Khơi thông, kết nối cung - cầu nông sản
Tính đến nay, có 811 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đã đăng ký với Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía nam trong điều kiện dịch Covid-19 (Tổ công tác 970) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó, một khối lượng lớn thủy hải sản, rau củ quả, trái cây, lương thực… đã được kết nối tiêu thụ ngay trong tâm dịch.
Cách đây hơn một tuần, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) Nguyễn Quốc Cường như “ngồi trên đống lửa” khi vài chục tấn rau củ quả thu hoạch hằng ngày gặp rất nhiều khó khăn lưu thông xuất bán, thì đến thời điểm này anh đã thở phào nhẹ nhõm. Anh chia sẻ: Sau khi đăng ký đầu mối cung cấp với Tổ công tác 970, chúng tôi nhận được thêm rất nhiều đơn hàng, trong đó lớn nhất là đơn giao cách ngày cho một công ty thực phẩm ở tỉnh Ðồng Nai, trị giá hơn 100 triệu đồng/đơn hàng. Ngoài ra là các đơn hàng thường xuyên cho các chuỗi siêu thị tại thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bến Tre, Tiền Giang… với trị giá khoảng 130 triệu đồng/ngày. Các phần rau củ quả đóng sẵn cho một số hệ thống siêu thị tiện lợi, mỗi ngày chúng tôi cũng cung cấp khoảng 165 phần, với mức giá từ 55.000 – 103.000 đồng/phần. Nhờ các kiến nghị từ Tổ công tác với chính quyền các địa phương, xe vận chuyển hàng hóa được lưu thông thuận lợi hơn. Hiện tất cả các xe chuyên chở của Hợp tác xã đều đã được cấp mã QR lưu thông vào luồng xanh.
Anh Lê Phú Nhơn, xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Ðồng Tháp cũng hồ hởi: May quá, lượng nhãn thu hoạch rộ hiện đã có đầu ra sau kết nối cung – cầu, với giá bán hơn 10.000 đồng/kg. Mức giá tuy không cao nhưng các hộ trồng nhãn cũng đỡ lo lắng, sốt ruột phần nào bởi trước đó gần như không bán được. Nhãn tươi khó bảo quản nên hầu hết phải bỏ đi, rất xót xa.
Không chỉ rau củ quả, Tổ công tác 970 còn kết nối được hai đơn hàng lớn về thủy sản. Ðơn hàng thứ nhất 1.000 tấn thủy hải sản các loại và đã phân cho các đầu mối cung cấp tại 7 tỉnh có đăng ký qua Tổ công tác. Ðơn hàng thứ hai của một doanh nghiệp thông qua Tổ công tác tìm đối tác tại các tỉnh để có hợp đồng dài hạn mua hằng tháng 985 tấn cá tra, 73 tấn cá ngừ, 9 container cá rô phi và điêu hồng, 5 container tôm càng xanh, 2 container đùi ếch làm sẵn, 3 container tôm sú và tôm thẻ, 2 container mực và bạch tuộc, 1 container cá cơm phơi khô.
Trước đó, một bức thư cảm ơn đầy xúc động đã được Giám đốc Công ty TNHH Chuối Gia Huy Phát (Ðồng Nai) Nguyễn Văn Dũng gửi đến Tổ công tác 970. Theo ông Dũng, nhờ tác động của Tổ công tác, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp đưa hàng ra, vào kho, giải phóng một lượng hàng lớn đang tồn đọng; đồng thời mở ra hướng tiêu thụ khoảng 1.500 – 2.000 tấn chuối đang vào vụ thu hoạch.
Mới đây nhất, khi các doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền có nguy cơ phải dừng sản xuất do đứt gãy chuỗi cung ứng gia vị như hành lá, ớt tươi, gừng…, Tổ công tác 970 đã vào cuộc kết nối. Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh Lý Kim Chi cho biết: Ðối với các sản phẩm thuộc nhóm hàng mì ăn liền, để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, ngoài các nguyên liệu chính, các doanh nghiệp phải nhập nguyên phụ liệu từ nhiều nhà cung cấp khác nhau. Nếu không nhập được một nguyên liệu nào đó, sẽ đứt gãy ngay lập tức chuỗi sản xuất. Mọi việc suôn sẻ hơn khi trong danh sách kết nối cung cầu nông sản của Tổ công tác 970 đang có nguồn cung nguyên liệu gia vị dồi dào và Tổ sẵn sàng kết nối ngay giúp các doanh nghiệp. Sau chuỗi mì gói, Tổ công tác sẽ tiếp tục kết nối nguồn cung nông sản, thực phẩm tới các chuỗi giá trị sản xuất lớn khác tại thành phố Hồ Chí Minh.
Với phương châm “khó ở đâu, gỡ ngay ở đó”, thời gian qua, Tổ công tác 970 liên tục tổ chức các cuộc họp, diễn đàn trực tuyến về sản xuất, cung ứng nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19. Cụ thể như hội thảo trực tuyến kết nối cung – cầu sản phẩm trồng trọt có 249 đơn vị tham dự; kết nối cung – cầu sản phẩm chăn nuôi và thủy sản có 278 đơn vị tham dự – những con số rất lớn đã nói lên sự lan tỏa mạnh mẽ của hoạt động này. Thông qua đó, người bán và người mua tìm được nhau, thương thảo giá cả và hợp đồng tiêu thụ hoàn toàn qua hình thức trực tuyến nhanh chóng, hiệu quả. Theo Tổ công tác, về lâu dài, các hoạt động như thế này có thể sẽ tiếp tục được duy trì chứ không chỉ thực hiện trong thời điểm giãn cách xã hội; đồng thời cũng là cách làm mà các vùng, miền có thể áp dụng triển khai kết nối cung – cầu nhiều loại nông sản khác của từng địa phương, trong điều kiện dịch Covid-19 dự báo còn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Ý kiến ()