Khơi thông nguồn vốn ưu đãi cho đồng bào vùng sâu
Thực hiện chính sách cho hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn vay vốn ưu đãi theo Quyết định 54/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2012 đến nay, huyện Đác G'long, tỉnh Đác Nông đã triển khai cho vay để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất. Tuy nhiên, sau gần ba năm thực hiện, chỉ có hơn 4% số hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn đến được với nguồn vốn này.
Khó tiếp cận nguồn vốn
Năm 2013, xã Đác Som, huyện Đác G'long, tỉnh Đác Nông chỉ có 13 hộ trên tổng số 286 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được vay vốn theo Quyết định 54 của Thủ tướng Chính phủ, với tổng số vốn vay là hơn 100 triệu đồng. Đến năm 2014, xã Đác Som tiếp tục xét công nhận thêm 22 hộ dân tộc thiểu số thuộc diện đặc biệt khó khăn nhưng không có hộ nào được vay vốn theo chính sách ưu đãi này.
Một trong các nguyên nhân được lý giải là do công văn chỉ đạo, hướng dẫn của UBND huyện về địa phương chậm, nguồn vốn thường phân bổ vào dịp cuối năm, nên việc lập danh sách các đối tượng được thụ hưởng vốn vay ưu đãi gặp nhiều lúng túng. Danh sách đối tượng cấp xã đề xuất vay vốn không đúng theo quy định, cụ thể như, người già không có khả năng lao động, người mất sức lao động, trẻ em mồ côi… Bên cạnh đó, người dân không dám mạnh dạn vay, hoặc không có nhu cầu vay vì nguồn vốn quá ít, không đáp ứng nhu cầu sản xuất quy mô lớn, nhất là sản xuất cây công nghiệp lâu năm. Về phía Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCS) huyện Đác G'long cũng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do các địa phương chuyển danh sách hộ đặc biệt khó khăn chậm trễ, hoặc lập danh sách các hộ không đúng tiêu chí theo quy định, có nhiều hộ không lập được phương án sản xuất, không có khả năng lao động… không đủ khả năng trả nợ nên không giải quyết cho vay được.
Anh K' Pá (bon K'Som, xã Đác Som), một trong 13 hộ đầu tiên được vay từ nguồn vốn cho biết: Được vay vốn ưu đãi, lãi suất thấp bà con rất mừng, nhưng số vốn vay quá ít, chỉ với 8 triệu đồng nên không đủ đầu tư nuôi bò hoặc đầu tư các mô hình kinh tế cho thu nhập cao. “Số tiền đó chỉ đủ mua một phần phân bón chăm sóc cà-phê hoặc các dụng cụ sản xuất thôi, nên không phát huy được hiệu quả, tôi đang lo đến hạn không biết lấy gì để trả nợ cho ngân hàng” – anh K' Pá băn khoăn.
Việc thực hiện chính sách cho vay ưu đãi theo Quyết định 54 tại xã Quảng Khê cũng diễn ra tương tự. Sau gần ba năm triển khai thực hiện, xã Quảng Khê chỉ có 52 trong tổng số 310 hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được vay vốn ưu đãi. Riêng năm 2014, có 86 hộ đặc biệt khó khăn làm hồ sơ vay vốn nhưng chỉ có bốn hộ vay được nguồn vốn này. Ông K'Blê, bon K'Nul, xã Quảng Khê, huyện Đác G'long cho biết: Trước đây gia đình có vay năm triệu đồng, nhưng vốn vay được ít quá, tính toán mãi không biết đầu tư sản xuất gì cho hiệu quả. Đến hạn cũng không có tiền trả nợ nên gia đình đã phải đi mượn tiền bà con trong dòng họ để trả nợ ngân hàng. Với ước mơ thoát nghèo, bà H'Rao, bon Phi Mua, xã Quảng Khê cũng đã làm thủ tục vay vốn từ cuối năm 2013, nhưng đến nay vẫn chưa hề tiếp cận được nguồn vốn. “Mới đây, khi thấy một số hộ trong bon đi nhận tiền vay vốn, tôi cũng lên xã hỏi rồi nhưng họ trả lời chưa có vốn, rất mong các cấp sớm quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho vay vốn để gia đình đầu tư phát triển chăn nuôi, tăng thêm thu nhập, bớt khó khăn” – bà H'Rao chia sẻ.
Sớm có giải pháp đồng bộ
Theo NHCS huyện Đắc G'long, toàn huyện có hơn 3.800 hộ dân tộc thiểu số thuộc diện đặc biệt khó khăn, nhưng chỉ gần 160 hộ được vay nguồn vốn ưu đãi này. Trong số đó, đã có năm hộ nợ quá hạn và hai hộ bỏ đi khỏi nơi cư trú không thu hồi được vốn vay. Giám đốc NHCS huyện Đác G'long Huỳnh Quang Dung cho biết: Trong khi nhu cầu vay vốn của bà con nhiều nhưng nguồn vốn không bố trí đủ, Quyết định 54 thực ra là chương trình nối tiếp Quyết định 32 của Thủ tướng Chính phủ. Từ năm 2012 đến nay, huyện chưa phân bổ thêm vốn mà chỉ cho vay quay vòng khoản vốn hơn hai tỷ đồng theo Quyết định 32 nên rất chật vật và hiệu quả thấp. “Thu được bao nhiêu thì chúng tôi giải ngân hết bấy nhiêu, đến nay chưa có năm nào chúng tôi để tồn đọng nguồn vốn này. Nhưng do nhu cầu vay vốn của nhân dân rất nhiều, riêng năm 2015 có hơn 1.000 hộ có nhu cầu vay vốn, trong khi đó nguồn vốn hiện tại chỉ hơn hai tỷ đồng nên không thể bảo đảm tất cả các hộ được vay vốn”, ông Dung lý giải thêm. Đác G'long là huyện có tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số lớn nhất ở tỉnh Đác Nông. Nguồn vốn ưu đãi được xem như một cứu cánh, tạo động lực trong phát triển kinh tế, giúp các hộ đặc biệt khó khăn vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, trong thời gian qua, do việc triển khai chưa đồng bộ, các thủ tục liên quan xét tiêu chí hộ đặc biệt khó khăn còn phức tạp, công tác tuyên truyền còn hạn chế, định mức cho vay của nguồn vốn thấp… nên người dân chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi hoặc đầu tư không có hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đác G'long Vũ Văn Hà cho rằng, nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đến với người dân nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn là cần thiết, có ý nghĩa rất lớn, tạo động lực giúp bà con phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.
Tuy nhiên, nguồn vốn để cho vay là quá ít và mỗi hộ được vay số tiền cũng quá ít, nên hiệu quả không đáng kể, không phù hợp với khu vực đặc thù miền núi ở huyện Đác G'long. Nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang hướng đến việc đầu tư sản xuất cây công nghiệp lâu năm.
Để khắc phục vấn đề này, theo Phó Chủ tịch huyện Vũ Văn Hà, ngoài sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương và ngành có liên quan trong công tác tuyên truyền để bà con dân tộc thiểu số nâng cao ý thức tự giác, lập phương án sản xuất tốt để sử dụng nguồn vốn ưu đãi có hiệu quả, tỉnh Đác Nông cũng cần quan tâm, có giải pháp cụ thể trong việc đề xuất bổ sung thêm nguồn vốn, bố trí nguồn vốn phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế theo hướng bền vững.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()