Khởi sắc lưới điện nông thôn Hà Nội
Kể từ khi sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội tháng 8-2008 đến nay, lưới điện khu vực nông thôn ở Hà Nội (chủ yếu ở Hà Tây (trước đây)) đã được bàn giao cho Tổng Công ty Ðiện lực TP Hà Nội (EVN HANOI) và thực tế đang chứng minh phát huy hiệu quả rõ rệt khi hạ tầng lưới điện được đầu tư, nâng cấp căn bản, người dân được sử dụng điện liên tục với chất lượng ổn định, an toàn và quan trọng nhất là được hưởng giá điện đúng quy định của Nhà nước.
Kể từ khi sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội tháng 8-2008 đến nay, lưới điện khu vực nông thôn ở Hà Nội (chủ yếu ở Hà Tây (trước đây)) đã được bàn giao cho Tổng Công ty Ðiện lực TP Hà Nội (EVN HANOI) và thực tế đang chứng minh phát huy hiệu quả rõ rệt khi hạ tầng lưới điện được đầu tư, nâng cấp căn bản, người dân được sử dụng điện liên tục với chất lượng ổn định, an toàn và quan trọng nhất là được hưởng giá điện đúng quy định của Nhà nước.
Năm năm qua, EVN HANOI đã tiếp nhận được 236 xã toàn bộ và 18 xã một phần, bán điện trực tiếp đến 577.690 hộ dân. Trong đó, năm 2012 đã tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn (LÐHANT) tại chín xã với 26.519 hộ dân. EVN HANOI đã triển khai đầu tư, cải tạo nâng cấp lưới điện hạ thế tại 13 xã miền núi với tổng mức đầu tư 98,475 tỷ đồng. Tổng công ty đã tổng hợp nhu cầu đầu tư phần trung áp cho đồng bộ với lưới điện hạ áp tại các xã tham gia Dự án năng lượng nông thôn giai đoạn 2 (RE-II) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ gửi UBND thành phố, Quỹ đầu tư, Sở Công thương xem xét các hạng mục: xây dựng mới 191 trạm biến áp (TBA) công suất 72.042 kVA; Nâng công suất 85 TBA tăng thêm 15.120 kVA; xây dựng mới 103 km đường dây trung áp (ÐDTA) với tổng mức đầu tư dự kiến 342,938 tỷ đồng.
Sau khi tiếp nhận LÐHANT, EVN HANOI đã thay mới 568.586 đồng hồ đo điện, đạt tỷ lệ 94,05%; xử lý các điểm mất an toàn trên lưới với chi phí đầu tư thấp nhất từ khi tiếp nhận đến nay là 643,476 tỷ đồng; thực hiện cải tạo và đầu tư xây dựng mới các đoạn ÐDTA, hạ áp; bổ sung và nâng công suất TBA bảo đảm đủ công suất cấp điện, cụ thể: cải tạo và thay thế 296 km ÐDTA, 306,8 km đường trục hạ thế; xây dựng mới 675 TBA với tổng dung lượng 243,373 kVA với tổng kinh phí 509,3 tỷ đồng. EVN HANOI cũng triển khai Dự án nâng cấp lưới điện nông thôn do Chính phủ Ðan Mạch tài trợ (Dự án IVO) tại 13 huyện, thị xã gồm việc xây dựng mới 68,821 km ÐDTA, xây mới 219 TBA; đầu tư cải tạo 14 TBA phân phối và thay thiết bị TBA trung gian Ðan Phượng với tổng mức đầu tư của dự án 214,659 tỷ đồng. Hiện nay, dự án đã triển khai phần xây lắp ở các huyện Phú Xuyên, Mỹ Ðức, Hoài Ðức, Sơn Tây đạt 100%; các huyện còn lại đạt khoảng 80% do có vướng mắc về mặt bằng thi công. Tổng vốn đầu tư cho các xã sau tiếp nhận từ năm 2008 đến nay khoảng 1.367,36 tỷ đồng, đạt yêu cầu Nghị quyết của TP Hà Nội đề ra.
Trước khi tiếp nhận, LÐHANT có các đặc điểm như: cũ nát, không được đầu tư, không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật vận hành, mất an toàn, tổn thất cao khoảng 30%, hệ thống đo đếm điện năng hầu hết là được mua trôi nổi ngoài thị trường không được kiểm định, kiểm định định kỳ theo quy định, người sử dụng điện không được mua điện theo giá quy định… Sau khi tiếp nhận, để ổn định việc bán điện năng theo quy định, EVN HANOI đã chủ động triển khai đồng bộ công tác quản lý kinh doanh, công tác quản lý kỹ thuật, công tác quản lý vận hành, đầu tư tối thiểu, đầu tư xây dựng các công trình điện nhằm bảo đảm cung cấp điện an toàn và liên tục như: tổ chức ký hợp đồng mua bán điện theo quy định đến 100% khách hàng sử dụng điện nông thôn, thực hiện áp giá bán điện theo đúng quy định của Nhà nước bảo đảm các hộ sử dụng được mua điện theo đúng giá quy định; thực hiện đề án chăm sóc khách hàng như thu tiền điện tại nhà, tại quầy, dịch vụ thanh toán tiền điện qua ngân hàng; giảm thời gian cấp mới công-tơ điện; tuyên truyền các chính sách, quy định của Nhà nước về lĩnh vực hoạt động điện lực; thực hiện chương trình sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả; tổ chức nhiều điểm giao dịch khách hàng…; đầu tư tối thiểu thay lưới điện cũ nát mất an toàn vận hành; nâng công suất và đầu tư xây mới các TBA, đầu tư xây dựng thêm ÐDTA và các TBA 110kV… Tất cả các giải pháp trên đã giúp EVN HANOI trong những năm qua đáp ứng cơ bản nhu cầu về điện năng cho sinh hoạt và phát triển kinh tế tại khu vực mới tiếp nhận và trên toàn địa bàn Hà Nội nói chung; giảm tổn thất điện năng tại khu vực tiếp nhận từ 30% xuống 9,88%.
Quá trình triển khai tiếp nhận LÐHANT, EVN HANOI gặp các khó khăn, vướng mắc như: các xã được thành phố lập danh sách tham gia dự án RE-II hiện tại đều có quan điểm không bàn giao và đang thực hiện củng cố tổ chức quản lý kinh doanh điện nông thôn theo đúng quy định; các xã còn lại không tham gia dự án RE-II cũng không đồng ý bàn giao cho ngành điện, phần lớn việc quản lý bán điện ở các xã, thị trấn là các HTX nông nghiệp thực hiện theo hình thức giao khoán quản lý, khoán thu do đó việc kinh doanh bán điện tạo được thu nhập đáng kể cho các HTX; vướng mắc do không ít xã đề nghị phải xác định giá trị còn lại và giá trị hoàn trả đối với lưới điện trung áp xây dựng mấy năm gần đây khi bàn giao cùng với hệ thống LÐHANT mặc dù hồ sơ xây dựng không đầy đủ; các tổ chức quản lý điện nông thôn đã bàn giao lưới điện hạ áp nhưng đến nay vẫn chưa thanh toán đầy đủ tiền điện cho EVN HANOI. Có tổ chức mặc dù đã bàn giao lưới điện cho EVN HANOI nhưng đến nay vẫn chưa thanh toán xong tiền điện với lý do khi nào hoàn trả xong LÐHANT thì mới trả tiền điện, gây khó khăn cho EVN HANOI.
Nhu cầu vốn để đầu tư cải tạo LÐHANT khu vực mới tiếp nhận thời gian tới là rất lớn, khoảng 1.482,8 tỷ đồng. EVN HANOI mong muốn TP Hà Nội và các ban, ngành tạo điều kiện để Tổng công ty có khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi thực hiện đầu tư, nhất là được vay vốn ưu đãi từ Quỹ đầu tư phát triển thành phố và tiến hành triển khai đầu tư nâng cấp các công trình lưới điện nông thôn trong năm 2013. UBND thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo UBND các huyện, xã đôn đốc các tổ chức quản lý điện nông thôn bàn giao LÐHANT cho ngành điện để bán điện trực tiếp đến các hộ dân; phối hợp tốt với Sở Tài chính, các ban, ngành của thành phố, các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt công tác định giá tài sản bàn giao, công tác xác định giá trị hoàn trả vốn, công tác phê duyệt của cấp có thẩm quyền đối với hệ thống LÐHANT sau tiếp nhận; chỉ đạo các xã, các tổ chức quản lý điện nông thôn thực hiện quản lý kinh doanh điện đúng Luật Ðiện lực và các tiêu chí của Bộ Công thương, thực hiện đúng giá bán điện Chính phủ quy định.
Theo Nhandan
Ý kiến ()