Khơi thông vốn cho sản xuất, kinh doanh
Thời gian vừa qua, các ngân hàng đã triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi với mong muốn tìm được những khách hàng tốt để cho vay. Nhưng thực tế diễn ra không như ý muốn khi nhiều gói tín dụng ưu đãi không tìm được người vay. Nguyên nhân được xác định do sức cầu trong nước còn yếu, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) còn nhiều khó khăn, và nợ xấu vẫn là mối quan tâm hàng đầu buộc các ngân hàng phải rốt ráo giải quyết...
Thời gian vừa qua, các ngân hàng đã triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi với mong muốn tìm được những khách hàng tốt để cho vay. Nhưng thực tế diễn ra không như ý muốn khi nhiều gói tín dụng ưu đãi không tìm được người vay. Nguyên nhân được xác định do sức cầu trong nước còn yếu, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) còn nhiều khó khăn, và nợ xấu vẫn là mối quan tâm hàng đầu buộc các ngân hàng phải rốt ráo giải quyết…
Vốn “rẻ” chọn người vay
Theo số liệu từ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa qua, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đã giảm 3 đến 4%/năm so với đầu năm. Thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho thấy, hiện lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao ở mức 7 đến 9%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phổ biến ở mức 9 đến 11,5%/năm đối với ngắn hạn; trung và dài hạn khoảng 11,5 đến 13%/năm. Lãi suất cho vay hạ đã giúp nhiều DN tiếp cận nguồn vốn vay, vượt qua khó khăn, tiếp tục đầu tư sản xuất.
Công ty TNHH Cơ khí Quyết Tiến (xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Ðịnh) được thành lập từ năm 2001, và đã có quan hệ tín dụng với ngân hàng 13 năm nay. Mỗi năm, công ty có doanh thu hơn 10 tỷ đồng, công suất 2.000 máy/năm, sản phẩm tiêu thụ ổn định trong nước và nước ngoài (Lào, Cam-pu-chia), tạo công ăn việc làm cho hơn 50 lao động địa phương.
Giám đốc Công ty Lê Huy Ðiệp cho biết: Ðược đánh giá là khách hàng loại A, với uy tín của mình DN luôn được hưởng ưu đãi về lãi suất cũng như trình tự thủ tục từ phía ngân hàng. Hiện DN đang có dư nợ tại Agribank là 1,1 tỷ đồng với lãi suất 9%/năm. Nhận định tình hình kinh doanh trong thời gian tới có nhiều khả quan, DN này đang lập phương án vay vốn ngân hàng xây dựng thêm một nhà máy có diện tích khoảng 10 nghìn m2, tổng mức đầu tư cơ sở hạ tầng dự kiến khoảng sáu đến bảy tỷ đồng.
Cũng là một trong những DN làm ăn có uy tín, Công ty TNHH Thuận Khang (xã Ðông Na, huyện Ðông Hưng, tỉnh Thái Bình) chuyên thu mua và chế biến nông sản luôn được các ngân hàng chào mời, săn đón. Do đã giao dịch lâu năm, được ngân hàng tin tưởng nên DN trở thành khách hàng thân quen của Agribank. Với tổng số vốn vay là 18 tỷ đồng, DN luôn được Agribank áp dụng mức lãi suất ưu đãi: vay ngắn hạn là 11,5%/năm và vay trung hạn là 12,5%/năm.
Giám đốc công ty Vũ Gia Khang tâm sự: Ðặc thù của DN chúng tôi gắn bó với ngành lương thực, luôn phải thu mua sản phẩm theo thời vụ, đòi hỏi phải có một nguồn vốn tập trung, sẵn có. Việc tiếp vốn kịp thời từ phía ngân hàng đã giúp DN chủ động được nguồn tiền, từ đó nắm bắt thời cơ kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, bên cạnh các DN làm ăn kinh doanh tốt, có phương án khả thi, quan hệ uy tín lâu năm với ngân hàng (NH) thì phần lớn các DN đang gặp khó khăn hiện nay vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn này, đặc biệt là nguồn tín dụng trung, dài hạn. Lãnh đạo một DN chuyên sản xuất tôn trên địa bàn tỉnh Thái Bình chia sẻ: Do cần vay vốn để nhập mua thiết bị, nguyên liệu sản xuất, DN đã liên hệ với khá nhiều NH để tìm hiểu thủ tục vay vốn trung, dài hạn. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa tiếp cận được vì các ngân hàng chỉ mở ra khả năng cho vay lãi suất ưu đãi trong ngắn hạn; hoặc thông báo cho vay trung, dài hạn nhưng với lãi suất cao khoảng 14%/năm với nhiều điều kiện xét duyệt khắt khe.
Giám đốc Công ty TNHH Thuận Khang (Thái Bình) Vũ Gia Khang cũng thừa nhận: Có một thực tế là hiện nhiều ngân hàng không cho vay trung, dài hạn mà chỉ tập trung cho vay ngắn hạn. Do đó, các DN gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn này, dẫn đến ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
“Nắn” dòng vốn vào sản xuất
Tập trung nguồn vốn vào sản xuất, kinh doanh là bài toán đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, linh hoạt của các bộ, ngành, chính quyền địa phương và cả cộng đồng DN. Những hội nghị, cuộc gặp gỡ diễn ra liên tiếp trong thời gian gần đây tại các địa phương trong cả nước giữa ngân hàng, DN, lãnh đạo cơ sở,… để tìm ra tiếng nói chung, là minh chứng rõ nhất cho điều này. Tuy nhiên, nhìn vào con số tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng, có thể thấy kết quả đạt được còn khá khiêm tốn so với kỳ vọng. Theo số liệu từ NHNN, tính đến ngày 20-8, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 5,41%, trong khi tăng trưởng huy động vốn đạt mức 9,5%. Ðể đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 12%, từ nay đến cuối năm tín dụng phải tăng hơn 1,5% mỗi tháng. Ðiều này đòi hỏi sự nỗ lực vượt khó của không riêng hệ thống ngân hàng.
Khẳng định nguồn vốn tín dụng mặc dù có xu hướng cải thiện trong những tháng gần đây nhưng vẫn chưa thật sự thông suốt, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình chỉ ra nguyên nhân do sức cầu trong nước vẫn còn yếu, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN còn khó khăn; lạm phát tiếp tục được kiểm soát nhưng vẫn không thể chủ quan với nguy cơ tăng trở lại; hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng về cơ bản an toàn nhưng nợ xấu vẫn còn ở mức cao… Do đó, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và cần sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều bộ, ngành liên quan.
Số liệu mới nhất của NHNN cho thấy, tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng tính đến tháng 6-2013 ở mức 4,46% trên tổng dư nợ, giảm so với mức 4,65% tính đến cuối tháng 5. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu trong hai tháng vừa qua cho thấy xu hướng giảm dần, nhưng nhiều lãnh đạo ngân hàng cũng thừa nhận nợ xấu vẫn đang là vấn đề đáng lo ngại của các ngân hàng hiện nay. Do vậy, cho dù kỳ vọng tăng trưởng tín dụng nhưng các ngân hàng cũng không thể vì thế nới lỏng điều kiện vay vốn, hạ thấp chuẩn tín dụng.
Theo chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Thị Mùi, tăng trưởng tín dụng không chỉ là đòi hỏi tất yếu của mỗi ngân hàng, mà còn là yêu cầu đối với nền kinh tế, đối với DN cho mục tiêu phát triển. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng phải gắn chặt với hiệu quả tín dụng, cho nên ngân hàng không thể hạ thấp điều kiện vay vốn nếu biết rằng khoản vay đó tiềm ẩn rủi ro.
Cùng quan điểm, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Thái Bình Ðỗ Quang Vinh cũng cho rằng: Trước khi quyết định cho một DN vay vốn, ngân hàng cần phải tìm hiểu sản phẩm của DN đó có đầu ra ổn định không,… để thấy rằng nguồn vốn NH đầu tư vào DN đó có an toàn hay không? Trả lời được những câu hỏi này, NH mới có thể ra quyết định nên hay không nên cho DN vay vốn.
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết: Hiện nay, các ngân hàng rất thận trọng khi cho vay, hay nói cách khác, ngân hàng chỉ cho những DN có khả năng trả nợ vay vốn. NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng cho vay đúng quy định pháp luật, không cho vay dưới chuẩn, chú trọng quản trị rủi ro, mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả của dòng vốn tín dụng. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, vốn khả dụng của tổ chức tín dụng hiện đang dư thừa và sẵn sàng nguồn cung, nhưng tín dụng chưa tăng cao bởi sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, sản phẩm của các DN chưa có đầu ra tốt, hàng tồn kho giảm nhưng sản xuất bị thu hẹp, do vậy lãi suất tuy giảm nhưng nhu cầu vay vốn không cao. Ðể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm, hệ thống ngân hàng tiếp tục khiển khai các giải pháp tín dụng, lãi suất. Cụ thể, NHNN đã sẵn sàng nguồn tái cấp vốn để triển khai gói 30 nghìn tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng tốc giải ngân cho vay theo Thông tư số 11/2013/TT-NHNN của NHNN và Thông tư số 07/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng. Ðối với quá trình xử lý nợ xấu qua công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng, hiện NHNN cũng đang khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. NHNN sẵn sàng dành lượng tiền cung ứng để tái cấp vốn hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu, cho vay tái cấp vốn đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cho vay tái canh cây cà-phê,…
Tuy nhiên, Vụ trưởng Nguyễn Thị Hồng cũng cho rằng, để khơi thông nguồn vốn, ngoài trách nhiệm của hệ thống ngân hàng, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ban, ngành để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Cần có các giải pháp tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩm đầu ra của DN; cải thiện khả năng tiếp cận vốn của DN thông qua các cơ chế bảo lãnh DN vay vốn, giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản của ngân sách; hoàn thiện thủ tục pháp lý về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hỗ trợ xử lý tài sản bảo đảm,… Về phía các DN cũng cần chủ động điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp tình hình hiện nay, khắc phục khó khăn, thực hiện tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động của DN.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()