đoạn 2016 – 2020, với mục tiêu là chủ động phòng, chống một số dịch bệnh, phát hiện dịch sớm, kịp thời khống chế, không để dịch lớn xảy ra; giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ chết do các bệnh dịch nguy hiểm. Ðể hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, ngành y tế cần tiếp tục củng cố hệ thống y tế dự phòng nói chung và mạng lưới cán bộ làm công tác phòng, chống dịch nói riêng. Cải thiện năng lực của hệ thống giám sát thông qua việc thường xuyên nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ thuật cho cán bộ y tế dự phòng; trang bị, nâng cấp cơ sở vật chất, áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật và duy trì mạng lưới y tế dự phòng sẵn có, nhằm sớm phát hiện các ca bệnh đầu tiên và nhanh chóng đáp ứng khống chế ổ dịch…
Bộ Y tế đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm và đầu tư hơn nữa cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn; chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành y tế đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Các địa phương duy trì tiêm các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đạt ít nhất 95% quy mô xã, phường, đặc biệt lưu ý khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, vì tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại các địa bàn trọng điểm; tăng cường kiểm tra, xử lý cá nhân, tổ chức không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định…
Theo Nhandan
Ý kiến ()