Khơi thông dòng vốn đầu tư vào ngành điện
Nhằm đánh giá cụ thể thực trạng đầu tư ngành điện, dự báo những thách thức trong cân đối cung-cầu nguồn điện, những bất cập trong hoạt động đầu tư, qua đó tìm lối ra cho cơ chế giá điện, thúc đẩy giải ngân dòng vốn, ngày 8/4, Báo Đầu tư – Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo “Khơi thông dòng vốn đầu tư vào ngành điện”.
Theo Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125-130GW, sản lượng điện khoảng 550-600 tỷ kW giờ. Để đạt mục tiêu này, ngành điện cần lượng vốn đầu tư rất lớn, trong khi đó, dòng vốn nội sinh của nên kinh tế chưa thể đáp ứng yêu cầu, cơ chế giá điện cần đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành điện gặp một số vướng mắc về chuyển đổi ngoại tệ, rủi ro tỷ giá…
Trong hơn hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã mang lại những thách thức chưa từng có, tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội và khiến cho tiêu dùng điện giảm mạnh. Tuy nhiên, ngay khi dịch bệnh được khống chế, nền kinh tế có những dấu hiệu hồi phục và tăng tốc, nhu cầu tiêu thụ điện tại một số nơi cũng đã có sự hồi phục và tăng trưởng như năm 2019, thời điểm ngay trước đại dịch.
Trước thực tế này, việc cấp điện cho nền kinh tế theo phương châm “điện đi trước một bước, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế với yêu cầu ổn định, an toàn với giá cả hợp lý” cũng đang là một thách thức không nhỏ, khi hàng loạt dự án nguồn điện lớn, dù có trong quy hoạch, đã được cấp chủ trương đầu tư, nhưng vì nhiều lý do đang gặp khó trong triển khai, dẫn đến khả năng chậm tiến độ.
Nếu không có sự vào cuộc nhanh và quyết liệt của các cơ quan liên quan, những vướng mắc như trong đầu tư ngành điện có thể sẽ kéo dài và phức tạp hơn.
Đơn cử như Dự án điện khí LNG Bạc Liêu đã gửi kiến nghị tới Chính phủ đề nghị tháo gỡ 12 vấn đề liên quan các bộ, ngành chức năng. Hay với các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, thời gian hưởng mức giá ưu đãi theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg đã hết từ năm 2020, nhưng tới nay vẫn chưa có chính sách mới để các nhà đầu tư triển khai dự án. Tình trạng cũng tương tự như điện gió, khi chính sách mua điện cố định (FIT) đã kết thúc từ ngày 1/11/2021, nhưng tới nay chưa có chính sách nào mới được ban hành.
Theo các tính toán mới nhất của ngành điện, với kịch bản tăng trưởng phụ tải điện cơ sở, để bảo đảm điện cho phát triển kinh tế với tăng trưởng GDP từ 6,5-7% theo Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, nhu cầu điện dự báo tăng trưởng là khoảng 9%/năm và có thể lên tới 11,5%. Trong giai đoạn 2023-2025, khi nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng, tăng trưởng nhu cầu điện dự báo khoảng 10,36%/năm.
Tuy nhiên, các cập nhật mới nhất của ngành điện cho thấy, các nguồn điện mới dự kiến hoàn thành hằng năm trong giai đoạn 2022-2025 được tính toán luôn thấp hơn so với tăng trưởng phụ tải. Điều này khiến cho việc bảo đảm cung cấp điện ngày càng khó khăn và có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh ở miền bắc vào các tháng 5 đến tháng 7, là thời điểm nắng nóng cuối mùa khô, công suất khả dụng các nhà máy thủy điện bị suy giảm. Việc hỗ trợ cấp điện từ miền trung, miền nam ra miền bắc cũng bị giới hạn bởi năng lực truyền tải đường dây 500kV bắc-trung. Ngay cả đối với khu vực miền trung, miền nam – nơi hiện đang cơ bản đáp ứng cung ứng điện trong cả giai đoạn 2022-2025, nhưng vẫn được cảnh báo tiềm ẩn khó khăn trong trường hợp nhu cầu điện tăng trưởng theo kịch bản cao và/hoặc các nguồn điện lớn bị chậm tiến độ.
Hội thảo đã nhận được sự tham gia và trao đổi sôi nổi của đại điện các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp và các chuyên gia đang hoạt động trong lĩnh vực điện để cùng tìm ra những giải pháp hiện thực nhằm triển khai các dự án điện hiện tại vào thời gian tới.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá, nền kinh tế đang bước vào giai đoạn phục hồi sau hơn 2 năm đình trệ bởi dịch bệnh, nhu cầu sử dụng năng lượng sẽ tăng cao. Đặc biệt, trong 2 năm 2022 và 2023 cao điểm thực thi các gói giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, cũng là thời điểm được dự báo sẽ có sự tăng trưởng cao hơn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nếu các dự án đầu tư vào ngành điện chậm trễ, nếu hoạt động sản xuất, truyền tải, phân phối điện không thông suốt, không đáp ứng nhu cầu sử dụng… tốc độ phục hồi và phát triển của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.
Qua tính toán cân đối cung cầu điện toàn quốc cho thấy, việc bảo đảm cung ứng điện thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là ở miền bắc, nhu cầu điện chiếm gần 50% toàn quốc, dự báo tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước, nhưng các nguồn điện mới dự kiến hoàn thành hằng năm trong giai đoạn 2022-2025 luôn thấp hơn so tăng trưởng phụ tải. Trong khi đó, việc hỗ trợ cấp điện từ miền trung, miền nam ra miền bắc bị giới hạn bởi năng lực truyền tải 500kV.
Ngành điện đang đối mặt với những thách thức lớn, nhu cầu điện còn tiếp tục tăng trưởng cao; các nguồn năng lượng sơ cấp truyền thống là có giới hạn, dẫn đến phải nghiên cứu bổ sung các nguồn khác, trong đó có sự gia tăng nhập khẩu nhiên liệu sơ cấp; việc mất cân đối nguồn cung và nhu cầu điện tại các vùng miền dẫn đến tăng thêm lượng điện truyền tải, tăng tổn thất kỹ thuật do truyền tải; sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn điện năng lượng tái tạo như gió, mặt trời trong các năm gần đây dẫn tới những khó khăn nhất định trong điều độ, vận hành hệ thống điện…
Theo tính toán của Quy hoạch điện VIII, trong giai đoạn 2021-2030, để đáp ứng nhu cầu phát triển, ngành điện cần đầu tư khoảng 13 tỷ USD/năm. Do đó, việc huy động và sử dụng hiệu quả số vốn này cũng còn đầy thách thức…
Ý kiến ()