Khơi thông nguồn lực FDI
Còn gần hai tháng nữa mới kết thúc năm nhưng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của cả nước đã vượt mức kế hoạch của cả năm khi đạt 19,23 tỷ USD, tăng tới 65,5% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, vốn FDI giải ngân cũng tiếp tục đạt mức cao, gần 10 tỷ USD, tăng 6,4%. Trong bối cảnh các nguồn lực trong nước khó khăn như hiện nay thì nguồn vốn FDI có ý nghĩa quan trọng, cần tranh thủ khai thác và sử dụng hiệu quả, góp phần đưa nền kinh tế thoát khỏi giai đoạn khó khăn.
Còn gần hai tháng nữa mới kết thúc năm nhưng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của cả nước đã vượt mức kế hoạch của cả năm khi đạt 19,23 tỷ USD, tăng tới 65,5% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, vốn FDI giải ngân cũng tiếp tục đạt mức cao, gần 10 tỷ USD, tăng 6,4%. Trong bối cảnh các nguồn lực trong nước khó khăn như hiện nay thì nguồn vốn FDI có ý nghĩa quan trọng, cần tranh thủ khai thác và sử dụng hiệu quả, góp phần đưa nền kinh tế thoát khỏi giai đoạn khó khăn.
Gia tăng về lượng, chuyển biến về chất
“Chúng tôi lựa chọn Việt Nam là địa điểm đầu tư vì nhu cầu tại thị trường này đang tăng mạnh. Hơn nữa sự ổn định và những lợi thế của Việt Nam vẫn rất hấp dẫn”, ông Yeon-Joo Jung, Phó Chủ tịch Công ty Samsung C&T, một công ty con của Tập đoàn Samsung, nói. Từ đầu năm đến nay, Samsung góp mặt trong một loạt các dự án FDI quy mô lớn được cấp phép như dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên sản xuất và lắp ráp các sản phẩm điện tử với tổng vốn đầu tư hai tỷ USD; dự án Công ty TNHH Samsung Electromechanics Việt Nam sản xuất và lắp ráp bảng mạch in kết nối mật độ cao HDI vốn đầu tư 1,23 tỷ USD hay dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Bắc Ninh điều chỉnh tăng vốn một tỷ USD… Bên cạnh các dự án lớn liên quan tới Samsung, nhiều dự án FDI khác với quy mô vốn đầu tư từ một tỷ đến 2,8 tỷ USD cũng đã được cấp phép. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn FDI đăng ký mới và mở rộng trong mười tháng qua đã đạt mức 19,23 tỷ USD, tăng 65,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đăng ký vào dự án mới là 13,07 tỷ USD và vốn đăng ký mở rộng là 6,15 tỷ USD.
Nhìn nhận kết quả này, chuyên gia kinh tế Lê Đình Ân cho rằng, thu hút FDI đã có sự sàng lọc nhất định, tập trung vào những tập đoàn xuyên quốc gia như LG, Samsung hay những đối tác truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Xin-gapo, Liên bang Nga… với nhiều dự án quy mô lớn. Không chỉ vậy, điểm sáng trong bức tranh FDI còn là việc vốn FDI chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo theo đúng định hướng thu hút FDI của nước ta. Lĩnh vực này trong mười tháng qua thu hút nhiều nhất sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với gần 500 dự án FDI đăng ký mới với tổng vốn cấp mới và tăng thêm lên đến hơn 14,92 tỷ USD, chiếm 77,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Theo GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp FDI, tỷ lệ lớn vốn FDI đổ vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp cho thấy chất lượng của dòng vốn này vào Việt Nam đã được cải thiện.
Mặc dù kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, dòng vốn FDI trên toàn cầu chưa phục hồi mạnh mẽ nhưng lượng vốn FDI đổ vào nước ta lại không hề sụt giảm, thậm chí còn tăng tới 65,5% so với cùng kỳ năm trước. Lý giải sự “lội ngược dòng” này, TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tuy môi trường đầu tư của Việt Nam còn nhiều vấn đề phải tiếp tục giải quyết để nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực, nhưng xét về các điều kiện cần và đủ cho việc thu hút các dự án FDI quy mô lớn (như cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, chính sách đầu tư, sự ủng hộ của Chính phủ và chính quyền các cấp…), Việt Nam vẫn đáp ứng được các điều kiện đó và chủ yếu sẽ giải quyết được các vấn đề đó tốt trong tương lai gần nên các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn vẫn chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư.
Trong sự tăng trưởng mạnh mẽ trở lại dòng vốn FDI vào Việt Nam từ đầu năm đến nay, dễ nhận thấy sự đóng góp không nhỏ của các dự án FDI tăng vốn, mở rộng đầu tư. Đây cũng chính là kết quả của sự nhìn nhận, đánh giá lạc quan của các nhà đầu tư nước ngoài về những tiềm năng, triển vọng dài hạn của thị trường Việt Nam. “Nhiều nhà đầu tư đã thấy thật sự cần thiết phải tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam để bảo đảm hiệu quả cho dự án đang đầu tư. Chẳng hạn như dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Bắc Ninh đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư một tỷ USD. Ngoài việc tự đầu tư tăng vốn mở rộng, các nhà đầu tư đó còn cùng Việt Nam vận động thu hút các nhà đầu tư khác liên quan trong dây chuyền sản xuất toàn cầu của họ. Và chính những dự án FDI có quy mô lớn lại có sự ảnh hưởng và tác động lan tỏa đối với các nhà đầu tư mới”, TS Phan Hữu Thắng nhìn nhận.
Ca làm việc của công nhân Nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung Electronics Việt Nam
tại Khu công nghệ cao Yên Phong, Bắc Ninh. Ảnh: ĐỨC THANH
Đón nhận và sàng lọc
Theo các chuyên gia, đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp thường mang tính lâu dài, bền vững; tạo mới nhiều cơ sở vật chất như nhà xưởng, máy móc, công nghệ; đẩy nhanh tiến độ lấp đầy các khu công nghiệp; đào tạo lao động trình độ cao; tạo tiền đề phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước… Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Lê Đình Ân cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận những dự án FDI trong lĩnh vực này phần lớn vẫn là sản xuất gia công, lắp ráp, tạo ra giá trị gia tăng rất thấp trong sản phẩm do hầu hết máy móc, nguyên, vật liệu, công nghệ sản xuất đều được nhập khẩu và sản phẩm đầu ra hoàn toàn dành cho xuất khẩu. Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng cũng nhận xét, mấy năm gần đây, một số dự án FDI sản xuất, lắp ráp điện tử đi vào hoạt động, tạo kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng cũng phải nhập khẩu nhiều, giá trị gia tăng trên sản phẩm chưa cao, đóng góp vào ngân sách ít… Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do nước ta chưa có ngành công nghiệp hỗ trợ đúng nghĩa. Không chỉ công nghiệp mà nông nghiệp cũng cần công nghiệp hỗ trợ như công nghệ vi sinh, biến đổi gien, tạo cây giống, con giống… Vì thế, công nghiệp hỗ trợ cần xác định là mũi nhọn để đầu tư. Bên cạnh đó, FDI vào lĩnh vực nông nghiệp trong cả thời gian dài vừa qua vẫn chiếm tỷ trọng thấp và chưa có cải thiện đột phá, trong khi nông nghiệp được coi là “chỗ dựa” của nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn. Còn lĩnh vực dịch vụ, cần hiểu theo nghĩa rộng là bao gồm dịch vụ cho công nghiệp, nông nghiệp, sản xuất, đời sống… nhưng FDI vào những lĩnh vực này cũng giảm mạnh. Với lĩnh vực bất động sản, FDI mới chú trọng vào phân khúc khách sạn, nghỉ dưỡng, nhà ở… còn quá ít những dự án tầm cỡ, quy mô lớn, có giá trị kiến trúc dài lâu. Đến năm 2020, nước ta cần hàng trăm tỷ USD đầu tư vào hạ tầng nhưng đến nay mới chỉ có 10 dự án BOT vốn FDI vào lĩnh vực này. Những vấn đề lớn nêu trên Nhà nước đã có chủ trương nhưng cơ chế chưa đủ mạnh, chưa tạo được bước ngoặt trong thu hút và giải ngân vốn FDI vào những lĩnh vực này.
Một điểm khác dễ nhận ra rằng, hiện nay Việt Nam đang tham gia đàm phán một số hiệp định thương mại tự do với các nước khác như Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Hiệp định thương mại tự do với EU. Điều này hứa hẹn một làn sóng đầu tư đổ vào các lĩnh vực như dệt may, da giày… khi khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam, nhằm hưởng lợi từ chi phí nhân công rẻ và thuế xuất khẩu thấp tại các thị trường mà Việt Nam tham gia ký các hiệp định thương mại tự do. Song, các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo, việc đón làn sóng đầu tư này cũng cần cẩn trọng bởi nếu không, những cơ hội lớn từ TPP sẽ chỉ rơi vào tay các DN FDI, còn các DN trong nước bị lấn át. Cần chuyển dần thu hút FDI với lợi thế giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hơn 19 tỷ USD vốn FDI đổ vào Việt Nam là con số không hề nhỏ khi cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia đang ngày càng trở nên gay gắt. Nhưng đây mới chỉ là số vốn đăng ký và thách thức lớn nhất trước mắt là việc giải ngân số vốn đăng ký này trong thời gian sớm nhất. Mười tháng qua, giải ngân vốn FDI tăng mạnh khi đạt xấp xỉ mười tỷ USD. Trong bối cảnh các nguồn lực trong nước khó khăn như hiện nay thì lượng vốn FDI thực hiện góp phần bổ sung nguồn vốn quan trọng cho tổng vốn đầu tư xã hội hiện đang bị giảm dần.
Đánh giá khả năng thực hiện của các dự án FDI đã đăng ký, TS Phan Hữu Thắng cho biết, các dự án FDI đăng ký có thực hiện được hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như khả năng huy động vốn của nhà đầu tư; tình hình kinh tế chung của thế giới, khu vực, nước đầu tư; sự biến động bất lợi cho đầu tư trong lĩnh vực ngành hàng mà dự án đăng ký… Tuy nhiên, kết quả thực tế đầu tư của các dự án FDI quy mô lớn trước đây cho thấy, 90% số vốn FDI đăng ký trong mười tháng qua sẽ có khả năng thực hiện tốt nếu có sự hỗ trợ, kiểm tra, giám sát, đôn đốc kịp thời thực hiện các dự án đã được cấp phép của các cơ quan quản lý nhà nước về FDI ở cả trung ương và địa phương. TS Phan Hữu Thắng dẫn chứng, Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị quyết 103/NQ-CP về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý FDI trong thời gian tới với một loạt các nhiệm vụ, giải pháp và giao các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện 60 đề án với thời hạn hoàn thành trong năm 2014, trong đó có tới 50% số đề án cần hoàn thành trong quý IV-2013. Các đề án này cần phải hoàn thành đúng hạn thì mới có thể giải quyết được ngay các hạn chế trong hoạt động của khu vực FDI như đăng ký lại DN FDI (sẽ hết hạn vào ngày 1-2-2014); xử lý tình trạng DN FDI bỏ trốn; ngăn chặn, hạn chế tác động xấu của các hành vi chuyển giá trốn thuế của một số DN FDI (hướng dẫn thực hiện cơ chế thỏa thuận giá định trước APA, theo quy định mới tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế); phát triển công nghiệp hỗ trợ; thu hút FDI gắn với việc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững… Quan trọng là các bộ, ngành, địa phương tập trung tổ chức thực hiện tốt nhất với chất lượng cao nhất đúng hạn các đề án này thì sẽ góp phần tăng cường thu hút và thúc đẩy giải ngân vốn FDI.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()