LSO- Để khống chế dịch tai xanh một cách triệt để, tránh lây lan sang các khu vực lân cận, một trong những biện pháp quan trọng đang được các lực lượng chức năng tích cực triển khai là tăng cường kiểm dịch vận chuyển, thắt chặt kiểm tra trên khâu lưu thông.Một điều dễ nhận thấy trong đợt bùng phát dịch tai xanh ở lợn trên địa bàn tỉnh vừa qua là dịch lan rộng theo kiểu “nhảy cóc”. Đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phân tích: dịch không chỉ lan sang khu vực lân cận mà ngay cả khu vực không tiếp giáp với ổ dịch cũng bị bùng phát, có thể những khu vực đó bùng phát từ ổ dịch cũ, nhưng nguyên nhân chủ yếu là theo con đường vận chuyển. Là địa bàn giáp biên, Lạng Sơn luôn tiềm ẩn nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh gia súc, gia cầm qua con đường vận chuyển động vật và sản phẩm động vật từ bên kia biên giới. Trong khi đó, theo ước tính của cơ quan thú y, để đáp ứng nhu cầu chăn nuôi và thực phẩm, hàng năm Lạng...
LSO- Để khống chế dịch tai xanh một cách triệt để, tránh lây lan sang các khu vực lân cận, một trong những biện pháp quan trọng đang được các lực lượng chức năng tích cực triển khai là tăng cường kiểm dịch vận chuyển, thắt chặt kiểm tra trên khâu lưu thông.
Một điều dễ nhận thấy trong đợt bùng phát dịch tai xanh ở lợn trên địa bàn tỉnh vừa qua là dịch lan rộng theo kiểu “nhảy cóc”. Đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phân tích: dịch không chỉ lan sang khu vực lân cận mà ngay cả khu vực không tiếp giáp với ổ dịch cũng bị bùng phát, có thể những khu vực đó bùng phát từ ổ dịch cũ, nhưng nguyên nhân chủ yếu là theo con đường vận chuyển. Là địa bàn giáp biên, Lạng Sơn luôn tiềm ẩn nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh gia súc, gia cầm qua con đường vận chuyển động vật và sản phẩm động vật từ bên kia biên giới. Trong khi đó, theo ước tính của cơ quan thú y, để đáp ứng nhu cầu chăn nuôi và thực phẩm, hàng năm Lạng Sơn phải nhập 50% lợn con giống và 30% lợn thịt từ các tỉnh ngoài. Chủ yếu là các tỉnh giáp ranh có sản xuất chăn nuôi phát triển mạnh như Bắc Giang, Thái Nguyên…Lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra, kiểm dịch vận chuyển trên tất cả các khâu lưu thông, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân tạm thời hạn chế việc vận chuyển con giống và giết mổ trong thời điểm này.
Cán bộ Trạm kiểm dịch động vật Bến Lường phun khử trùng cho các phương tiện vận chuyển động vật
Triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, tại các vùng dịch, lực lượng chức năng đã thành lập 15 chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên các tuyến đường vận chuyển trọng yếu. Kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt, tránh tình trạng vận chuyển lợn ra vào trong vùng dịch. Mặt khác Chi cục thú y, các trạm kiểm dịch động vật tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng như Biên phòng, Công an, Quản lý thị trường tổ chức kiểm soát, ngăn chặn, bắt giữ và tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật nhập lậu không rõ nguồn gốc, không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y lưu thông trên địa bàn tỉnh. Tính từ đầu năm đến trung tuần tháng 7, lực lượng liên ngành đã phát hiện và buộc tiêu hủy trên 130.000 con gia súc, gia cầm các loại và gần 19 tấn sản phẩm động vật. Đặc biệt khi hiện nay có thông tin cúm gia cầm đang bùng phát ở bên kia biên giới, các ngành hữu quan càng siết chặt kiểm tra trên khâu lưu thông.
Đối với kiểm dịch nội địa, Trạm kiểm dịch động vật Bến Lường được coi là chốt chặn ở phía cực Nam của tỉnh. Ông Đỗ Văn Cầu, Trạm trưởng Trạm kiểm dịch động vật Bến Lường cho biết: có rất nhiều trường hợp vận chuyển động vật và sản phẩm động vật từ các tỉnh phía xuôi lên địa bàn Lạng Sơn cố tình tránh trạm kiểm dịch. Các đối tượng này thường cho xe chở hàng đi theo các tuyến đường mòn, đường liên xã như đường từ Yên Thế (Bắc Giang) qua Đèo Cà, Phổng ra ngã tư Mẹt; hoặc từ Phổng qua cầu ngầm Minh Tiến ra nhà máy xi măng X78…từ những con đường này động vật và sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch sẽ luồn sâu vào địa bàn nội tỉnh. Nếu buông lỏng kiểm dịch tại các tuyến này thì dịch bệnh sẽ theo con đường vận chuyển phát tán, lan rộng ra các địa phương khác. Chính vì vậy, trong suốt thời gian qua, Trạm kiểm dịch Bến Lường đã tăng cường phối hợp với Công an huyện Hữu Lũng, Đội quản lý thị trường số 5, thắt chặt kiểm tra trên các tuyến. Chỉ trong vòng hơn 10 ngày đầu tháng 7, các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã phát hiện, xử lý 8 vụ vận chuyển động vật không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, buộc tiêu hủy 2 tấn gia cầm thịt và gần 20 nghìn gia súc, gia cầm giống các loại. Song song với việc thắt chặt kiểm tra, cơ quan chuyên môn còn tư vấn trực tiếp và thông báo kịp thời về tình hình dịch bệnh cho các chủ hàng kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, đồng thời tổ chức ký cam kết thực hiện các quy định về kiểm dịch vận chuyển động vật.
Trong khi đó việc kiểm dịch tại chợ và kiểm soát giết mổ tiếp tục được các địa phương triển khai một cách đồng loạt. Ông Hoàng Văn Cò, Trạm trưởng Trạm thú y Bắc Sơn cho biết: Trạm đã tăng cường cán bộ làm công tác kiểm dịch và phun tiêu độc khử trùng thường xuyên tại 11 chợ trên địa bàn huyện, đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất mầm bệnh có thể phát sinh.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()