Khơi thông "dòng tiền" cho phát triển văn hóa
Một trong những điểm nghẽn khiến ngành văn hóa khó phát triển là thiếu nguồn lực tài chính bảo đảm. Ngân sách nhà nước đầu tư cho văn hóa tăng thời gian gần đây nhưng chỉ đáp ứng dịch vụ sự nghiệp công, chưa tạo nền tảng cho sự phát triển.
Để tạo ra các sản phẩm công nghiệp văn hóa có giá trị kinh tế, có tầm ảnh hưởng ra khu vực và thế giới, phải trông chờ vào khối tư nhân. Vì vậy, khơi thông “dòng tiền” từ đầu tư nước ngoài, từ nguồn lực xã hội là yêu cầu cấp thiết.
Ngân sách chưa đủ chi cho phát triển văn hóa
Các quyền cơ bản trong văn hóa của người dân được xác định là: Quyền được thụ hưởng văn hóa, quyền được sáng tạo và thể hiện văn hóa, quyền được tôn trọng các biểu đạt đa dạng của văn hóa. Để đáp ứng những quyền này, Nhà nước nghiên cứu sử dụng ngân sách để bảo đảm các dịch vụ sự nghiệp công có tính thiết yếu và cơ bản, không thể thay thế.
Quyết định số 156/QĐ-TTg ngày 29-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch; riêng văn hóa có 44 dịch vụ sự nghiệp công, như đặt hàng các sản phẩm văn nghệ, tổ chức các hoạt động văn nghệ nhằm tuyên truyền, giáo dục, định hướng tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; việc tu bổ, tôn tạo, phục hồi các giá trị di tích đã được kiểm kê, xếp hạng; dịch vụ của thư viện; hỗ trợ các loại hình văn nghệ dân gian... Đây là những lĩnh vực nhìn chung rất khó thu hút nguồn lực xã hội hóa, cần dựa vào ngân sách nhà nước.
Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 đánh dấu sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong đời sống kinh tế-xã hội, trong đó có đầu tư cho văn hóa.
Quốc hội thông qua Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28-7-2021 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách nhà nước, trong đó đã quyết định số vốn ngân sách Trung ương đầu tư phát triển văn hóa là 9.466 tỷ đồng, tăng gấp 2,26 lần so với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Nguồn lực đầu tư cho văn hóa năm 2022-2023 ở địa phương bước đầu đã thay đổi tích cực. Cụ thể, ngoài các tỉnh, thành phố từ lâu đã đạt trên 2% tổng chi ngân sách địa phương phân bổ cho văn hóa là Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... thì đã có nhiều địa phương đạt chỉ tiêu quan trọng này như: Lào Cai, Ninh Bình, Lạng Sơn, Vĩnh Long...
Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đang tiến hành xây dựng, hy vọng sẽ có thêm nguồn lực đầu tư để không chỉ đáp ứng các dịch vụ sự nghiệp công mà còn để làm nền móng cho sự phát triển. Nhà nghiên cứu nghệ thuật Vũ Hiệp cho biết: “Các giá trị văn hóa không thể đo đếm theo kiểu định lượng, kết quả đầu tư văn hóa cũng khó có thể thấy ngay tức thì nên việc sử dụng ngân sách đầu tư văn hóa hiện nay mới là bảo tồn, duy trì chứ chưa thể gọi là đầu tư cho phát triển.
Thực tiễn đặt ra nhiều vấn đề mới, chẳng hạn như hồi hương các cổ vật, những tác phẩm nghệ thuật giá trị của Việt Nam, Nhà nước rất khó giải trình nếu chi ngân sách cho việc này. Giới văn hóa cho là cần chi, nhưng những người ngoại đạo thì lại cho rằng chưa cần thiết khi mà nguồn lực hiện nay có hạn”.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia văn hóa, tùy theo thực trạng từng địa phương, từng lĩnh vực cụ thể, ngân sách nhà nước đầu tư để chi với phương châm “một mũi tên trúng nhiều đích”. Chẳng hạn, xây bảo tàng mới thay thế bảo tàng cũ xuống cấp tất nhiên là cần thiết nhưng nên tính toán đó không chỉ là nơi chứa các hiện vật mà cần phải trở thành công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật, điểm nhấn cảnh quan để có thể trở thành điểm tham quan du lịch.
Đánh thức nguồn lực tiềm năng của tư nhân
Chỉ một số lĩnh vực mũi nhọn của công nghiệp văn hóa là có dư địa thu hút đầu tư như: Điện ảnh, du lịch văn hóa, phần mềm và các trò chơi giải trí... Ngay cả khi không đặt nặng vấn đề lời lãi, các “mạnh thường quân” vẫn không mặn mà rót tiền vào văn hóa, bởi họ không được hưởng ưu đãi nào khi tài trợ, hiến tặng so với các hoạt động từ thiện.
TS Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: “Nguyên nhân thứ nhất của việc chủ thể tư nhân chưa mặn mà đầu tư cho văn hóa là họ chưa thấy được cơ hội lợi nhuận. Lợi nhuận chính là yếu tố quan trọng nhất. Nguyên nhân thứ hai chính là hệ thống chính sách chúng ta đã có một số ưu đãi nhưng quy trình thực hiện chính sách quá phức tạp khiến chủ thể tư nhân nản chí”.
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới là phải giảm thuế dưới hình thức khấu trừ thuế hoặc miễn giảm thuế với 4 loại thuế cơ bản (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất-nhập khẩu). Các ưu đãi thuế về sách ở Thụy Điển, về sản xuất phim ở Canada đã đưa các ngành này phát triển. Tất nhiên, các chính sách ưu đãi thường chỉ trong vài năm, khi nội lực của ngành đã phát triển, chiếm lĩnh được thị trường, sẽ phải tự động giảm đi.
Hiện nay, những ưu đãi về thuế, phí trong các luật hiện hành được đánh giá là chưa tạo động lực cho kinh doanh công nghiệp văn hóa. Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26-3-2021 của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư”; lĩnh vực văn hóa chỉ thấy có ưu đãi bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống và thực hiện các dịch vụ công phi lợi nhuận. Từ đây có thể lý giải vì sao nhiều tập đoàn tư nhân lại chỉ “thích” đầu tư vào nhà hát, bảo tàng bởi họ sẽ nhận ưu đãi lớn như miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Không có những ưu đãi đầu tư, các lĩnh vực công nghiệp văn hóa mũi nhọn sẽ khó có thay đổi bước ngoặt.
Việc thành lập các loại quỹ đầu tư, hỗ trợ cho văn hóa ở nước ta chưa có nhiều ưu đãi, chưa có chế tài bắt buộc để tạo quỹ. Ở Trung Quốc, 3% doanh thu các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke được trích cho quỹ phát triển âm nhạc. Tiền thu về nhiều đến mức, dư sức tài trợ cho các dự án. Ở các nước phương Tây, các loại quỹ sáng tạo văn hóa do nguồn tiền từ quỹ cá nhân, gia đình giàu có, quỹ từ thiện, doanh thu từ xổ số... đóng góp.
Mấu chốt để văn hóa phát triển là cần sự dấn thân đầu tư của các tập đoàn lớn. Trước mắt, có thể tìm phương án đầu tư theo hình thức công-tư để sớm có những mô hình hay cách làm hiệu quả. Tuy nhiên, để tiến hành hợp tác công-tư, hay có thể triển khai các ưu đãi phải điều chỉnh, thay đổi một số luật, quy định hiện hành. Có như vậy, văn hóa mới có nguồn lực để phát triển, ngang hàng với các lĩnh vực khác, xứng tầm là nền văn hóa của nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Ý kiến ()