Khởi sắc vùng biên
LSO-Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới với trên 231 km đường biên, 21 xã, thị trấn, gần 90 thôn bản giáp biên. Với đặc thù khó khăn lớn nhất miền núi biên giới là: phần lớn cư dân là hộ nghèo, điều kiện tiếp xúc với phương thức sản xuất hiện đại còn hạn chế, mức sống thấp (trước đây tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 70%).
Việc nâng cao mức sống cho đồng bào biên giới không chỉ có ý nghĩa xóa đói giảm nghèo mà còn giúp đồng bào biên giới ổn định cuộc sống, đảm bảo an ninh biên giới. Đánh dấu lớn nhất cho sự quan tâm đầu tư vào biên giới là việc triển khai Quyết định 286- QĐ/TU ngày 15/3/2007 của Tỉnh ủy Lạng Sơn về nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới.
Mở đường ra xã biên giới Bảo Lâm, huyện Cao Lộc |
Với mục tiêu nâng cao đời sống cho cư dân biên giới gắn với Quyết định 286, UBND tỉnh đã thực hiện Đề án số 14 về nâng cao mức sống, tăng đầu tư cơ sở hạ tầng cho người dân. Một trong những mục tiêu đề án hướng tới là đưa điện về vùng cao biên giới để nhân dân được thụ hưởng. Ngay sau khi Đề án 14 ra đời, Sở Công thương, ngành điện đã nỗ lực khảo sát khu vực chưa có điện, tập trung vào các khu dân cư để đầu tư xây dựng cơ bản. Đến nay, 100% số xã biên giới có điện lưới quốc gia. Số hộ nông thôn biên giới được sử dụng điện là trên 14 ngàn hộ. Tỷ lệ cư dân biên giới được sử dụng điện lên tới 95,03%. Từ khi có điện, đời sống văn hóa và sinh hoạt tinh thần của cư dân biên giới được nâng lên đáng kể. Người dân đã có điều kiện mua sắm các phương tiện nghe nhìn, tập trung mua sắm tư liệu sản xuất sinh hoạt. Qua đó đời sống của nhân dân biên giới ngày một khá hơn.
Ông Trình Văn Phỏ, Bí thư chi bộ thôn Nà Quân, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình khẳng định, từ khi nhà nước đầu tư các công trình công cộng ; điện, đường, trường, trạm, nước sạch về thôn đã làm cuộc sống của nhân dân trong thôn thay đổi hẳn. Nhân dân được học, xem cách làm ăn mới trên các phương tiện nghe nhìn nên nhiều hộ đã mạnh dạn học, làm theo. Cho đến nay thôn đã không còn hộ nghèo. Đây chứng tỏ rằng chỉ đạo của tỉnh đã đi vào cuộc sống. Cũng từ khi 100% số xã biên giới có điện lưới quốc gia đã tạo điều kiện cho ngành nghề dịch vụ phát triển phá thế độc canh cây lúa. Tỷ lệ nông dân được đào tạo nghề, tập huấn khoa học kỹ thuật chiếm tới trên 70%, hình thành nhiều dịch vụ tại chỗ như sửa chữa cơ khí, điện, xây dựng. Một trong những biện pháp nâng cao mức sống cho đồng bào biên giới là tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành tạo mọi điều kiện cho người dân trao đổi hàng hóa hợp pháp với cư dân bên kia biên giới, nhờ thế thương mại biên giới có bước phát triển vượt bậc. Từ năm 2008 đến nay đã có gần 20 dự án đầu tư vào biên giới cửa khẩu. Tỉnh cũng không ngừng thu hút đầu tư vào địa bàn biên giới; nghiêm túc thực hiện Quyết định 254/QĐ-TTg để đẩy mạnh thương mại biên giới. Theo thống kê, hiện toàn tuyến biên giới đã hình thành 7 hợp tác xã dịch vụ xếp dỡ hàng hóa tại cửa khẩu và các điểm thông quan hàng hóa, tạo điều kiện cho hàng ngàn cư dân biên giới có việc làm.
Ông Nguyễn Đắc Thủy, Phó Giám đốc Thường trực Sở Công thương khẳng định, việc đầu tư dứt điểm đường điện, hệ thống hạ tầng thương mại dịch vụ đã nâng cao mức sống của người dân biên giới, góp phần tạo không khí hòa bình hữu nghị và ổn định. Bên cạnh việc đầu tư phát triển thương mại, hạ tầng dịch vụ tại khu vực cửa khẩu biên giới cũng được đầu tư mạnh mẽ bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Cho đến nay đã có 7 chợ được xây dựng mới đáp ứng nhu cầu thương mại của nhân dân biên giới và nước bạn. Cùng với đó đường giao thông, trường học, trạm xá các xã biên giới cũng được đầu tư mới đã làm cho diện mạo khu vực biên giới ngày càng thay đổi.
Chị Hoàng Thị Sao, xã Đào Viên, huyện Tràng Định so sánh rất hình ảnh, trước đây phải dùng nước sông thì nay đã có nước giếng, nước tự chảy hợp vệ sinh. Trẻ em thì đã có trường lớp xây bằng gạch thay cho lớp trát vách. Ốm thì đã có trạm xá. Ngay ở xã mua gì cũng có chứ không phải đợi đến chợ phiên như trước đây.
ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()