Khơi thông dòng vốn đầu tư ở TP Hồ Chí Minh
Từ lâu, TP Hồ Chí Minh là một đầu tàu kinh tế của đất nước. Với tiềm lực sẵn có và đà phát triển năng động hiện nay, nguồn vốn và việc sử dụng đồng vốn đạt hiệu quả cao nhất để đầu tư phát triển luôn là vấn đề đặt ra đối với thành phố đông dân nhất nước này.Luôn có nhu cầu về vốnĐầu tháng 11-2010, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh có báo cáo thừa nhận một trong những khó khăn chủ yếu khi triển khai các công trình hạ tầng trọng điểm là thiếu vốn. Hệ quả tất yếu từ nguyên nhân này cùng với một số trở ngại khác là đến cuối tháng 10, các dự án do Sở GTVT quản lý mới giải ngân được 63,34% vốn kế hoạch năm. Do thiếu vốn mà nhiều dự án chậm tiến độ so với kế hoạch đã đề ra, như công trình cầu Phú Long (nối TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương), Đại lộ Đông - Tây, tuyến tàu điện ngầm số 1 (Bến Thành - Suối Tiên),... Cũng với lý do tương tự, đến nay dự án Khu đô...
Luôn có nhu cầu về vốn
Đầu tháng 11-2010, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh có báo cáo thừa nhận một trong những khó khăn chủ yếu khi triển khai các công trình hạ tầng trọng điểm là thiếu vốn. Hệ quả tất yếu từ nguyên nhân này cùng với một số trở ngại khác là đến cuối tháng 10, các dự án do Sở GTVT quản lý mới giải ngân được 63,34% vốn kế hoạch năm. Do thiếu vốn mà nhiều dự án chậm tiến độ so với kế hoạch đã đề ra, như công trình cầu Phú Long (nối TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương), Đại lộ Đông – Tây, tuyến tàu điện ngầm số 1 (Bến Thành – Suối Tiên),… Cũng với lý do tương tự, đến nay dự án Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ (Saigon Sunbay), dự án lấn biển làm du lịch đầu tiên và lớn nhất Việt Nam, phải làm thủ tục gia hạn giấy phép xây dựng ba lần. Sau khi khởi công vào cuối năm 2007, nhà thầu thi công đã 'đuối sức' nhưng vẫn cố níu kéo dự án. Không thể 'châm chước' mãi, cho nên chủ đầu tư (một công ty con của Saigontourist) chuẩn bị làm thủ tục thanh lý hợp đồng và tiến hành chọn đơn vị thi công mới. Do chậm trễ mà vốn đầu tư cơ sở hạ tầng của dự án từ hơn 500 triệu USD ban đầu đã đội lên hơn 1,4 tỷ USD theo giá hiện hành.
'Đại dự án' Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nơi được kỳ vọng sẽ là một đô thị hiện đại nhưng do tình trạng 'đói vốn', cho nên đang trong tình trạng chậm trễ. Triển khai từ năm 2002, nhưng theo báo cáo mới đây của Thành ủy TP Hồ Chí Minh, đến nay mới có ba nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Nhiều công trình lớn khác nằm trong khu đô thị này vẫn chưa tìm được chủ đầu tư vì năng lực tài chính của các doanh nghiệp còn yếu. Theo một lãnh đạo Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, nguồn vốn ngân sách Nhà nước chỉ mới đáp ứng được 30% nhu cầu vốn hằng năm cho ngành; riêng lĩnh vực cầu đường, mỗi năm TP Hồ Chí Minh cần từ 14.000 đến 15.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc thu hút vốn ngoài ngân sách gặp nhiều khó khăn, nhất là thủ tục đầu tư. Thí dụ, hình thức BOT có một 'rào cản' lớn của Bộ Tài chính là quy định hai trạm thu phí phải cách nhau tối thiểu 70 km…
Thiệt hại tiền tỷ do chậm trễ
Những năm gần đây, sự chậm trễ về tiến độ thi công một số công trình lớn ở TP Hồ Chí Minh đã gây ra nhiều thiệt hại cho xã hội. Dự án Vệ sinh môi trường TP Hồ Chí Minh (lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè) được thực hiện bằng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) với Hiệp định tín dụng có hiệu lực từ ngày 3-2-2002 đến ngày 31-12-2007. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan cùng với năng lực yếu kém của các nhà thầu mà việc thi công dự án cứ kéo dài và chủ đầu tư nhiều lần xin gia hạn thời gian hoàn thành. UBND TP Hồ Chí Minh cũng phải liên tục đề nghị WB 'ân hạn' nguồn vốn. Do vậy, sau bảy năm triển khai xây dựng (đáng lẽ đã hoàn thành vào cuối năm 2007), dự án có vốn đầu tư gần 200 triệu USD này đã đội giá lên 317 triệu USD, nhiều lần thay đổi nhà thầu, gây nhiều phiền toái cho người dân sống trong khu vực và cũng chưa biết khi nào hoàn thành. Dự án cầu Thủ Thiêm (nối quận Bình Thạnh và quận 2) cũng tương tự. Công trình trọng điểm có tổng vốn đầu tư gần 1.100 tỷ đồng từ ngân sách TP Hồ Chí Minh này dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 12-2005 sau khi dự án được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt giữa năm 2004. Tuy nhiên, những chậm trễ trong việc chọn nhà thầu thi công khiến sang tháng 4-2005 công trình mới được khởi công dù chỉ thi công ở phía quận 2. Do chưa giải phóng mặt bằng, đến tháng 5-2006, đầu cầu phía quận Bình Thạnh mới động thổ. Sự thi công 'nhỏ giọt' này đã gây thiệt hại mỗi tháng hơn 1,5 tỷ đồng (tính từ tháng 10-2005), gồm chi phí bảo đảm giao thông đường thủy và chi phí cho đơn vị tư vấn giám sát nước ngoài. Không những vậy, thời gian xây lắp dự tính ban đầu là 16 tháng nhưng do năng lực hạn chế của tổng thầu (sở trường không phải là xây cầu) cùng một số lý do khác mà mãi đến đầu năm 2008 cây cầu này mới được thông xe và mất thêm hai năm nữa công trình mới hoàn chỉnh, và tổng vốn đầu tư vọt lên gần 1.450 tỷ đồng.
Được xem là công trình trọng điểm không chỉ của TP Hồ Chí Minh, mà của cả nước nhưng sau tám năm thành lập, Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP) vẫn chưa thể hiện được vai trò như mong đợi. Đến nay, SHTP mới thu hút được 44 nhà đầu tư, tổng vốn đăng ký hơn 1,84 tỷ USD, nhưng chỉ có gần nửa số dự án đi vào hoạt động và hiệu quả thực tế thấp. Trong giai đoạn 2006 – 2010, tổng giá trị sản xuất của SHTP chỉ đạt 544 triệu USD (giá trị xuất khẩu chiếm 98,7%, tương đương 537 triệu USD), trong khi chỉ tiêu đặt ra tương ứng là 4,5 tỷ USD và 3,5 tỷ USD giá trị xuất khẩu. Nguyên nhân của thực trạng nêu trên là do: 'Cơ chế điều hành, thủ tục hành chính liên quan còn nhiều bất cập; đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu. Cùng với đó, hành lang pháp lý cho hoạt động của SHTP cũng chưa hoàn chỉnh.
Tháo gỡ những vướng mắc
Hưởng ứng chủ trương xã hội hóa đầu tư của TP Hồ Chí Minh, TS Nguyễn Thành Thái (Việt kiều Pháp) cùng các đồng nghiệp đã liên doanh với một số doanh nghiệp nhà nước thành lập Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ (PMC). Với năng lực và uy tín của mình, PMC đã được TP Hồ Chí Minh chọn làm chủ đầu tư dự án BOT cầu Phú Mỹ (nối quận 2 và quận 7), cây cầu dây văng có quy mô lớn nhất nước. Tuy vậy, quá trình triển khai dự án gặp nhiều khó khăn. Do vướng mắc về thủ tục đầu tư mà thời gian xây dựng cầu chậm so với dự kiến khoảng một năm, và PMC đã phải đền cho nhà thầu gần 3,5 triệu USD. Không những vậy, việc thi công kéo dài đã làm vốn đầu tư vào dự án và các hạng mục liên quan đến cây cầu này tăng lên đến 3.000 tỷ đồng so với dự tính ban đầu là 1.800 tỷ đồng.
Trước áp lực ùn tắc giao thông do lượng ô-tô và xe máy ngày càng tăng, năm 2004, UBND TP Hồ Chí Minh đã chủ trương kêu gọi đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe ngầm với nhiều ưu đãi và tám địa điểm đã được xác định sẽ là bãi đỗ xe ngầm tương lai. Nắm bắt kịp thời, Công ty CP Đầu tư phát triển không gian ngầm (IUS) đã đề xuất xây dựng một bãi đỗ xe ngầm tại Công viên Lê Văn Tám (quận 1) theo hình thức BOT. Đây được xem là dự án bãi đỗ xe ngầm công cộng đầu tiên của cả nước. Đến tháng 4-2005, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chấp thuận việc đầu tư xây dựng công trình này. Đến giữa năm 2009, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án, một thời gian sau đó UBND TP Hồ Chí Minh mới ký hợp đồng BOT với IUS. Đến nay, từ con số ban đầu là 657 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư dự kiến của công trình đã 'đội' lên khoảng 110 triệu USD. Hiện nay IUS vẫn chưa thể xác định được ngày khởi công vì còn chờ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bàn giao mặt bằng và xin giấy phép xây dựng cho bãi đỗ xe ngầm lớn nhất Việt Nam này.
Những vướng mắc trong thu hút và triển khai vốn đầu tư vào các dự án, nhất là các công trình trọng điểm tại TP Hồ Chí Minh đã gây lãng phí xã hội rất lớn. Vì vậy, thành phố cần có những chính sách, biện pháp đột phá để khơi thông dòng vốn đầu tư hiệu quả. Và xác định cơ quan đầu mối về phối hợp và chịu trách nhiệm và đánh giá hiệu quả các dự án đầu tư. Đồng thời, thiết lập hệ thống thông tin công khai và minh bạch thông tin về đầu tư phát triển.
Theo Nhandan
Ý kiến ()