Khởi sắc Khu du kích Ba Sơn
- Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân, dân Khu du kích Ba Sơn đã anh dũng, kiên cường chiến đấu, lập nên những chiến công vang dội, góp phần tích cực vào chiến dịch giải phóng biên giới 1950, cùng với đồng bào cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954. Ghi nhận những thành tích đó, Khu du kích Ba Sơn đã được Đảng và Nhà nước phòng tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống thực dân Pháp; Chính phủ trao tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì và UBND tỉnh Lạng Sơn đã có quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh gồm 9 điểm.
Khu du kích Ba Sơn được xây dựng từ năm 1947, nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Lạng Sơn, trải rộng trên địa bàn các xã: Xuất Lễ, Cao Lâu, Mẫu Sơn, Công Sơn (huyện Cao Lộc), trong đó, trung tâm khu du kích nằm ở xã Xuất Lễ. Sau 75 năm giải phóng Khu du kích Ba Sơn (5/3/1949 – 5/3/2024), giờ đây, nếu ai có dịp đến các xã trong Khu du kích Ba Sơn, mảnh đất từng là trọng điểm trong những năm kháng chiến chống Pháp sẽ thấy sự đổi thay trên khắp các bản làng.
Dấu ấn lịch sử
Ngày 25/8/1945, hoà cùng dòng người nổi dậy giành chính quyền ở tỉnh lỵ Lạng Sơn và phủ lỵ Cao Lộc, quần chúng cách mạng Ba Sơn đã đồng lòng, tạo nên sức mạnh lật đổ chính quyền thực dân phong kiến, giành lại độc lập tự do cho dân tộc.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Khu du kích Ba Sơn là một căn cứ địa quan trọng của huyện Cao Lộc và tỉnh Lạng Sơn trong chiến lược chiến tranh giải phóng dân tộc do Đảng ta lãnh đạo.
Trong kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954), Khu du kích Ba Sơn là địa bàn chiến lược có vị trí xung yếu, án ngữ toàn bộ phía Đông Bắc thị xã Lạng Sơn và một đoạn đường số 4 hiểm yếu, đối đầu trực diện với chiến lược “Vành đai sắt” của thực dân Pháp, hòng biến Lạng Sơn thành nơi tập trung quân, tiếp ứng cho chiến trường chính ở mặt trận Thất Khê (Lạng Sơn) và Đông Khê (Cao Bằng)...
Để đập tan âm mưu và kế hoạch tập trung quân của thực dân Pháp ở Lạng Sơn, tiêu hao sinh lực địch trên mặt trận đường số 4, đêm 4/3/1949, với sự tăng cường của bộ đội chủ lực, cùng sự nổi dậy của quần chúng du kích Ba Sơn, các lực lượng đã phối hợp tiến công, đánh, tiêu diệt địch ở đồn Nà Phja, xã Xuất Lễ, đây là sào huyệt chỉ huy của thực dân Pháp.
Trước sức tấn công mạnh mẽ của quân và dân ta, chiều 5/3/1949, quân địch trong đồn Nà Phja đã ra đầu hàng, hai xã trọng điểm của khu du kích là Cao Lâu và Xuất Lễ được giải phóng. Ngày 5/3/1949 (tức ngày 6/2 âm lịch) được ghi dấu là ngày giải phóng Ba Sơn, nhân dân các dân tộc Khu du kích Ba Sơn đã lấy ngày này là ngày hội chiến thắng.
Ông Tàng Văn Hảo, sinh năm 1957, thôn Thạch Khuyên, xã Xuất Lễ cho biết: Tôi sinh ra, lớn lên trên mảnh đất Khu du kích Ba Sơn, từng là Đội trưởng Đội Hợp tác xã Ba Sơn; từ năm 1996 đến năm 2020, là bí thư chi bộ, trưởng thôn Thạch Khuyên. Lễ hội Ba Sơn là lễ hội lịch sử, vào 6/2 âm lịch hằng năm, ngày giải phóng Khu du kích Ba Sơn, Nhân dân các dân tộc lại nô nức tham gia lễ hội Ba Sơn. Ngày này, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các dân tộc lại ôn lại truyền thống, lịch sử phong trào cách mạng Khu du kích Ba Sơn và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tạo không khí đầm ấm, vui tươi, phấn khởi.
Từ những thắng lợi ban đầu, cuối tháng 4/1949, phong trào đấu tranh của Khu du kích Ba Sơn đã phát triển rộng khắp tới các xã: Hải Yến, Thanh Lòa, Thạch Đạn, Lộc Yên, Hòa Cư và Gia Cát, tạo thành vành đai du kích chiến đấu khiến cho địch khiếp sợ.
Trong 4 năm (1947-1950), với hơn 100 trận đánh lớn nhỏ, quân, dân Khu du kích Ba Sơn đã đẩy lùi nhiều đợt tấn công, càn quét của giặc Pháp vào căn cứ khu du kích.
Đặc biệt, được sự tăng cường của bộ đội chủ lực, cuối năm 1949, quân, dân du kích Ba Sơn đã liên tiếp bao vây, tập kích đánh địch ở nhiều nơi, nhiều hướng, khiến cho quân địch vô cùng hoảng loạn, co cụm lại và tháo chạy.
Với những thắng lợi đó, quân, dân Khu du kích Ba Sơn đã góp phần tích cực vào chiến dịch Biên giới năm 1950, cùng với đồng bào cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Đổi thay vùng chiến khu xưa
Nếu như trước đây, để đến được trung tâm xã Xuất Lễ người dân phải mất 2 giờ đi xe, giờ đây, nhờ Nhà nước đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp, tuyến đường huyện 28 đã cơ bản hoàn thành, được rải nhựa, từ trung tâm huyện Cao Lộc đến xã Xuất Lễ chỉ còn mất 1 giờ đồng hồ.
Đến với Khu du kích Ba Sơn trong những ngày tháng Tám lịch sử này chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay rõ nét trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng.
Trải dài Khu du kích Ba Sơn là một màu xanh ngút ngàn của núi rừng biên cương, xen kẽ khắp các thôn, bản là những con đường nhánh bê tông phẳng lỳ qua những ngôi nhà còn thơm mùi sơn mới.
Xuất Lễ là xã miền núi, biên giới có xuất phát điểm thấp, trước đây, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, xã chỉ đạt 3 trên 19 tiêu chí, sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình, bằng những cách làm sáng tạo, với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự đồng lòng, chung sức của người dân, xã đã huy động được trên 238 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó, bà con đóng góp trên 6 tỷ đồng và hiến gần 3.500 m2 đất, đóng góp hàng nghìn ngày công lao động để xây dựng đường bê tông liên thôn, giao thông nội đồng, công trình phục vụ dân sinh. Từ những nỗ lực đó, năm 2020, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống người dân được cải thiện, nâng cao.
Ông Tô Văn Tuân, Chủ tịch UBND xã Xuất Lễ cho biết: Nhờ được nhà nước đầu tư xây dựng nông thôn mới, trạm y tế, trường học được xây dựng khang trang, hệ thống đường giao thông liên thôn được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho xe ô tô vận chuyển hàng hóa đến phục vụ bà con các thôn, bản. Đồng thời, thông qua các các dự án hỗ trợ trồng rừng, chăn nuôi, hướng dẫn kỹ thuật, nên đời sống bà con trên địa bàn không ngừng được nâng lên.
Trên khắp các bản làng vùng căn cứ Khu du kích Ba Sơn năm xưa đang có những đổi thay tích cực, nhiều hộ dân đã và đang xây những ngôi nhà tầng kiên cố. Nếu như năm 2019, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Xuất Lễ là 36,09 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2023, đã tăng lên 37,8 triệu đồng/người/năm và năm 2024, ước đạt 45 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo trên địa bàn xã năm 2019 là 249 hộ, đến năm 2024, giảm xuống còn 64 hộ.
Nông Lâm trường 196, thuộc Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 338 đóng quân trên địa bàn xã Xuất Lễ, những năm qua, đã tích cực tham gia giúp đỡ bà con trên địa bàn Khu du kích Ba Sơn phát triển kinh tế trồng rừng, làm đường giao thông, kênh mương thủy lợi. Từ những năm 2000, đơn vị đã triển khai thực hiện dự án trồng rừng trên địa bàn Khu du kích Ba Sơn, bước đầu, cũng gặp phải khó khăn do suy nghĩ của người dân cho rằng, trồng rừng phải chờ đợi một khoảng thời gian dài thì mới đem lại hiệu quả kinh tế.
Để làm thay đổi suy nghĩ của người dân, đơn vị đã thường xuyên tổ chức các tổ đội công tác xuống các thôn bán tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tuyên truyền về hiệu quả, lợi ích lâu dài từ trồng rừng đem lại.
Thượng tá Phạm Văn Khanh, Chính trị viên Nông Lâm trường 196 cho biết: Với sự quyết tâm bám bản, bám dân, Nông lâm trường 196 xây dựng kế hoạch, lựa chọn đầu tư vào những địa bàn trọng điểm, tổ chức cho bộ đội đến từng thôn, bản, nhà dân tuyên truyền, vận động, hướng dẫn phát triển trồng rừng. Đến nay, đơn vị trồng được 1.184 ha rừng, bàn giao cho 516 lượt hộ gia đình ở các xã: Xuất Lễ, Cao Lâu, Mẫu Sơn, Công Sơn quản lý, chăm sóc, khai thác, đem lại thu nhập cho các hộ gia đình, góp phần nâng cao đời sống cho bà con trên địa bàn.
Ngoài ra, với mục tiêu xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng -an ninh trên địa bàn, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, tăng cường mối liên kết hiệu quả giữa bộ đội với cộng đồng dân cư nơi biên giới, từ sự hỗ trợ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 338, năm 2023, Nông Lâm trường 196 đã tổ chức bàn giao 150 con dê giống cho 30 hộ gia đình (mỗi hộ 5 con) ở 2 xã Mẫu Sơn, Cao Lâu để chăn nuôi sinh sản; bàn giao 70 con trâu giống cho 35 hộ gia đình (mỗi hộ 2 con) ở 2 xã Xuất Lễ, Công Sơn để chăn nuôi sinh sản; bàn giao 100 con bò giống cho 50 hộ gia đình (mỗi hộ 2 con) ở 2 xã Xuất Lễ, Cao Lâu để chăn nuôi sinh sản.
Chị Nông Thị Phượng, thôn Bản Ngõa, xã Xuất Lễ cho biết: Gia đình tôi trước đây thuộc hộ nghèo, năm 2023, gia đình tôi được Nông Lâm trường 196 hỗ trợ 2 con bò cái sinh sản, gia đình tích cực chăn nuôi, chăm sóc theo đúng hướng dẫn kỹ thuật, đến nay, bò phát triển tốt. Gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác rất vui mừng, phấn khởi khi được hỗ trợ con giống về nuôi, đây sẽ là cơ hội thuận lợi để gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, từng bước vươn lên.
Trên bước đường đổi mới đi lên, Nhân dân Khu du kích Ba Sơn luôn đoàn kết, cần cù, chịu khó, phát huy truyền thống thi đua yêu nước, một lòng chung tay xây dựng vùng đất biên cương ngày càng giàu đẹp.
Ý kiến ()