Khôi phục quan hệ giữa Mỹ và Cuba - một quyết định phù hợp xu thế thời đại
Ngay sau khi quyết định tái thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Mỹ và Cuba được công bố chính thức, trong hai ngày 17 – 18/12, ở khắp nơi trên thế giới, cộng đồng quốc tế cùng hoan nghênh và chờ đón một chương mới đầy hứa hẹn được mở ra sau 53 năm gián đoạn.
Các sinh viên Cuba bày tỏ niềm vui tại La Havana ngày 17/12 (Ảnh: AFP) |
Ngày 17/12 trở thành dấu mốc lịch sử trong quan hệ hơn nửa thế kỷ đầy sóng gió giữa Cuba và Mỹ, khi Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng công bố quyết định khôi phục đầy đủ quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Cộng đồng quốc tế – từ châu Á, Mỹ Latinh và châu Âu – đều xem đây là một “quyết định lịch sử”, một “hành động dũng cảm”, hay sự mở đầu cho “kết thúc Chiến tranh Lạnh”.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, ngày 17/12, đã hoan nghênh quyết định lịch sử của Mỹ và Cuba bình thường hóa quan hệ, đồng thời khẳng định: Liên hợp quốc sẵn sàng giúp hai nước phát triển mối quan hệ mới này. Tuyên bố của Tổng thư ký Ban Ki-moon nêu rõ: “Tôi muốn cảm ơn Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đã đạt đến bước quan trọng này nhằm hướng tới việc bình thường hóa quan hệ”. Nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc cũng bày tỏ hy vọng rằng, thông báo vừa được đưa ra có thể góp phần làm tăng cường trao đổi thương mại giữa hai nước.
Một trong những nhân tố đóng vai trò tích cực giúp cải thiện quan hệ giữa Cuba và Mỹ – Giáo hoàng Francis, ngày 17/12, đã ngay lập tức chào đón các “quyết định lịch sử” được công bố đồng thời tại Washington và La Havana bởi các nhà lãnh đạo Cuba Raul Castro và nhà lãnh đạo Mỹ Barack Obama. Tuyên bố của Tòa thánh Vatican cho biết, Giáo hoàng “nhiệt liệt chúc mừng quyết định lịch sử của chính phủ Mỹ và Cuba để khôi phục lại quan hệ ngoại giao nhằm loại bỏ những khó khăn, tồn tại trong lịch sử gần đây vì lợi ích của công dân cả hai nước”. Ngoài ra, Tòa thánh Vatican cũng xác nhận đã chào đón các đoàn đại biểu của hai nước vào tháng 10 vừa qua, cung cấp các “văn phòng tốt để tạo điều kiện cho một cuộc đối thoại mang tính xây dựng về các chủ đề nhạy cảm”.
Canada, quốc gia từng đứng ra tổ chức các cuộc gặp giữa lãnh đạo cấp cao của Mỹ và Cuba từ tháng 6/2013, cũng đã chúc mừng chính phủ hai nước Mỹ và Cuba “vì cuộc đối thoại, đàm phán thành công và dẫn đến các mối quan hệ được bình thường hóa” – Thủ tướng Stephen Harper nói.
Các nước Mỹ Latinh, hiện đang nhóm họp tại Hội nghị thượng đỉnh khu vực ở Argentina, cũng hoan nghênh “sự khởi đầu cho kết thúc Chiến tranh Lạnh ở châu Mỹ” và sẽ đạt được “hòa bình toàn diện giữa các dân tộc”.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ca ngợi một “sự cải chính lịch sử”, một “cử chỉ can đảm của ông Obama và cần thiết cho lịch sử”…
Trên trang Twitter, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ecuador chúc mừng “Cuba và Mỹ vì các thỏa thuận đã đạt được”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Chile cũng hy vọng rằng, “sự khởi đầu cho kết thúc Chiến tranh Lạnh ở châu Mỹ” sẽ cho phép “bình thường hóa” các quan hệ “sẽ tốt cho toàn bộ khu vực”.
Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos khẳng định, việc Mỹ tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba sau hơn nửa thế kỷ gián đoạn “mở ra cánh cửa trong tương lai. Tôi hy vọng, rất gần, chúng ta có thể thực hiện giấc mơ có một lục địa, nơi có hòa bình toàn diện giữa các dân tộc”.
Liên minh châu Âu cũng ca ngợi một “bước ngoặt lịch sử” đại diện cho “một chiến thắng của cuộc đối thoại hơn là đối đầu”. “Hôm nay, một bức tường mới bắt đầu đổ xuống” – tuyên bố của người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu Federica Mogherini đánh giá. “Các quyền con người vẫn là trọng tâm trong chính sách của EU đối với Cuba” – tuyên bố nhấn mạnh. Kể từ tháng 5 vừa qua, EU và Cuba đang đàm phán một “thỏa thuận đối thoại và hợp tác về chính trị”. Ngày 9/12, Cuba yêu cầu vào hoãn vô thời hạn vòng 3 của các cuộc đàm phán ban đầu, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 8 và 9/1 tới đây.
“Tương lai này chỉ có thể được xây dựng dựa trên sự tôn trọng dân chủ và quyền con người” – Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Manuel Garcia-Margallo cho biết, đồng thời hoan nghênh “một cánh cửa mới của hy vọng”.
Tổng thống Pháp Francois Hollande chào đón “sự bớt căng thẳng” này, cho thấy “Chiến tranh Lạnh phải được chấm dứt, một lần và cho tất cả”. Pháp hy vọng rằng, việc tái thiết lập quan hệ ngoại giao này sẽ dẫn đến “dỡ bỏ lệnh cấm vận trên đất nước này” – Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết.
Đức chào đón một “tin tức rất tốt trong những khoảng thời gian đầy rẫy các cuộc xung đột này”.
Trong một tuyên bố, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov đánh giá thỏa thuận bình thường hóa quan hệ Cuba – Mỹ là một bước đi đúng hướng sau hơn 50 năm Mỹ tìm mọi cách cô lập Cuba. Ông Ryabkov nhấn mạnh, Nga đánh giá cao quyết định nối lại quan hệ ngoại giao song phương và khẳng định, việc Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với bất kỳ quốc gia nào là không hợp pháp.
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 18/12, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Nguyên thủ Cuba và Hoa Kỳ tuyên bố sẽ nối lại quan hệ ngoại giao, Phó Phát ngôn Phạm Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam hoan nghênh việc Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên bố sẽ nối lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước sau 53 năm gián đoạn. Việt Nam tin tưởng rằng, các tuyên bố mang tính lịch sử này là bước khởi đầu cho việc tiến tới bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương, đem lại lợi ích chính đáng cho nhân dân Cuba và Hoa Kỳ, góp phần quan trọng vào việc duy trì hòa bình, ổn định và tăng cường hợp tác tại Châu Mỹ và trên thế giới.” |
Trung Quốc cũng “hoan nghênh việc bình thường hóa” quan hệ giữa Mỹ và Cuba, đồng thời kêu gọi người Mỹ dỡ bỏ “càng sớm càng tốt” lệnh cấm vận. Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ở thủ đô Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nêu rõ: Bắc Kinh hoan nghênh và ủng hộ việc bình thường hóa các mối quan hệ song phương Cuba – Mỹ, đồng thời hy vọng rằng, Washington sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Cuba sớm nhất có thể. Theo ông Tần Cương, Bắc Kinh luôn coi trọng tình hữu nghị giữa Trung Quốc – Cuba và sẽ tiếp tục ủng hộ sự lựa chọn của đảo quốc này trên con đường phát triển.
Trong khi đó, tại Cuba, người dân nước này vẫn chưa hết hân hoan, vui mừng trước dấu mốc quan trọng, được chờ đợi từ lâu này.
Báo Granma – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba – dẫn lời nhiều người dân nước này nhấn mạnh rằng, ngày 17/12 đã đánh dấu mốc son quan trọng trong lịch sử của Cuba, cũng như của châu Mỹ và toàn thế giới.
Báo Juventud Rebelde (Thanh niên quật khởi) dẫn lời người dân Cuba khẳng định, quan hệ Cuba – Mỹ đang bước sang một giai đoạn mới. Trong nhiều năm, người dân Cuba ở nơi này hay nơi khác đã phải hứng chịu hậu quả của lệnh cấm vận do Washington áp đặt, do đó, đây là thời điểm để chính phủ hai nước tái thiết kênh thông tin, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân dân hai nước.
Hãng thông tấn AFP (Pháp) dẫn lời Rolando Rodriguez, một lái xe 44 tuổi, còn chưa hết ngỡ ngàng vui sướng cho biết: “Tôi vẫn còn bị sốc, cố gắng để kiểm soát những tin tức, nhưng tôi thực sự nhận thấy các nhân tố cho một mối quan hệ mới”. Hay như Manuel Ramos, người Mỹ gốc Cuba, 62 tuổi, đã rơi nước mắt vì xúc động khi biết được thông tin mà ông đã chờ đợi suốt hơn nửa thế kỷ qua. Còn đối với người thợ điện Armando Rodriguez, 49 tuổi, quyết định mang tính lịch sử này sẽ giúp anh hiện thực hóa “giấc mơ có sự xuất hiện của hàng ngàn khách du lịch và các doanh nghiệp Bắc Mỹ” tại chính đất nước Cuba.
Khôi phục quan hệ giữa Mỹ và Cuba là một quyết định phù hợp với xu thế của thời đại – xu thế đối thoại hòa bình, hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi, trên cơ sở tôn trọng pháp luật quốc tế.
Theo CPV
Ý kiến ()