Khơi thông nguồn lực nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp
Hàng triệu tỷ đồng vốn và tài sản nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp cần được phát huy thông qua các giải pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế-xã hội.
Kiểm tra hoạt động vận hành tại kho xăng dầu của Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam). (Ảnh DUY ÐĂNG) |
Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, đến nay, cả nước còn khoảng 826 doanh nghiệp có vốn của Nhà nước. Số lượng các doanh nghiệp nhà nước quy mô nhỏ, hoạt động trong nhiều lĩnh vực kinh doanh thuần túy đã giảm dần; số doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn có 79 doanh nghiệp (không tính các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, công ích, xổ số), gồm 9 tập đoàn kinh tế và 70 tổng công ty nhà nước.
Ðáp ứng 10% tổng vốn đầu tư toàn xã hội
Riêng các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chỉ chiếm khoảng 0,08% số doanh nghiệp hoạt động nhưng nắm giữ khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định, đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp.
Trong giai đoạn 2016-2021, đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng của nền kinh tế đã giúp giảm bớt gánh nặng từ ngân sách nhà nước trong thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội quan trọng của đất nước, góp phần thực hiện tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Nguồn vốn đầu tư của khối doanh nghiệp nhà nước năm 2021 chiếm 24,6% tổng vốn đầu tư của nhà nước và chiếm gần 10% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong cả giai đoạn. Về hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) cho biết: Tính đến cuối năm 2022, tổng vốn chủ sở hữu của 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban đạt khoảng 1,17 triệu tỷ đồng, trong đó công ty mẹ chiếm hơn 55% (955 nghìn tỷ đồng); tổng tài sản hợp nhất các doanh nghiệp đạt hơn 2,44 triệu tỷ đồng, công ty mẹ nắm giữ hơn 1,63 triệu tỷ đồng (gần 67%). Tổng doanh thu của các doanh nghiệp đạt 1,59 triệu tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 83 nghìn tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2022, tổng vốn chủ sở hữu của 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban đạt khoảng 1,17 triệu tỷ đồng, trong đó công ty mẹ chiếm hơn 55% (955 nghìn tỷ đồng); tổng tài sản hợp nhất các doanh nghiệp đạt hơn 2,44 triệu tỷ đồng, công ty mẹ nắm giữ hơn 1,63 triệu tỷ đồng (gần 67%). Tổng doanh thu của các doanh nghiệp đạt 1,59 triệu tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 83 nghìn tỷ đồng.
Các tập đoàn, tổng công ty đóng vai trò nòng cốt trong các lĩnh vực quan trọng như điện; bán lẻ xăng dầu; thuê bao di động; vận tải hành khách nội địa đường hàng không, đường sắt, đường biển. Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, tình hình đầu tư của các doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban đã đạt được kết quả ban đầu khi từ năm 2018 đến nay có nhiều dự án đầu tư được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai thực hiện.
Trong đó có 10 dự án lớn, quan trọng, cấp thiết chậm tiến độ từ nhiều năm với tổng mức đầu tư hơn 259 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, các tập đoàn, tổng công ty đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Ðáng lưu ý, một số dự án lớn, quan trọng do doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban triển khai thực hiện đã góp phần bảo đảm cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước, tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực cả nền kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Cần tháo gỡ từ cơ chế
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cũng nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực đang nắm giữ.
Nguồn lực vốn, tài sản của nhà nước trong doanh nghiệp chưa được huy động, khai thác hiệu quả để đẩy mạnh thực hiện đầu tư các dự án quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế. Hạn chế này dẫn đến vai trò, vị trí của các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn trong phát triển kinh tế chưa đạt như kỳ vọng. Các doanh nghiệp nhà nước chưa chú trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính chất dẫn dắt, tạo động lực, hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Việc tổ chức triển khai một số dự án còn kéo dài làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực, dẫn đến hiệu quả đầu tư chưa đạt kết quả cao.
Trong số các nguyên nhân cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp nhà nước hiện nay, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư chỉ ra điểm nghẽn là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ, thống nhất khiến cho quá trình chuẩn bị đầu tư phải kéo dài.
Trong giai đoạn năm 2016-2020, rất ít dự án, công trình mới có quy mô lớn của doanh nghiệp nhà nước được khởi công, chủ yếu là tiếp tục thực hiện các dự án dở dang hoặc xử lý các dự án không hiệu quả từ giai đoạn trước. Ðể khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật thay thế Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp trình Chính phủ xem xét, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024.
Những nguyên tắc cơ bản được nhấn mạnh trong định hướng xây dựng luật thay thế Luật số 69 được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt lớn trong quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, các nguyên tắc, quan điểm xây dựng luật hướng đến cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp gắn với đẩy mạnh phân công, phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp.
Tách bạch, phân định rõ chức năng đại diện chủ sở hữu tài sản, vốn của nhà nước tại doanh nghiệp với chức năng quản lý nhà nước. Quy định rõ vốn của Nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp; nguồn lực nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp phải được quản lý tập trung và thống nhất để đáp ứng yêu cầu về đầu tư vốn vào doanh nghiệp linh hoạt, kịp thời và phải được quản lý, giám sát; Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, không can thiệp hành chính vào hoạt động và quản trị sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp…
Theo ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính-kế toán, Tổng công ty Hàng không Vietnam Airlines, nguyên tắc này thực thi sẽ giải quyết được rất nhiều vướng mắc, tắc nghẽn lâu nay trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như xác định quyền sở hữu tài sản, đầu tư, quản lý các công ty con… Ðơn cử, Vietnam Airlines đã cổ phần hóa gần 10 năm nhưng sổ đỏ của doanh nghiệp vẫn không được đổi sang tên mới vì vốn trả tiền thuê đất một lần có nguồn gốc từ ngân sách… Nếu đây được hiểu là vốn của doanh nghiệp, vướng mắc này sẽ được tháo gỡ.
TS Nguyễn Ðình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định: Doanh nghiệp nhà nước lẽ ra phải là động lực chính cho những kỳ tích tăng trưởng nhưng lại bị hạn chế phát triển vì những điểm nghẽn trong cơ chế quản lý. Trong thực tế, doanh nghiệp nhà nước chưa được tự chủ làm những việc đương nhiên của doanh nghiệp, từ hoạt động đầu tư, thoái vốn đến tuyển dụng nhân sự, cơ chế tiền lương để thu hút người tài. Chính vì vậy, ngay cả những doanh nghiệp đầu ngành muốn đầu tư vào các lĩnh vực mới, xu hướng mới để bứt phá cũng không thể thực hiện được.
Doanh nghiệp nhà nước lẽ ra phải là động lực chính cho những kỳ tích tăng trưởng nhưng lại bị hạn chế phát triển vì những điểm nghẽn trong cơ chế quản lý. Trong thực tế, doanh nghiệp nhà nước chưa được tự chủ làm những việc đương nhiên của doanh nghiệp, từ hoạt động đầu tư, thoái vốn đến tuyển dụng nhân sự, cơ chế tiền lương để thu hút người tài.
TS Nguyễn Ðình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
Theo TS Nguyễn Ðình Cung, đổi mới cơ chế, chính sách quản lý để doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường; tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu với chức năng quản lý doanh nghiệp, trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp là những giải pháp cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước hiện nay .
Nguồn:https://nhandan.vn/khoi-thong-nguon-luc-nha-nuoc-dau-tu-tai-doanh-nghiep-post756849.html
Ý kiến ()