Khôi phục hợp tác khu vực vùng Vịnh
Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh dường như được giải quyết khi ba quốc gia A-rập ở khu vực cùng với Ai Cập đã khôi phục quan hệ ngoại giao và nối lại hợp tác với Ca-ta trên nhiều lĩnh vực. Việc hàn gắn rạn nứt giữa các quốc gia ở vùng Vịnh được kỳ vọng sẽ giúp khu vực này khôi phục được sự thống nhất trong khối để cùng hợp tác và phát triển.
Tại hội nghị cấp cao Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) diễn ra ở thành phố An U-la trong tháng 1 vừa qua, A-rập Xê-út cùng với Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), Ba-ren và Ai Cập đã nhất trí khôi phục quan hệ ngoại giao, thương mại và đi lại với Ca-ta, chấm dứt căng thẳng giữa hai bên vốn khiến mối quan hệ bị đóng băng từ năm 2017. Sau khi thỏa thuận An U-la được ký kết, các hoạt động hàng không và đi lại giữa Ca-ta và bốn nước A-rập đã được nối lại. Bộ trưởng Ngoại giao A-rập Xê-út, Hoàng tử Ph.An Xa-út mới đây có chuyến thăm Ca-ta và có cuộc gặp Quốc vương Ca-ta S.An Thai-ni nhằm thảo luận về thúc đẩy mối quan hệ song phương, cũng như giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế. Các phái đoàn chính thức của Ca-ta và Ai Cập đã tiến hành cuộc gặp tại Cô-oét nhằm thảo luận các cơ chế cần thiết để tăng cường hợp tác chung trong tương lai. Hai bên cũng trao đổi về những cách thức và biện pháp cần thiết nhằm đạt được nguyện vọng của người dân hai nước về an ninh, ổn định và phát triển. Ca-ta bày tỏ mong muốn khôi phục mối quan hệ “nồng ấm, vững chắc và tốt đẹp” với Ai Cập. Phái đoàn Ca-ta cũng đã có cuộc gặp tương tự với phái đoàn UAE tại Cô-oét. Hai bên bày tỏ hoan nghênh những giải pháp đã được triển khai kể từ thỏa thuận An U-la nhằm xây dựng lòng tin giữa hai nước.
Việc nối lại hợp tác theo thoả thuận An U-la cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì mối tương đồng giữa các nước vùng Vịnh và thực hiện hành động chung vì lợi ích của các nước thành viên GCC. Thỏa thuận này hướng tới sự đoàn kết và ổn định của khu vực. Tổng Thư ký Liên đoàn A-rập (AL) A.Ghê-ít đã hoan nghênh các động thái hướng tới việc hàn gắn những bất đồng giữa bốn quốc gia A-rập với Ca-ta. Theo ông Ghê-ít, bất kỳ động thái hiệu quả nào nhằm xoa dịu căng thẳng giữa các nước A-rập và thúc đẩy trật tự chung đều đáng hoan nghênh vì điều này sẽ tăng cường sức mạnh và ảnh hưởng của tổ chức liên minh các nước A-rập. Tuy nhiên, việc khôi phục quan hệ ngoại giao với Ca-ta sẽ cần thời gian bởi các bên phải hợp tác để xây dựng lại lòng tin. Bầu không khí tích cực hiện nay cần được thúc đẩy thông qua việc củng cố lòng tin.
Sự thống nhất giữa các nước A-rập không chỉ giúp khối này tập trung vào nỗ lực đối phó các thách thức chung hiện nay mà còn giúp mở rộng hợp tác của khối với các nước và khu vực khác. Việc Mỹ thúc đẩy vai trò trung gian dẫn tới “tháo ngòi” khủng hoảng quan hệ giữa các nước A-rập ở vùng Vịnh cũng giúp Oa-sinh-tơn thuận lợi hơn trong việc hợp tác với các đồng minh để bảo vệ lợi ích của Mỹ ở khu vực này. Liên hiệp châu Âu (EU) đã hoan nghênh việc mở cửa biên giới và không phận giữa các nước với Ca-ta, nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng kéo dài hơn ba năm qua đã ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao giữa các nước trong và ngoài khu vực vùng Vịnh. Liên minh châu Phi (AU) bày tỏ tin tưởng rằng, việc chấm dứt cuộc khủng hoảng ở vùng Vịnh đã góp phần quan trọng xây dựng nền hòa bình chung ở khu vực và là “chìa khóa” cho việc cải thiện quan hệ giữa châu Phi và các quốc gia vùng Vịnh.
Ý kiến ()