Khơi sức trẻ gìn giữ và phát triển văn hóa vùng biên
Không chỉ có hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng, vùng biên còn là “phên dậu” Tổ quốc. Thế nhưng, trong dòng chảy đời sống hiện đại, bản sắc văn hóa truyền thống nơi đây đang có nguy cơ mai một, bị lãng quên, đặt ra yêu cầu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vùng biên ngay trong thanh thiếu niên.
Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Cán Chu Phìn (xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) là ngôi trường tiêu biểu với hàng trăm học sinh là thiếu niên, nhi đồng các dân tộc thiểu số như: Mông, Pu Péo, Pà Thẻn, Lô Lô, Cờ Lao, Giáy, Dao… Cô giáo Hoàng Lệ Nhung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án “Đưa văn hóa truyền thống vào trường học”, nhà trường đã duy trì nhiều hoạt động, trò chơi dân gian truyền thống, khéo léo lồng ghép vào giờ giải lao hoặc chương trình ngoại khóa.
Bên cạnh các cuộc thi đẩy gậy, đánh yến, hát dân gian… nhà trường luôn tự hào với “Câu lạc bộ Múa khèn Mông”, được vận hành từ năm 2013 và “Không gian giới thiệu nét văn hóa đồng bào các dân tộc” ngay tại thư viện của trường. Em Vừ Đức Hải, học sinh lớp 5 của nhà trường hồ hởi chia sẻ: “Em học khèn đến nay đã được 1 năm và ngày càng say mê môn nghệ thuật này. Qua các buổi sinh hoạt văn hóa truyền thống, em không chỉ được học, được vui chơi mà còn có cơ hội tìm hiểu nhiều điều bổ ích. Mỗi khi về nhà, em lại mang những điệu khèn, điệu múa và kiến thức học được dạy lại cho các bạn trong thôn, bản”.
Xác định văn hóa giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng con người mới đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc là phần việc quan trọng, thường xuyên và lâu dài, những năm qua, tỉnh Hà Giang đã tổ chức đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, tiêu biểu như ban hành các nghị quyết chuyên đề về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.
Theo đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, để đời sống xã hội phát triển song hành với ý thức gìn giữ nét văn hóa truyền thống của người dân, Sở đã mở nhiều lớp dạy kỹ thuật, bí quyết thêu hoa văn trang phục các dân tộc Lô Lô, Dao, Tày; dạy làn điệu dân ca, kỹ thuật sử dụng nhạc cụ truyền thống các dân tộc Mông, Tày; khảo sát “Nghi lễ cúng rừng” của đồng bào dân tộc Cờ Lao ở xã Sính Lủng (huyện Đồng Văn); bảo tồn, xây dựng phim tư liệu khoa học về “Nghề dệt của người La Chí”…
Cùng với đó, phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh xây dựng bộ tài liệu giáo dục kỹ năng sống, đưa văn hóa truyền thống vào các trường từ tiểu học đến trung học phổ thông. Dựa vào những tài liệu nêu trên, các trường sẽ tự vận dụng, lồng ghép vào môn học theo các tiêu chí về thời gian, vùng dân tộc phù hợp, phát huy vai trò của nghệ nhân dân gian mỗi địa phương.
Tuy nhiên, cùng với xu thế phát triển hội nhập của thế giới, bản sắc văn hóa các dân tộc tại Hà Giang đang đứng trước nguy cơ chịu nhiều tác động tiêu cực của cơ chế thị trường. Đáng lo ngại nhất là việc bản sắc văn hóa truyền thống của một số dân tộc ngày càng mai một, minh chứng ở việc hiện một số bạn trẻ đã không còn biết sử dụng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Trong các cửa hàng, sạp đồ kỷ niệm dành cho khách du lịch, xuất hiện những bộ trang phục truyền thống bị cách tân một cách khó hiểu, nói cách khác là “lai căng” giữa các dân tộc với nhau.
Ngay tại vùng cao, kiến trúc nhà ở truyền thống cũng dần bị phá bỏ, thay vào đó là những ngôi nhà bê-tông đua nhau mọc lên như nấm. Đó là chưa kể tới các ngành nghề truyền thống, làn điệu dân ca, dân vũ, lễ hội, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc rõ ràng đang dần mai một, bị lai tạp để phục vụ mục đích kinh doanh, thương mại.
Liên quan đến vấn đề này, PGS, TS Nguyễn Việt Hùng, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, nhận định: Thời gian gần đây, đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là người trẻ ở những địa phương có tiềm năng du lịch đã phải chứng kiến sự đứt gãy, bồi đắp liên tục của văn hóa trong quá trình sinh tồn. Các phương thức sản xuất, kinh tế truyền thống dần bị loại bỏ khỏi đời sống và cấu trúc văn hóa.
Chẳng hạn, việc trồng ngô trên vách đá, chăn ngựa, dệt vải… nay được nhiều người dân vùng cao thay thế bằng cách đi sang biên giới làm thuê. Trong quá trình đó, có một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên đã thay đổi các thói quen về ăn mặc, sinh hoạt, dần phai nhạt những nghi thức, tín ngưỡng truyền thống. Bên cạnh đó, sự gián đoạn về kết nối thông tin với gia tộc, người thân về lâu dài cũng sẽ gây ra những gián đoạn về văn hóa, truyền thống, trở thành thách thức tâm lý quan trọng trong toàn cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nắm bắt thực trạng nêu trên, thời gian qua, tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam các cấp, đặc biệt là tại các địa phương có đường biên giới, đã tập trung triển khai ba trọng tâm lớn trong phát triển văn hóa, gồm: văn hóa trên không gian số, văn hóa biên cương và khởi nghiệp văn hóa. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cho biết, phát huy những kết quả đạt được, tới đây, Trung ương Đoàn sẽ nhanh chóng nghiên cứu triển khai các mô hình hành động liên quan đến vấn đề phát triển văn hóa.
Đáng chú ý, có việc đưa văn hóa truyền thống vào trường học thông qua giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo và các tiết học ngoại khóa; đẩy mạnh số hóa tài nguyên, tăng cường kết nối, truyền thông cho mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo… gắn với bảo tồn, phát huy và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống; phát huy vai trò của thanh niên dân tộc thiểu số trong xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, tập hợp sức mạnh của người dân vùng cao.
Trong bối cảnh công nghệ số nở rộ như hiện nay, những yêu cầu về bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống nói chung, văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vùng biên giới nói riêng cần được cụ thể hóa thông qua việc đẩy mạnh quản lý về thông tin, truyền thông trên các trang mạng xã hội.
Nói cách khác, cần hệ thống hóa, tập hợp và tiến tới đầu tư, chăm sóc, phát triển những “kênh” mạng xã hội cá nhân có nội dung tuyên truyền hấp dẫn, chân thực về văn hóa các dân tộc, coi là công cụ nâng cao sức sống tinh thần, ý thức bảo tồn, duy trì ngôn ngữ, văn hóa dân tộc; chú trọng hơn nữa vai trò xung kích của tuổi trẻ vùng biên trong lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, giữ gìn an ninh chính trị, chủ quyền quốc gia; xây dựng, khuyến khích lòng tự hào về nền văn hóa của đồng bào mỗi dân tộc, bắt đầu từ những thành tố nhỏ nhất cho tới các hệ thống kiến thức địa phương, quản lý cộng đồng truyền thống, các quan hệ kinh tế ở miền núi…
Có như vậy, mới tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, đưa văn hóa truyền thống các dân tộc đến với mọi miền đất nước cũng như bạn bè quốc tế.
Ý kiến ()