Chủ nhật, 06/04/2025 06:35 [(GMT +7)]
Không chấp hành hiệu lệnh CSGT: Biểu hiện của sự thiếu văn hoá giao thông
Thứ 2, 31/05/2010 | 08:23:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Thời gian qua, trong cả nước đã xảy ra nhiều vụ người điều khiển phương tiện không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT, thậm chí có hành vi cản trở, chống đối người thi hành công vụ. Đây là biểu hiện thiếu văn hoá giao thông của một bộ phận người dân, song để loại bỏ những hành vi này nếu chỉ xử phạt để răn đe thôi thì chưa đủ…
Vào hồi 4 giờ ngày 2/5/2010, tổ tuần tra kiểm soát giao thông thuộc Đội tuần tra kiểm soát số 1-Phòng CSGT Công an tỉnh Lạng Sơn do Trung tá Đặng Thái Thành làm tổ trưởng, khi đang làm nhiệm vụ tại km16 400 Quốc lộ 1A thì phát hiện 2 nam thanh niên đi mô tô không đội mũ bảo hiểm, đánh võng trên đường. Tổ tuần tra cho xe ôtô vượt lên, ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra thì đối tượng cầm lái quay đầu xe để bỏ chạy, Trung tá Thành vừa kịp giữ tay lái xe môtô thì bất ngờ đối tượng ngồi sau dùng thanh sắt đập vào đầu làm trọng thương Trung tá Thành rồi bỏ chạy về hướng TP Lạng Sơn. Hai đối tượng này sau đó đã bị lực lượng CSGT phối hợp với Công an thành phố bắt giữ. Và Công an TP Lạng Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Văn Vũ, sinh năm 1992 là người đánh trọng thương Trung tá Thành.
![]() |
Đội tuần tra kiểm soát số 1 Phòng CSGT CALS kiểm tra giấy tờ người điều khiển môtô vi phạm ATGT |
Thượng tá Bế Thế Huyên-Phó Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: Đây là vụ người điều khiển phương tiện giao thông có hành vi cản trở, chống đối CSGT mang tính chất côn đồ xảy ra ở Lạng Sơn trong vài năm trở lại đây. Vi phạm Luật Giao thông và bị tuýt còi, nhưng đối tượng chẳng những không chấp hành hiệu lệnh mà còn liều lĩnh chống trả người thi hành công vụ. Điều này cho thấy sự thiếu ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông hiện nay, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên.
Theo thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh, thời gian qua, số vụ chống trả người thi hành công vụ không nhiều song lại nổi lên tình trạng không chấp hành hiệu lệnh giao thông. Năm 2009, xảy ra 1.153 trường hợp, bao gồm 75 trường hợp người điều khiển ô tô và 1.058 trường hợp người điều khiển môtô không chấp hành hiệu lệnh CSGT, riêng 4 tháng đầu năm 2010 cũng đã có 120 trường hợp. Hành vi chống đối CSGT khá đa dạng, song phổ biến nhất và cũng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn nhiều nhất là phóng nhanh, lạng lách “vượt mặt” CSGT. Trong những trường hợp này, đôi khi CSGT đành phải kết thúc việc truy đuổi để tránh gây tai nạn cho bản thân, cho người tham gia giao thông trên đường và cả chính đối tượng điều khiển phương tiện vi phạm trật tự ATGT. Một số hành vi không chấp hành hiệu lệnh, chống đối người thi hành công vụ mà lực lượng CSGT thường gặp còn có cả việc người điều khiển phương tiện quay đầu bỏ chạy, từ chối ngậm ống thổi đo nồng độ cồn; hoặc chửi bới, vu khống CSGT “đánh người”; hoặc nghiêm trọng hơn là liều lĩnh gây thương tích cho CSGT đang làm nhiệm vụ như trường hợp kể trên.
Nguyên nhân của các hành vi không chấp hành hiệu lệnh giao thông, chống đối CSGT được chỉ ra phần lớn là ý thức kém của một bộ phận người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, một nguyên nhân không kém phần quan trọng khác đấy là chế tài xử phạt các hành vi này chưa đủ mạnh. Từ ngày 20/5/2010, Nghị định 34/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực với mức xử phạt nặng được kỳ vọng là sẽ tăng tính răn đe so với Nghị định 146/2007 trước đây. Theo Nghị định mới, các hành vi không chấp hành biển báo, sơn vạch kẻ đường, không chấp hành đèn tín hiệu giao thông, hiệu lệnh CSGT, chống đối người thi hành công vụ… đều bị xử lý mạnh tay với mức phạt gấp đôi, trong đó, đáng chú ý hành vi điều khiển ô tô lạng lách, đánh võng và chống người thi hành công vụ có thể bị phạt tới 15-25 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo các cán bộ làm công tác ATGT thì để loại bỏ các hành vi không chấp hành hiệu lệnh, chống đối người thi hành công vụ thì cùng với việc phạt nặng của lực lượng chức năng, cần đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật và tạo ra “làn sóng” mạnh mẽ trong cộng đồng lên án những hành vi thiếu văn hoá của một bộ phận người tham gia giao thông. Có như thế mới đảm bảo trật tự ATGT đồng thời đảm bảo sự an toàn cho những người thực thi pháp luật.

Poll
Ý kiến ()