Khơi thông "luồng xanh", giữ huyết mạch kinh tế
Để bảo đảm thông thương, không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa trong điều kiện nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội chống dịch Covid-19, hệ thống “luồng xanh” trong giao thông vận tải (GTVT) đã hoạt động. Đến nay, các đơn vị vận tải có thể dễ dàng đăng ký tham gia “luồng xanh”. Tuy nhiên, vẫn có lúc “luồng xanh” bị ách tắc vì địa phương lấy lý do chống dịch. Vậy làm thế nào để “luồng xanh” luôn được vận hành thông suốt ngay cả trong những tình huống dịch bệnh căng thẳng?
Ứng dụng công nghệ vào quản lý, cấp phép
Trong những ngày Hà Nội và một số địa phương khu vực phía Bắc thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động của Công ty ASM, đơn vị chuyên về vận tải, vẫn luôn được duy trì, chưa ngày nào gián đoạn. Yếu tố quan trọng để đơn vị này bảo đảm hoạt động là nhờ tất cả phương tiện đều đã đăng ký và được cấp phép lưu thông trên “luồng xanh”. Ông Phạm Ngọc Tuấn, đại diện Công ty ASM cho biết, quy trình đăng ký “luồng xanh” khá thuận lợi, nhanh chóng, chỉ 24 giờ sau khi hoàn thành thủ tục là được trả kết quả. “Mặt hàng chúng tôi vận chuyển đều là hàng tiêu dùng thiết yếu. Lái xe luôn xét nghiệm đầy đủ, phương tiện được cấp phép lưu thông và đặc biệt là tuân thủ đúng lộ trình. Nhờ vậy, xe đi qua các chốt kiểm dịch khá thuận lợi, ách tắc chỉ trong thời gian đầu, đến nay cơ bản đã thông suốt”, ông Phạm Ngọc Tuấn chia sẻ.
Phương tiện đi qua chốt kiểm dịch tại Trạm thu phí Pháp Vân-Cầu Giẽ (Hà Nội). Ảnh: LA DUY |
Trong điều kiện phòng, chống dịch (PCD), một trong những ưu tiên hàng đầu là bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống dân sinh. Để đáp ứng yêu cầu đó, “luồng xanh” đã được xây dựng gồm “luồng xanh” vận tải quốc gia và “luồng xanh” nội tỉnh. Các loại phương tiện được đăng ký “luồng xanh” bao gồm phương tiện chở hàng hóa phục vụ an sinh xã hội, bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, chở thiết bị, vật tư và sinh phẩm y tế phục vụ PCD; xe chở công nhân, người lao động, chuyên gia… có hành trình đi-đến hoặc đi qua các khu vực đang phong tỏa, giãn cách.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện lưu thông thông suốt 24/24 giờ, giảm thời gian kiểm tra, kiểm soát, ngành GTVT đã triển khai cấp thẻ nhận diện phương tiện kèm mã QR code thông qua phần mềm. Quy trình đăng ký “luồng xanh” được thực hiện hoàn toàn trực tuyến qua địa chỉ www.luongxanh.drvn.gov.vn. Kết quả sẽ được hệ thống gửi tự động về địa chỉ email hoặc truy cập vào tài khoản do đơn vị đăng ký. Đến nay, theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đã có hơn 383.000 xe được cấp QR code. Nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội đã lắp camera tại các chốt kiểm dịch để quét mã QR code tự động nên lưu thông rất thuận lợi.
Mở rộng “luồng xanh” trên đường thủy
Bên cạnh đường bộ, các loại hình vận tải khác cũng được chú trọng, nhất là vận tải khối lượng lớn như đường thủy. Theo ước tính, 95% lượng lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được vận chuyển qua đường thủy. Hiện nay, vận tải thủy ở các tỉnh phía Nam vẫn đang được duy trì theo nguyên tắc PCD, chỉ dừng hoạt động với thuyền dân sinh.
Bộ GTVT đã có chủ trương và khuyến khích các địa phương lập “luồng xanh” đường thủy ngay từ những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội. Đồng thời đã yêu cầu Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam phối hợp với các địa phương để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các phương tiện vận tải thủy lưu thông, kể cả cấp phép cho tàu cao tốc chở khách được hoán cải tạm thời để vận chuyển nông sản. Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Bộ GTVT luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển vận tải hàng hóa bằng ĐTNĐ. Vì vậy, toàn bộ hệ thống ĐTNĐ được coi là “luồng xanh” cho các phương tiện thủy nội địa tham gia vận tải hàng hóa.
Kiểm soát phương tiện lưu thông trên “luồng xanh” tại Trạm thu phí Pháp Vân-Cầu Giẽ (Hà Nội). Ảnh: LA DUY |
Các địa phương như Cần Thơ, Đồng Tháp, Cà Mau, Hậu Giang, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ yêu cầu thuyền viên phương tiện thủy nội địa chở hàng hóa hạn chế lên bờ. Khi vào, rời cảng, bến chỉ cử một người đại diện làm thủ tục và phải thực hiện nghiêm các quy định về PCD, người lên bờ phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 hoặc test nhanh. Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân vận chuyển hàng hóa, nông sản trên các tuyến kênh, mương nội đồng, kết nối đến các tuyến ĐTNĐ và các cảng, bến, không để gián đoạn khâu thu mua, chế biến và tiêu thụ.
Không được coi quốc lộ như đường làng, ngõ xóm
Để bảo đảm yêu cầu PCD, điều kiện không thể thiếu hiện nay đối với lái xe, lái tàu lưu thông trên “luồng xanh” là phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19. Thời gian hiệu lực của kết quả xét nghiệm chỉ trong 72 giờ, trong khi đó, đặc thù của vận tải thủy nội địa có thời gian vận chuyển dài, thường hơn 3 ngày, dẫn đến nhiều trường hợp phương tiện không được vào cảng, bến để xếp, dỡ hàng hóa. Các địa phương hầu hết chưa bố trí được điểm test nhanh tại chỗ để hỗ trợ cho đội ngũ thuyền viên. Bên cạnh đó, với đa phần doanh nghiệp vận tải cả đường bộ, đường thủy, chi phí xét nghiệm cũng tạo thêm gánh nặng. Thực tế, nhiều đơn vị duy trì hoạt động để bảo đảm việc làm cho người lao động, giá cước không tăng nên không thể bù được các chi phí, thậm chí đối mặt với thua lỗ.
Theo ông Nguyễn Công Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, để ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh do hoạt động vận tải, chủ thể cần kiểm soát là con người, ví dụ như lái xe, phụ xe chứ không phải hàng hóa. Trong điều kiện hiện nay có thể triệt để áp dụng kiểm soát điểm đầu và điểm cuối của hành trình thông qua các giải pháp công nghệ như định vị, thiết bị kiểm soát hành trình, giúp phương tiện lưu thông qua chốt kiểm dịch thuận lợi, bảo đảm lái xe đi đúng lộ trình đã được cấp, không tùy tiện dừng, đỗ dọc đường. Với những nơi giao nhận hàng hóa đủ điều kiện cho việc bảo đảm lái xe không rời khỏi cabin thì có thể đơn giản hóa yêu cầu xét nghiệm, vì lái xe không tiếp xúc với ai cũng sẽ ngăn chặn nguồn lây bệnh. Với một hành trình dài có thể tổ chức điểm dừng nghỉ, đổ nhiên liệu bảo đảm chặt chẽ biện pháp phòng dịch.
Chuẩn bị trước cho tình huống dịch bệnh còn có thể kéo dài, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đề nghị các sở GTVT chủ động xây dựng kịch bản và phương án phù hợp với tình hình, điều kiện của địa phương, không cứng nhắc, rập khuôn. Đối với tỉnh có lưu lượng mật độ giao thông đông đúc, là cửa ngõ thông thương bằng đường biển của đất nước như Hải Phòng, Thứ trưởng Lê Đình Thọ lưu ý tổ chức giao thông phải phân luồng từ xa, nghiên cứu lập chốt kiểm soát dịch bệnh phù hợp, tổ chức nhiều điểm kiểm tra tại một chốt để tránh tắc nghẽn. Bố trí bãi tập kết hàng hóa, quản lý lái xe tập trung là những giải pháp phù hợp, tối ưu trong PCD, các địa phương phải chủ động, tính toán để triển khai bảo đảm hiệu quả. Doanh nghiệp, đơn vị vận tải chịu trách nhiệm trong quản lý lái xe. Lãnh đạo Bộ GTVT nêu rõ, những trường hợp lợi dụng chính sách “luồng xanh” để trục lợi, chở người, chở hàng hóa cấm, hoạt động không đúng quy định, thiếu trách nhiệm gây lây nhiễm dịch bệnh, nếu bị phát hiện sẽ xử lý nghiêm minh.
Kinh nghiệm ứng phó với đại dịch của nhiều nước cho thấy, việc tạo “luồng xanh” luôn được chú trọng cả trong nội địa cũng như lưu thông xuyên biên giới. Đơn cử như với các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), khi đi trên “luồng xanh”, lái xe chỉ cần giấy tờ tùy thân, giấy phép lái xe và giấy chứng nhận vận tải quốc tế, việc kiểm tra sức khỏe chỉ thực hiện ở một bên của biên giới. Các biện pháp như máy quét đo thân nhiệt hay test nhanh tại chỗ cũng được áp dụng để vừa hạn chế cản trở lưu thông, vừa kiểm soát dịch bệnh. Từ thực tiễn tại Việt Nam cũng như kinh nghiệm quốc tế, hệ thống “luồng xanh” quốc gia cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa, tránh tâm lý “ngăn sông cấm chợ”, không được coi quốc lộ như đường làng, ngõ xóm để ngăn chặn tùy tiện, có như vậy mới khơi thông dòng chảy hàng hóa, bảo đảm vận hành xã hội ngay cả trong điều kiện dịch bệnh căng thẳng.
Ý kiến ()