Khơi thông nguồn lực, tạo đột phá trong phát triển kinh tế
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, ngày 1/11, các đại biểu tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ với các đại biểu tại phiên họp. (Ảnh MỸ HÀ) |
Thực hiện đồng bộ chính sách tài khóa tiền tệ
Tại hội trường, các đại biểu cơ bản thống nhất với các Báo cáo của Chính phủ trình và báo cáo thẩm tra của các ủy ban của Quốc hội, ghi nhận những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương trong bối cảnh khó khăn trong tình hình kinh tế- xã hội thời gian qua.
Ðề cập về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, mặc dù kinh tế Việt Nam có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn khá mong manh để thúc đẩy hướng tới thực hiện tối đa mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đã được Quốc hội thông qua.
Về gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đại biểu đề nghị Chính phủ thực hiện đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ, trong đó, chính sách tài khóa là trọng tâm với cơ chế đặc thù; quan tâm thực hiện hiệu quả các chính sách thuế, hoàn thuế VAT để giải phóng và khơi thông nguồn vốn. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm chi phí, hạn chế kiểm tra, thanh tra, ban hành các văn bản, thủ tục hành chính gây khó khăn doanh nghiệp…; có các giải pháp kích cầu tạo hiệu ứng tâm lý tích cực cho doanh nghiệp các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Ðại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị Quốc hội kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư phát triển bố trí cho các dự án đầu tư của Chương trình đến hết năm 2024. Ðại biểu cho rằng, nếu giải ngân tốt các nội dung của Chương trình thì sẽ có tác dụng rất lớn trong thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên hiện việc giải ngân vốn của Chương trình còn khá chậm, đến ngày 30/9 mới đạt 28,9% kế hoạch vốn được giao.
Chung quanh việc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hỗ trợ kinh doanh với lãi suất 2%/năm tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống ngân hàng thương mại không hỗ trợ lãi suất, đại biểu đề nghị Chính phủ hết sức quan tâm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất này; mặt khác cần làm rõ trách nhiệm trong việc triển khai kết quả thực hiện còn hạn chế.
Ðối với tình hình hoạt động của doanh nghiệp và việc làm cho người lao động, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho biết, bình quân mỗi tháng có 15.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong khi số doanh nghiệp mới thành lập có xu hướng giảm về số vốn đăng ký và lao động. Số lao động mất việc làm, giảm giờ làm, rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng cục bộ, lao động khu vực phi chính thức còn lớn, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên theo báo cáo của Chính phủ còn khá cao. Ðại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá và có giải pháp chấn chỉnh tình trạng nêu trên để có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động hiệu quả hơn.
Ðề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục đánh giá các gói hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong phục hồi phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch, tiếp tục nghiên cứu chính sách giảm thuế, giãn nợ, bù đắp chi phí cho các doanh nghiệp, giảm khoản đóng góp cho doanh nghiệp như thuế, cho doanh nghiệp vay trả lương, hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà…; đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Bình Ðịnh) cho rằng, cần đánh giá kỹ hơn số liệu doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp xin tạm ngừng hoạt động để có giải pháp cụ thể trong đào tạo học nghề, hỗ trợ lao động trong tìm kiếm lĩnh vực việc làm phù hợp.
Theo đại biểu, để phát huy 3 chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện hiệu quả đề án đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, cần đa dạng hóa hợp lý cơ cấu ngành nghề, đa dạng hóa phương thức tổ chức, chương trình dạy học nhằm thu hút lao động trẻ tham gia học tập.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh THỦY NGUYÊN) |
Khơi thông “điểm nghẽn” trong sản xuất, kinh doanh và giáo dục
Phiên làm việc chiều cùng ngày, các đại biểu đã bày tỏ quan tâm đến việc tháo gỡ các vướng mắc, rào cản đối với doanh nghiệp trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19.
Theo đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa), hiện nay các doanh nghiệp đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn bắt nguồn từ chính những “điểm nghẽn” của hệ thống pháp luật, nhất là tình trạng nhận thức về pháp luật còn chưa cao và cách ứng xử thiếu trách nhiệm, né tránh, thậm chí đùn đẩy trong thực thi công vụ của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền.
Bên cạnh việc nhanh chóng tháo gỡ các nút thắt nêu trên nhằm khai thông mọi nguồn lực về dòng vốn trong nền kinh tế, Chính phủ cần quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, thị trường đầu ra, tiếp cận vốn; triển khai có hiệu quả các biện pháp kích cầu thương mại, du lịch; cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Ðại biểu cũng cho rằng, cần có các biện pháp bảo đảm sự phát triển ổn định, lành mạnh của các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tiền tệ, bất động sản, xuất nhập khẩu, thúc đẩy phát triển bền vững khu vực kinh tế tư nhân…
Ðồng tình với ý kiến nêu trên, đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) phản ánh hiện nay lĩnh vực sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các vấn đề như chi phí đầu vào cao, tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”… Vì vậy, Chính phủ và Quốc hội cũng cần nghiên cứu tiếp tục điều chỉnh chính sách để tạo điều kiện cho người dân gắn bó với nông nghiệp, nông thôn và đề cao vị trí của nông dân, khẳng định nông nghiệp luôn là trụ cột chính của nền kinh tế.
Liên quan tiến trình chuyển đổi số quốc gia, các đại biểu Ðặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam), Lý Thị Lan (Hà Giang) đánh giá cao việc phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh cá nhân, xác thực điện tử, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đất đai, tài chính, doanh nghiệp… Tuy nhiên, cần rà soát hiệu quả, hình thức triển khai các ứng dụng chuyển đổi số đến người dân; bởi thực tế, hiện tồn tại cùng lúc nhiều ứng dụng quản lý, phương thức tương tác, vận hành ít nhiều có sự khác nhau.
Không những vậy, một số ứng dụng còn hoạt động không tốt, hiệu quả chưa cao, không đáp ứng được yêu cầu phục vụ người dân như đã đề ra, thậm chí quản lý thiếu chặt chẽ, tiềm ẩn nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân, gây ảnh hưởng công tác bảo đảm an toàn, an ninh. Quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số ở các địa phương cũng gặp nhiều bất cập, nhất là thiếu thốn về vật tư, thiết bị, nhân sự, công nghệ ở các địa phương vùng sâu, vùng xa.
Ðể khắc phục tình trạng này, các đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo, sâu sát hơn trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm từ thể chế, nhân lực số, kết nối cơ sở dữ liệu; quyết liệt hơn trong triển khai hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất từ Trung ương tới địa phương, tích hợp các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, bảo đảm dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” theo thời gian thực.
Từ khía cạnh chuyển đổi số, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) và một số đại biểu khác cho rằng, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục đại học càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. So với các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới, đầu tư công cho giáo dục đại học nói chung, kinh phí nghiên cứu, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên, giảng viên các trường đại học nói riêng ở nước ta còn quá ít ỏi.
Trong khi đó, tình trạng lạm thu ở các trường học thời gian gần đây lại có dấu hiệu xuất hiện trở lại, gây bức xúc trong nhân dân. Việc đã có địa phương nghiên cứu, xem xét miễn, giảm học phí để san sẻ phần nào gánh nặng cho gia đình học sinh về cơ bản chỉ là giải pháp tạm thời. Bởi về lâu dài, không giải quyết được việc tăng nguồn thu cho giáo dục sẽ dễ dẫn tới tình trạng “thấp chỗ này, phình chỗ kia”. Do vậy, Chính phủ cần sớm có lộ trình phù hợp để cân đối giữa mức tăng học phí và các quy định liên quan nhằm bảo đảm quyền lợi cho cả các cơ sở giáo dục và học sinh, cha mẹ học sinh.
Thiếu hành lang quản lý chung cư mi-ni
Thảo luận tại hội trường hôm qua, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội quan tâm về tình trạng vi phạm các quy định về an toàn tại các chung cư mi-ni đang đe dọa sức khỏe, tính mạng của người dân, cần phải có những giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục những bất cập trong công tác quản lý chung cư mi-ni.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), thực trạng pháp luật quy định của pháp luật hiện hành về loại hình nhà ở này rất lỏng lẻo, khoản 2 Ðiều 46 của Luật Nhà ở hiện hành có mô tả về loại hình nhà ở này nhưng không rõ về tiêu chuẩn về quy chuẩn cũng như về yêu cầu quản lý, thậm chí định danh cũng chưa rõ ràng. Chính vì quy định lỏng lẻo đã dẫn đến thiếu hành lang pháp lý phù hợp, gây lúng túng trong quản lý, gây áp lực cho hạ tầng đô thị và đặc biệt tiềm ẩn nguy cơ cao đối với sự an toàn của người dân.
Ðại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) cho rằng, việc tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp để có chỗ ở, học tập và lao động rất cần thiết nhưng không vì thế mà buông lỏng công tác quản lý nhà nước về xây dựng cơ sở hạ tầng và quản lý đô thị ở khu nhà ở, nhà trọ và khu chung cư và không bảo đảm an toàn. Tình trạng xây dựng trái phép, có nhiều nguy cơ mất an toàn ở các chung cư mi-ni hiện nay rất đáng báo động. Tuy nhiên, việc các cơ quan chức năng biết sai phạm nhưng không xử lý vẫn tồn tại trong nhiều năm qua, cần phải xem xét, chấn chỉnh.
Ðại biểu Hoàng Ðức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, vụ cháy chung cư mi-ni tại quận Thanh Xuân, Hà Nội vừa qua như là “giọt nước tràn ly” của những tích tụ bất cập lâu nay, do vậy cần phải giải bài toán thực tế hiện hữu này bằng những biện pháp kỹ thuật phù hợp. Nhấn mạnh, “việc bịt chặt khe hở trong quản lý là việc cần làm ngay, nhưng siết chặt quá mức cần thiết thì sẽ đẩy người lao động, người có thu nhập thấp vào cảnh khó khăn”, khi họ không có điều kiện vào ở những căn hộ đủ tiêu chuẩn, đại biểu kiến nghị: Cần thiết kế các chính sách hấp dẫn hỗ trợ các nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội để có thể đáp ứng nhu cầu nhà ở của một tầng lớp nhân dân.
Trong phiên làm việc, các thành viên Chính phủ đã giải trình, làm rõ một số vấn đề mà các đại biểu đã nêu.
Hiện nay, tồn tại một thực trạng rất trái ngược: các ngân hàng thì thừa tiền, còn doanh nghiệp nhỏ và vừa lại “khát” vốn; vì vậy, cần nhanh chóng tìm giải pháp căn cơ, hiệu quả cho quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời nghiên cứu, xem xét mở rộng bảo lãnh tín dụng, bảo lãnh ngân hàng và đơn giản hóa các điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp.
Ðại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình)
Chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa là nhằm tranh thủ khai thác chất xám, kinh nghiệm của các chuyên gia, học giả ngành giáo dục cũng như các nhà giáo, hướng đến phục vụ cải cách giáo dục, huy động tiềm lực kinh tế của toàn xã hội. Nếu chỉ vì những trục trặc ban đầu trong bối cảnh công tác xã hội hóa đang tiến hành tốt mà đề xuất Bộ Giáo dục và Ðào tạo biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa, thì liệu có thể giải quyết được mọi vướng mắc đặt ra hay không?
Ðại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh)
Nguồn: https://nhandan.vn/khoi-thong-nguon-luc-tao-dot-pha-trong-phat-trien-kinh-te-post780608.html
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()