Không ban hành chính sách làm tăng chi NSNN
Ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong quản lý ngân sách, Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý chi NSNN, đặc biệt, không ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi không cân đối được nguồn để thực hiện.
Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2018, dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019; sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017.
Chi thường xuyên còn cao
Uỷ ban Tài chính-Ngân sách đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp, sự phối hợp với trách nhiệm cao của các cơ quan trong hệ thống chính trị trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ và dự báo sẽ hoàn thành các nhiệm vụ thu-chi NSNN với kết quả cao nhất so với một số năm gần đây theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Về tình hình thu NSNN, theo báo cáo của Chính phủ, tổng thu NSNN cả năm ước vượt 3% (39,2 nghìn tỷ đồng) so với dự toán, song theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính-Ngân sách, dù kết quả thu NSNN ước vượt dự toán, nhưng chưa đạt được một số mục tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội như: Tỉ lệ huy động từ thuế, phí đạt 20,7% GDP, thấp hơn mục tiêu 21% GDP đề ra; nợ đọng thuế còn lớn và có xu hướng tăng so với năm 2017.
Về chi NSNN, Báo cáo của Chính phủ cho thấy, ước thực hiện chi cả năm tăng 2,6% (39,2 nghìn tỷ đồng) so với dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển tăng 4,7% (18,66 nghìn tỷ đồng) so với dự toán; chi thường xuyên tăng 1,3% (12,25 nghìn tỷ đồng) so với dự toán. Tỉ trọng chi đầu tư phát triển/tổng chi NSNN ước đạt 26,78% tổng chi NSNN, cao hơn số thực hiện năm 2017 là 25%, tỉ trọng chi thường xuyên (đã bao gồm cả chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế) ước đạt 63,29% tổng chi NSNN, thấp hơn số ước thực hiện năm 2017 (64,68%).
Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng, về cơ bản, Chính phủ đã điều hành bám sát dự toán, quản lý ngân sách theo hướng ngày càng đề cao kỷ cương, kỷ luật tài chính, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường hậu kiểm trong việc giao nhiệm vụ chi, kiểm soát chi tập trung một đầu mối, sắp xếp lại tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, đẩy mạnh giao quyền tự chủ trong các lĩnh vực sự nghiệp công lập, thực hiện nâng lương cơ sở theo Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, còn một số vấn đề tồn tại.
Cụ thể, việc cơ cấu lại chi NSNN chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt, tỉ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN còn cao. Việc thực hiện một số chính sách an sinh xã hội thiếu đồng bộ, chưa đạt hiệu quả so với mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Bên cạnh đó, việc hướng dẫn về cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chưa đồng bộ, kịp thời, chưa cụ thể nên về cơ bản, việc thực hiện còn chậm. Điều này dẫn đến NSNN vẫn còn phải bao cấp hầu hết chi đầu tư và nhiều khoản chi thường xuyên cho nhiều đơn vị sự nghiệp công lập ở cả Trung ương và địa phương. Việc quản lý nguồn thu từ khai thác tài sản công còn lỏng lẻo, hiệu quả thấp, thất thoát nguồn lực còn lớn.
Cũng theo đánh giá của Uỷ ban Tài chính-Ngân sách, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở một số địa phương còn nặng về hình thức, chưa có chuyển biến thực sự, có nơi còn chưa đúng pháp luật.
Không ban hành chính sách làm tăng chi NSNN
Về cân đối ngân sách, theo báo cáo của Chính phủ, bội chi NSNN ước bằng dự toán là 204 nghìn tỷ đồng. Ước dư nợ công năm 2018 là 61,4% GDP, nợ nước ngoài là 49,7% GDP, trong phạm vi cho phép.
Nếu so với kết quả của các năm trước (2016 là 63,7% GDP, năm 2017 là 61,4%), tỉ trọng nợ công/GDP có xu hướng giảm, kỳ hạn vay dài hơn, lãi suất thấp hơn, tỉ trọng vay trong nước cao hơn là một kết quả tích cực, có thể bảo đảm thực hiện mục tiêu của Quốc hội về chỉ tiêu nợ công của giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, số tuyệt đối về nợ công tiếp tục đà tăng và vay để trả nợ gốc hằng năm có xu hướng tăng. Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị Chính phủ tính toán kỹ lộ trình vay, trả nợ và đặc biệt lưu ý đến những chương trình, dự án mới đã ký kết và đang đàm phán nhưng chưa giải ngân nên chưa tính vào nợ công sẽ là yếu tố tăng nợ công trong thời gian tới.
Về các giải pháp để thực hiện dự toán NSNN năm 2019, Uỷ ban Tài chính-Ngân sách cho rằng cần tập trung chỉ đạo quyết liệt trong công tác thu NSNN, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, trốn thuế, chống nợ đọng tiền thuế để tăng thu NSNN.
Đồng thời, quán triệt nguyên tắc không ban hành chính sách làm giảm thu NSNN để bảo đảm tính ổn định của chính sách thu và tỉ lệ huy động vào NSNN.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư cho các dự án, công trình, quản lý chặt chẽ vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Chậm nhất đến 30/9 hằng năm phải rà soát các nhiệm vụ chi đầu tư chậm triển khai, chậm giải ngân, nhất là vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA để cắt giảm dự toán, điều chuyển cho các dự án có khả năng giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Chính phủ cũng cần tăng cường công tác quản lý chi NSNN, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; quản lý chặt chẽ việc mua sắm tài sản công. Không ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi không cân đối được nguồn để thực hiện. Không nợ chi thực hiện chính sách đã ban hành. Tăng cường kỷ luật ngân sách, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()