Không áp từ trên xuống thì không ai muốn cải cách
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi lễ công bố. |
Chênh lệch lớn giữa các địa phương
Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (Chỉ số APCI 2018) được Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính công bố sáng 17/8 cho thấy nhóm thủ tục thuế hiện đang có chi phí thực hiện thấp nhất, trung bình chỉ hơn 73.000 đồng, trong khi nhóm thủ tục xây dựng có chi phí cao nhất, trung bình lên tới hơn 64 triệu đồng.
Báo cáo cũng cho thấy chi phí thực hiện cùng một thủ tục có sự khác biệt giữa các địa phương. Chẳng hạn về thủ tục xây dựng, các tỉnh tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có mức chi phí tuân thủ cao nhất, gấp gần 2,3 lần so với mức trung bình cả nước. Trong khi đó, mức chi phí tuân thủ tại các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ tương đương 20% mặt bằng chung toàn quốc.
Theo các chuyên gia, với Chỉ số này, Chính phủ sẽ có thêm 1 công cụ được lượng hóa để so sánh nỗ lực cải cách của từng địa phương, bộ ngành và từ đó tạo sức ép và cạnh tranh trong cải cách giữa các đơn vị.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính cho biết, Báo cáo được thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và cũng là sáng kiến được Thủ tướng đánh giá rất cao.
Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng hết sức quan tâm vấn đề kéo giảm chi phí cho doanh nghiệp, trong đó có tình trạng đi lại nhiều lần, mất nhiều thời gian để thực hiện thủ tục hành chính. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết theo một nghiên cứu, riêng trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng chi phí.
“Nếu chúng ta không đồng bộ, không áp từ trên xuống thì không ai muốn cải cách, vì cán bộ thực thi thủ tục không ai muốn rời bỏ quyền lợi của mình. Công khai, minh bạch thì chi phí lót tay sẽ giảm rất nhiều. Trên thực tế, nhiều địa phương đã triển khai tốt mô hình trung tâm hành chính công, người dân muốn cám ơn cũng không biết đưa phong bì cho ai”, Bộ trưởng nêu thực tế.
Theo Bộ trưởng, Báo cáo được xây dựng trên cơ sở tham khảo các báo cáo về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia của Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đồng thời khảo sát thực tế trên các vùng miền cả nước. Mục tiêu là minh bạch, rõ ràng, công tâm và đánh giá tương đối chính xác.
Ba vấn đề cải cách trọng tâm
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nêu rõ, Báo cáo nhấn mạnh 3 vấn đề cải cách trọng tâm.
Thứ nhất,những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ và các bộ ngành cần phải được tiếp tục duy trì và đẩy mạnh nhằm kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi, không chỉ vào nhóm đứng đầu trong ASEAN mà còn phấn đấu vươn lên tiêu chí của các nước nhóm OECD.
Thông qua Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2018, cộng đồng doanh nghiệp đã trực tiếp có ý kiến phản hồi về những nỗ lực cải cách của 8 lĩnh vực liên quan mật thiết tới hoạt động kinh doanh.
Trong 8 lĩnh vực được khảo sát, chuyên đề cắt giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã và đang được Chính phủ đặt trọng tâm cải cách trong năm 2018. Để đáp ứng mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ đã đặt chỉ tiêu và thời gian cụ thể: rà soát và cắt giảm 50% về điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Cho đến nay, về cơ bản các Bộ đã trình Nghị định về cắt giảm điều kiện kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ.
“Với vai trò gác cổng, VPCP sẽ có kênh đánh giá độc lập, làm rất kỹ, tránh tình trạng cắt giảm hình thức hoặc cắt điều kiện này mọc điều kiện khác. Kiểm tra chuyên ngành cũng vậy, cần chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng công nhận kết quả của các nước phát triển… những gì không cần thiết phải cắt bỏ”, Bộ trưởng nói.
Đồng thời, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính cũng nhấn mạnh tinh thần “chấp nhận va chạm” trong quá trình cải cách vì lợi ích chung cả đất nước, bởi “có rào cản mới cần cải cách”, “cải cách mà không có người phản đối là cải cách tồi”.
Thứ hai,những đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp trong việc triển khai phương thức Chính phủ điện tử thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ hành chính công cho thấy sự cần thiết phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với giải pháp Chính phủ điện tử nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động phục vụ doanh nghiệp của nhà nước, tăng tính minh bạch và giảm tiêu cực, nhũng nhiễu trong bộ máy cơ quan nhà nước.
Ba nhóm thủ tục có mức chi phí tuân thủ thấp nhất theo kết quả Chỉ số APCI 2018 (thuế, khởi sự kinh doanh và hải quan) cũng chính là những nhóm thủ tục có các thủ tục hành chính đang được ứng dụng dịch vụ công trực tuyến ở mức cao hơn so với các thủ tục hành chính của các nhóm thủ tục còn lại.
Thứ ba,Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính là kết quả đo lường dựa trên trải nghiệm của doanh nghiệp đối với tính hợp lý của quy định pháp luật, thực tiễn thi hành và chất lượng thực thi thủ tục hành chính. Chỉ số bổ sung cho các chỉ số hiện có đánh giá về môi trường kinh doanh, quản trị hành chính công của Việt Nam; và là dữ liệu cơ sở ban đầu cho việc đánh giá hiệu quả của các nỗ lực cải cách theo từng nhóm thủ tục hành chính và theo vùng miền, địa phương trong các năm tiếp theo.
Địa phương làm không tốt là do cán bộ
Theo Bộ trưởng, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá lạc quan về triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay, Thủ tướng cũng yêu cầu phấn đấu tăng trưởng vượt mục tiêu 6,7% nhưng phải là tăng trưởng bền vững, tăng trưởng thực chất với động lực từ cải cách, Chính phủ phục vụ người dân và doanh nghiệp, nói đi đôi với làm, tăng trưởng từ thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, không phụ thuộc vào tăng sản lượng dầu thô, thu hút đầu tư cũng không phải chủ yếu bằng ưu đãi…
Trả lời câu hỏi của phóng viên về những kỳ vọng khi công bố cáo báo, Bộ trưởng cho biết đây là lần đầu tiên Báo cáo được công bố nên chưa thể hoàn toàn “tròn trịa” và những năm tới sẽ thực chất hơn.
“Quan trọng nhất, công bố Báo cáo này để thấy việc cải cách không chỉ riêng của cơ quan nhà nước mà có sự tham gia của cả doanh nghiệp và người dân. Báo cáo cho thấy có địa phương làm tốt, có nơi làm không tốt, như vậy là do cán bộ, do người đứng đầu. Cho nên, kỳ vọng đầu tiên là tạo ra một bộ chỉ số đánh giá để góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, chủ động xây dựng thể chế, điều hành đất nước trên cơ sở thượng tôn pháp luật”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Các ý kiến đại diện doanh nghiệp tại buổi lễ công bố đều cho rằng, Báo cáo với những số liệu cụ thể về chi phí tuân thủ theo các lĩnh vực và địa phương sẽ là căn cứ để các địa phương chấn chỉnh, kể cả công tác cán bộ, tìm cách kéo giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Ý kiến ()