Khởi sắc tín dụng, đẩy nhanh xử lý nợ xấu
Nhìn lại nửa chặng đường của năm 2015, hoạt động ngân hàng đã có nhiều tín hiệu lạc quan so cuối năm 2014 như tăng trưởng tín dụng khởi sắc, lãi suất duy trì ở mức thấp, tỷ giá ổn định,... Nhưng với nửa năm còn lại cùng những diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới, sự hội nhập mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam với các nước thì mục tiêu giữ ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá, đẩy nhanh tái cơ cấu và xử lý nợ xấu,... sẽ là một thách thức không nhỏ đối với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Tín dụng tăng trưởng đều
Theo số liệu mới nhất của NHNN, đến ngày 18-6, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,18% so với cuối năm 2014 và tăng 16,59% so với cùng kỳ năm trước. Thanh khoản tiền đồng của hệ thống các TCTD được bảo đảm và tiếp tục dư thừa, thị trường liên ngân hàng hoạt động thông suốt. Về tăng trưởng tín dụng, tính đến ngày 18-6 đạt mức tăng 6,09% so cuối năm 2014. Với mức tăng này, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định phù hợp mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 13-15%, trong trường hợp cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế có thể nới lên mức 17%. “Nếu như năm trước ngành ngân hàng phải phấn đấu để đạt được những mục tiêu đề ra và thường tăng vào những tháng cuối năm như quý III, quý IV. Nhưng năm nay, tín dụng đã tăng trưởng ngay từ quý I và quý II. Tính đến hết quý II đã tăng hơn 6% nên không bị dồn vào các tháng cuối năm”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhận định.
Ngoài ra, số liệu thống kê của NHNN cũng cho thấy dòng tín dụng tăng trưởng mạnh phần lớn đã được đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên. Phó Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Cát Quang Dương cho biết, nông nghiệp nông thôn là lĩnh vực ưu tiên được ngành ngân hàng tích cực đầu tư với dư nợ đến ngày 30-6 tăng 7,71% so với ngày 31-12-2014. Bốn lĩnh vực ưu tiên còn lại cũng có mức tăng trưởng tín dụng khả quan, cụ thể đến cuối tháng 3 tín dụng xuất khẩu tăng 3,9%; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 1,88%; công nghiệp ưu tiên phát triển tăng 0,2%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 24,02% so với cuối năm 2014.
Mặt bằng lãi suất duy trì ở mức hợp lý, thanh khoản của hệ thống ổn định và có dư thừa. Lãi suất huy động giảm từ 0,2 – 0,5%/năm, chủ yếu ở các kỳ hạn dài trên sáu tháng, tạo điều kiện hỗ trợ cho việc giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn. Lãi suất cho vay của các TCTD giảm 0,2 – 0,3%/năm, trong đó lãi suất cho vay trung và dài hạn đã giảm khoảng 0,3%/năm.
Cùng với lãi suất, chính sách tỷ giá cũng được NHNN điều hành một cách chủ động. Trong sáu tháng đầu năm, NHNN đã tiến hành điều chỉnh tăng tỷ giá 2% theo định hướng của năm 2015. “Hiện tại, nền kinh tế có thâm hụt cán cân thương mại (nhưng thâm hụt không lớn), các nguồn ngoại tệ khác vào Việt Nam vẫn khả quan nên tổng hợp chung lại thì cán cân chung của nền kinh tế vẫn thặng dư, cùng với đó dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng lên. Những tác động bất lợi từ thị trường vốn và thị trường tiền tệ thế giới đối với Việt Nam không lớn, là những điều kiện thuận lợi để NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng ổn định từ nay tới cuối năm 2015”, đại diện lãnh đạo NHNN khẳng định.
Ghìm nợ xấu dưới 3%
Mặc dù đạt được những kết quả khả quan như vậy nhưng trong những tháng còn lại của năm, điều hành chính sách tiền tệ vẫn còn không ít khó khăn thách thức mà cơ quan quản lý phải đối mặt. Trong sáu tháng đầu năm thị trường đã ghi nhận những động thái quyết liệt trong tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của cả hệ thống ngân hàng. NHNN đã đẩy mạnh thực hiện chủ trương sáp nhập, hợp nhất, mua lại TCTD với sự tham gia tích cực của các ngân hàng thương mại nhà nước và một số ngân hàng thương mại nhà nước lớn. Cùng với đó là việc xử lý nợ xấu và đưa nợ xấu toàn hệ thống về mức 3,81% tính đến hết tháng 3-2015. Đến ngày 15-6, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cũng đã duyệt mua 28.194 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng, lũy kế từ khi hoạt động đến nay, VAMC đã mua được 143.800 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng; góp phần hỗ trợ các TCTD giảm dư nợ xấu; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, tiếp cận được vốn vay của TCTD. “Mặc dù đạt được kết quả như vậy nhưng đến tháng 9 phải đưa nợ xấu về dưới mức 3%”, Thống đốc NHNN chỉ đạo. Và đây cũng là một nhiệm vụ nặng nề buộc các TCTD, các đơn vị có liên quan của NHNN phải hết sức quyết liệt thực hiện để hoàn thành mục tiêu.
Ngoài ra, đối với điều hành lãi suất trong những tháng cuối năm, đại diện lãnh đạo NHNN cũng đưa ra cam kết giữ ổn định mặt bằng lãi suất như hiện nay. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, dù trong những ngày qua, lãi suất huy động của một số ngân hàng có tăng, nhưng không đáng kể và ở mức độ nào đó có thể được xem là cần thiết vì trong thời gian vừa qua, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ở mức khá thấp. Về mặt điều hành, NHNN cũng muốn lãi suất nâng lên để giữ làm sao cho lãi suất liên ngân hàng nằm giữa lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu NHNN. Nếu đạt được mục tiêu này sẽ bảo đảm được sự hài hòa trong điều hành chính sách tiền tệ, góp phần củng cố vị thế của đồng Việt Nam. Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo từ nay đến cuối năm các ngân hàng phấn đấu ở các kỳ hạn nói chung nếu có điều kiện tiếp tục giảm thêm, nhất là lãi suất cho vay trung và dài hạn, cố gắng giảm từ 1 – 1,5%/năm.
Về vấn đề tỷ giá, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, mặc dù có nhiều áp lực trong thời gian qua, chủ yếu do nền kinh tế đã quay trở lại nhập siêu sau mấy năm xuất siêu. Nhưng mức nhập siêu sáu tháng đầu năm chưa lớn và theo dự báo, cán cân thanh toán tổng thể cả năm vẫn thặng dư, khoảng 3 – 5 tỷ USD. “Tuy vậy, thâm hụt của cán cân thương mại cũng có ảnh hưởng, tác động cả trên thực tế và tâm lý gây áp lực lên tỷ giá. Vì vậy để giữ ổn định tỷ giá vẫn cần một sự quyết tâm của cả những người làm chính sách cũng như người thực thi” người đứng đầu NHNN nhấn mạnh.
Việc xử lý nợ xấu ngành ngân hàng đóng vai trò chính xong cần được sự ủng hộ tích cực của toàn xã hội, của hệ thống chính trị cùng vào cuộc để xử lý nợ xấu, có như vậy mới đạt được kết quả như mong muốn. Đồng thời, cần tạo cơ chế đặc biệt, hành lang pháp lý đủ mạnh để VAMC tiến hành xử lý khối lượng nợ xấu lên đến hơn 200.000 tỷ đồng vào cuối năm 2015. Như vậy, cần có một Bộ luật về xử lý nợ xấu hoặc Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề xử lý nợ xấu. NGUYỄN QUỐC HÙNG Chủ tịch HĐTV VAMC |
Từ đầu năm tới nay, ngân hàng đã xử lý thu hồi được 258 tỷ đồng nợ xấu. Tuy nhiên, việc xử lý thu hồi nợ, nhất là trong vấn đề xử lý tài sản bảo đảm, cũng gặp rất nhiều khó khăn. Có những trường hợp khách hàng thiện chí phối hợp với ngân hàng xử lý tài sản để trả nợ nhưng cũng có những trường hợp ngân hàng không nhận được sự phối hợp tốt từ khách hàng, dẫn đến việc xử lý tài sản theo các thủ tục, quy trình của pháp luật. Trên thực tế có những trường hợp mất rất nhiều thời gian mới giải quyết xong. Vì vậy, hiện nay có một số kiến nghị trao quyền lớn hơn cho ngân hàng trong việc thu hồi xử lý nợ. Nếu gỡ được vấn đề này sẽ gỡ được một nút thắt lớn, hỗ trợ nhiều cho các ngân hàng. |
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()