Khởi sắc giáo dục vùng quê lúa
Về huyện Ðông Hưng, đơn vị tám năm liền dẫn đầu phong trào giáo dục, đào tạo của tỉnh, nhà giáo Trần Ðức Cường, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) huyện cho chúng tôi biết: Ðể đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, từ nhiều năm nay, Ðông Hưng có cách làm sáng tạo. Theo đó, các trường mầm non đều được xây dựng tại một điểm nhằm tập trung quản lý, chỉ đạo và nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng. Khu học lẻ ở bậc tiểu học cũng được xóa bỏ và xây dựng mô hình trường THCS liên xã. Mô hình này được triển khai từ năm 2002 và đến nay đã hình thành được năm trường quy mô liên xã. Theo đánh giá, mô hình phát huy hiệu quả vì tránh được hiện tượng dạy chéo môn, chéo ban; đầu tư cơ sở vật chất thuận lợi, tập trung, tiết kiệm ngân sách; biên chế cán bộ quản lý, nhân viên giảm hẳn. Trường liên xã có quy mô lớn cho nên rất dễ đẩy mạnh các phong trào thi đua, kết quả giáo dục toàn diện được nâng lên rõ rệt. Chính vì vậy, những năm gần đây, bốn trên năm trường THCS liên xã ở Ðông Hưng liên tục đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc trong dạy và học.
Từ năm học 2005-2006 đến nay, Phòng Giáo dục huyện còn tổ chức cho giáo viên các bộ môn có chuyên môn đặc thù là âm nhạc, mỹ thuật, ngoại ngữ, thể dục (cấp tiểu học và THCS), tin học (cấp THCS) dạy liên trường và sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường. Ðây là biện pháp nhằm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên các bộ môn đặc thù ở nhà trường. Bên cạnh đó, còn bảo đảm cho học sinh được học tất cả các môn đặc thù từ giáo viên đào tạo chính ban và xóa bỏ triệt để việc ký hợp đồng giáo viên tràn lan. Trong năm học này, huyện Ðông Hưng đưa 15 trường học được cải tạo và xây mới vào khai thác, sử dụng. Ðiều đáng nói, nhiều trường được xây dựng từ nguồn xã hội hóa giáo dục, huy động sự ủng hộ, đóng góp của nhân dân, của doanh nghiệp và những người con thành đạt đang công tác, sinh sống trên mọi miền đất nước như Trường THCS Ðông Sơn quy mô mười phòng học, kinh phí xây dựng 5,2 tỷ đồng; Trường THCS liên xã Phương Cường Xá, quy mô 30 phòng học, tổng kinh phí đầu tư hơn 20 tỷ đồng, trong đó một nửa số vốn là từ nguồn xã hội hóa.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Giám đốc Sở GD và ÐT tỉnh Thái Bình Ðặng Phương Bắc cho biết: Toàn ngành đang tích cực tìm kiếm các giải pháp mang tính đột phá để phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Ở huyện Thái Thụy, phấn đấu trong năm 2014 xây dựng ở mỗi cụm liên trường một phòng học trực tuyến để thao giảng, giáo viên các trường dự giờ ngay tại chỗ một cách chủ động, tập trung, tiết kiệm chi phí đi lại. Ở huyện Quỳnh Phụ, hưởng ứng phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và Ngày hội văn hóa đọc, từ năm 2008 đến nay, mỗi lớp ở cấp tiểu học và THCS đã hình thành được thư viện do học sinh đóng góp mỗi năm một cuốn sách. Trung bình mỗi lớp học có hàng chục đầu sách về các lĩnh vực khoa học, giáo dục, văn học… Sau vài tháng, các lớp thực hiện việc luân chuyển, đổi sách cho nhau. Ðến nay, ở cả hai cấp học trên địa bàn huyện đã có 70 trường có thư viện sách hoạt động đều đặn, hiệu quả, đem kiến thức bổ ích đến với học sinh. Còn tại làng chài Cao Bình, xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương, từ năm 2005 đến nay, cán bộ, chiến sĩ Ðồn biên phòng Cửa Lân cùng giáo viên Trường tiểu học Hồng Tiến tổ chức duy trì lớp học trên sông nước để phổ cập tiểu học xóa mù chữ. Trong năm vừa qua, địa phương tiếp tục vận động được 22 em vào lớp một học bán trú và hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt hằng ngày.
Nhằm đổi mới quy trình, nâng cao chất lượng công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý các trường phổ thông, tỉnh Thái Bình đang tổ chức thí điểm thi tuyển chức danh hiệu trưởng ở khối THPT, THCS và tiểu học. Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Cao Thị Hải: “Ðây là bước đột phá trong công tác cán bộ, mục đích nhằm lựa chọn được những lãnh đạo, quản lý giỏi, thật sự có năng lực, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao”. Trong quá trình triển khai, các đơn vị trong tỉnh đều bám sát nguyên tắc Ðảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, các bước thực hiện kế hoạch, quy trình thi tuyển luôn có sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Ðảng. Theo lộ trình, từ năm 2014 sẽ thi tuyển tất cả các chức danh thiếu, khuyết của cán bộ quản lý các bậc học, cấp học.
Hiện nay, Thái Bình là một trong năm tỉnh, thành phố của cả nước hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non trẻ năm tuổi, công tác xã hội hóa giáo dục nhiều năm dẫn đầu toàn quốc, phong trào xây dựng trung tâm học tập cộng đồng được Bộ GD và ÐT, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam chọn là tỉnh dẫn đầu cả nước từ năm 2003. Phát huy và giữ vững những thành tích đạt được, ngành GD và ÐT Thái Bình đang tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, không vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nhà giáo và không dạy thêm. Bên cạnh đó, đổi mới phương pháp kiểm tra, xếp loại các nhà trường… Sở GD và ÐT tỉnh Thái Bình sẽ không vinh danh những trường có nhiều học sinh đạt loại giỏi trong các kỳ thi để tránh gây áp lực cho hiệu trưởng, tránh tình trạng ép buộc giáo viên và học sinh phải học thêm.
Ý kiến ()