Khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ
>>> Mênh mông vùng lũ Tràng Định>>> Tập trung mọi lực lượng khắc phục hậu quả bão số 2
LSO-Tràng Định là một trong những huyện chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi mưa lũ do cơn bão số 2. Những vùng ngập úng nặng nề nhất lại là các xã vùng cánh đồng, nơi trọng điểm về sản xuất nông nghiệp của huyện. Với sự chủ động, năng động của người nông dân, đến thời điểm này sản xuất đã cơ bản được phục hồi.
![]() |
Khôi phục mô hình chủ động giống gia cầm tại chỗ trên địa bàn xã Đại Đồng, Tràng Định |
Xã Đề Thám những ngày đầu tháng Tám, dấu tích của đợt ngập lụt do ảnh hưởng của cơn bão số 2 vẫn còn in hằn trên tường nhà, bụi tre và trên từng thửa ruộng vẫn đỏ nặng phù sa. Nếu không có những dấu tích này thì ít người khách vãng lai nào biết nơi đây vừa trải qua trận lụt nặng, bởi hầu như mọi thứ đã được khắc phục xong, lúa mùa cấy đã lên xanh, rau cũng mới xuống giống, công tác vệ sinh môi trường, khử trùng chuồng trại cũng cơ bản hoàn tất.
Ông Lương Văn Giàu, thôn Nà Ao chia sẻ: cả thôn có 56 hộ gia đình, tất cả nhà cửa đều ngập sâu trong lũ, rau màu, mạ mùa cũng thiệt hại quá nửa. Tuy nhiên ngay sau khi lũ rút, nhân dân trong thôn đã rất chủ động, lượng mạ mùa có thể khắc phục được dân trong thôn tự điều tiết cho nhau. Diện tích nào không kịp thời vụ, dân chuyển sang loại cây trồng khác. Như nhà ông Giàu chẳng hạn, gia đình đã chuyển 2 sào ruộng trong tổng số 6 sào dự kiến cấy lúa sang trồng đậu đỗ, rau xanh và xuống giống thạch đen. Bởi vậy lượng mạ mùa còn dư, ông điều chuyển cho gia đình khác thiếu mạ. Nhờ vậy mà cuối tháng 7, việc gieo cấy đã cơ bản hoàn tất.
Nằm trong vùng cánh đồng, xã Đề Thám là một trong những xã chịu thiệt hại nặng nề nhất. Hơn 450 nóc nhà chìm sâu trong nước. Nông nghiệp cũng thiệt hại nặng nề bởi đây là vùng cung cấp rau xanh cho thị trấn, gần như toàn bộ đã bị hỏng trong lũ. Ông Nguyễn Văn Thái, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết: tuy thiệt hại nặng nề, nhưng nhân dân đã rất tích cực, chủ động trong việc khắc phục. Ngoài việc tự điều tiết mạ mùa để tránh tình trạng thiếu mạ thì người dân cũng đã chuyển đổi khoảng 30 ha sang trồng rau màu, xuống giống thạch đen. Phần lớn số giống lúa được hỗ trợ theo chính sách của tỉnh, nhân dân chưa phải sử dụng ngay mà có thể để dành cho vụ xuân năm sau.
Không chỉ riêng ở Đề Thám, mà những xã bị ngập nặng như Hùng Sơn, Hùng Việt, Kháng Chiến, thị trấn Thất Khê… đến nay đã cơ bản ổn định đời sống, khôi phục sản xuất. Theo thống kê của huyện Tràng Định, lũ lụt đã làm thiếu mạ cấy lúa với diện tích khoảng 51,5ha. Với truyền thống cấy giống bao thai, nếu gieo lại mạ chắc chắn sẽ chậm vụ và đồng nghĩa với nguy cơ mất mùa. Để đảm bảo ổn định sản xuất, UBND tỉnh đã có chính sách hỗ trợ giống cho nhân dân và ngành chuyên môn cũng hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật như gieo thẳng, sử dụng giống ngắn ngày và cực ngắn ngày, khung thời vụ tốt nhất trước lập thu…
Theo quan sát của chúng tôi, nông dân Tràng Định đã rất chủ động, không trông chờ vào sự hỗ trợ. Không chỉ riêng ở Đề Thám, mà tất cả các vùng thiếu mạ đều chủ động liên hệ với vùng có dư để cấy kịp thời vụ. Mặt khác rất nhiều diện tích lúa mùa đã được chuyển đổi sang trồng rau màu, xuống giống thạch đen và trồng ngô. Ông Hoàng Văn Thoại, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cho biết: Đến hết tháng 7/2014, toàn huyện đã cơ bản cấy xong lúa mùa, cơ cấu giống vẫn chủ yếu là bao thai và tính chắc ăn vẫn được đảm bảo, bởi vẫn trong khung thời vụ gieo cấy. Phần lớn số giống hỗ trợ được bà con dự trữ cho vụ sau. Số diện tích lúa mùa kế hoạch của huyện là khoảng 3.300ha, tuy nhiên vụ mùa năm nay đã có sự chuyển đổi khá mạnh mẽ, theo ước tính của phòng chuyên môn, diện tích cấy lúa mùa năm nay chỉ vào khoảng 3.000ha. Số diện tích còn lại đã chuyển đổi sang các cây trồng có hiệu quả cao hơn.
Hiện nay, Trạm vật tư nông nghiệp huyện đã khắc phục được số lượng vật tư bị ngập hỏng bằng cách nhập thêm, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Trong khi đó tiến độ sửa chữa một số công trình thủy lợi sau lũ như tuyến mương Thì Nằng, xã Tri Phương; nâng cấp mương Thầm Slì, xã Đại Đồng… cũng được đẩy nhanh tiến độ và đạt khoảng 90% khối lượng. Cũng trong thởi điểm này, do khung thời vụ trồng ngô hè thu có thể kéo dài hơn, nên các cơ quan chuyên môn của huyện cũng đang khẩn trương khảo sát nhu cầu về giống của nhân dân và có hướng tham mưu cho các cấp có thẩm quyền để hỗ trợ một phần. Một số mô hình phát triển chăn nuôi tập trung trên địa bàn xã Đại Đồng cũng đã ổn định chuồng trại, khôi phục trở lại. Thiệt hại về chăn nuôi là không đáng kể, bởi trước khi bão lũ hầu hết vật nuôi đã được sơ tán.
Phải mất một thời gian nữa nhân dân Tràng Định mới có thể khắc phục hoàn toàn những thiệt hại về kinh tế do bão lũ gây nên. Thế nhưng với sự chủ động của nhà nông, sản xuất đã cơ bản ổn định trở lại, đây là yếu tố quan trọng nhất để duy trì nguồn lực và giúp nhân dân ổn định đời sống.
VŨ NHƯ PHONG
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()