Khơi nguồn sức mạnh bằng quy chế dân chủ
Thực tế và cách làm sáng tạo trong thực hiện Quy chế dân chủ ở một số xã, phường, thị trấn của Hà Nội khẳng định, nơi nào coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài, là trách nhiệm của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, mọi việc khó đều được giải quyết.Quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần khơi nguồn sức mạnh, tạo động lực từ hai phía - hệ thống chính trị và nhân dân.Gỡ khó cho giải phóng mặt bằngỞ Hà Nội, giải phóng mặt bằng (GPMB) luôn là việc khó. Nhưng ở phường Phú Lãm (quận Hà Đông), trong năm 2010, gần 6.000 m2 đất đã được người dân tự nguyện bàn giao để thi công ba tuyến đường: Huyền Kỳ, Thanh Lãm và Quang Lãm, trong khi chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ. Điều đáng nói là ở Phú Lãm, năm 2004, có tới bảy đảng ủy viên bị kỷ luật vì những sai phạm trong quản lý và sử dụng đất. Nhiều người dân ở Phú Lãm nói rằng, dư âm vụ việc đó lớn lắm, nên trong một thời gian khá...
Thực tế và cách làm sáng tạo trong thực hiện Quy chế dân chủ ở một số xã, phường, thị trấn của Hà Nội khẳng định, nơi nào coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài, là trách nhiệm của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, mọi việc khó đều được giải quyết.
Quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần khơi nguồn sức mạnh, tạo động lực từ hai phía – hệ thống chính trị và nhân dân.
Gỡ khó cho giải phóng mặt bằng
Ở Hà Nội, giải phóng mặt bằng (GPMB) luôn là việc khó. Nhưng ở phường Phú Lãm (quận Hà Đông), trong năm 2010, gần 6.000 m2 đất đã được người dân tự nguyện bàn giao để thi công ba tuyến đường: Huyền Kỳ, Thanh Lãm và Quang Lãm, trong khi chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ. Điều đáng nói là ở Phú Lãm, năm 2004, có tới bảy đảng ủy viên bị kỷ luật vì những sai phạm trong quản lý và sử dụng đất. Nhiều người dân ở Phú Lãm nói rằng, dư âm vụ việc đó lớn lắm, nên trong một thời gian khá dài, cán bộ sợ xuống gặp dân, dân mất niềm tin vào chính quyền. Bác Hiểu, Trưởng ban Thanh tra nhân dân phường kể: Năm 2010, ở Phú Lãm có 33 dự án phải GPMB, phức tạp nhất là dự án Trường ĐH Đại Nam 6,9 ha. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường cùng cán bộ các ngành, đoàn thể lần lượt đến 149 hộ dân, cứ thế, phải rất nhiều lần, không kể sáng sớm hay đêm muộn, miễn sao phải gặp được dân, nói dân chịu nghe. Có gia đình, năm lần cán bộ đến nhưng không thể vào nhà. Vậy rồi, nhờ kiên trì thực hiện đúng quy chế dân chủ (QCDC), công khai, nhân dân tin tưởng, chấp nhận các phương án đền bù, hỗ trợ.
Tại phường Cát Linh (quận Đống Đa), dự án tôn tạo, trùng tu, xây dựng di tích Bích Câu đạo quán và chùa An Quốc kéo dài gần 10 năm. Khá nhiều chủ đầu tư triển khai dự án nhưng đều chưa thể GPMB. Năm 2010, từ kinh nghiệm thực hiện QCDC trong GPMB tuyến đường từ Bộ Tư lệnh Thông tin đến Giang Văn Minh, phường thực hiện QCDC trong GPMB đối với dự án này. Ngoài việc niêm yết công khai chủ trương, chính sách, các văn bản liên quan dự án tại trụ sở phường, các khâu như phát và nhận tờ khai điều tra hiện trạng, đo đạc, cắm mốc, xét duyệt nhân khẩu, nguồn gốc đất, xem xét nhà tái định cư… đều có sự tham gia của đại diện nhân dân để đóng góp ý kiến, kiến nghị kịp thời về dự án. Bác Trần Minh Đức, Bí thư chi bộ 3, nơi có dự án được triển khai, cho biết: Diện tích của dự án tuy không lớn, nhưng do ở vị trí phố Cát Linh, người dân kiến nghị giá đất bồi thường sát giá thị trường, thế là kéo dài. Đã thực hiện công khai ở tất cả các khâu, rồi đối thoại trực tiếp tại các cuộc họp, tính ra, cán bộ phường còn phải thêm bảy lần đến vận động đối với từng người, chứ không chỉ là từng gia đình, vì trong mỗi hộ, có người đồng ý, có người lại chưa đồng thuận. Theo bác Trịnh Xuân Hàm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường, những năm gần đây, các dự án phải GPMB trên địa bàn, liên quan hơn 170 hộ, đều được triển khai theo đúng quy trình thực hiện QCDC trong GPMB, nên tạo được sự đồng thuận cao, không xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người.
Dân biết, dân bàn, cụ thể và thiết thực
Xã Nam Hồng (huyện Đông Anh) có diện tích 859 ha, dân số hơn 12.700 người, địa bàn sát cạnh hai khu công nghiệp Thăng Long và Quang Minh, tốc độ đô thị hóa khá nhanh, nhưng cuộc sống của người dân ở đây dường như không chịu nhiều tác động bởi những mặt trái của đô thị hóa. Hệ thống đường giao thông được xây dựng hoàn chỉnh, rộng từ 3 đến 4 mét, đường trong thôn, làng nếu đi qua từ hai hộ trở lên đều được đổ bê-tông, các thôn đều có nhà văn hóa, có sân vận động rộng 1 ha, các thôn có Quỹ vệ sinh môi trường, dành để trả lương cho các tổ công nhân thu gom rác thải, việc cưới, việc tang dần theo nền nếp văn minh, tiến bộ… Trong câu chuyện với chúng tôi, nhiều cán bộ và nhân dân trong xã khẳng định, có những kết quả đó là nhờ Đảng ủy, chính quyền và các đoàn thể ở Nam Hồng đã thực hiện tốt QCDC.
Nam Hồng hiện đang thực hiện bốn quy chế và một quy ước. Ngoài ra, mỗi thôn đều có quy ước xây dựng làng văn hóa. Theo QCDC về công tác tài chính, chính quyền xã phải công khai các khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản, chi cho các dự án. Với các công trình có sự đóng góp của nhân dân, phải công khai dự toán từng công trình, chi tiết các nguồn vốn, kết quả huy động vốn, kết quả chọn nhà thầu, tiến độ thi công và kết quả nghiệm thu. QCDC về quản lý, sử dụng tài sản công yêu cầu phải công khai hồ sơ quy hoạch, hồ sơ mốc giới, việc tổ chức giao, nhận thầu diện tích đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công, đất chưa sử dụng thuộc xã quản lý tại trụ sở UBND xã, thông báo trên đài truyền thanh để nhân dân biết, giám sát và thực hiện. Chính quyền phải công khai xét duyệt, lập hồ sơ giao đất giãn dân… Theo đồng chí Tạ Xuân Hòa, Bí thư Đảng ủy xã Nam Hồng, nhờ thực hiện đúng các khâu công khai, dân chủ mà năm 2010, xã Nam Hồng tổ chức thành công các phiên đấu giá bảy điểm đất xen kẹt, với diện tích 1,8 ha, thu được gần 120 tỷ đồng. Từ nguồn tiền này, trong năm 2010, xã tiến hành xây dựng 19 công trình hạ tầng, với số tiền đầu tư hơn 22,56 tỷ đồng. Tất cả các công trình này đều được giám sát chặt chẽ của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng cùng với đại biểu nhân dân và tất cả các hộ có đường giao thông đi qua hay gần công trình được xây dựng. Bác Vũ Minh, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Vệ cho biết: Có quy chế rồi, nhưng khi thực hiện, phải sâu sát, nếu không sẽ rơi vào hình thức. Khi người dân hiểu rõ quyền và trách nhiệm trong thực hiện QCDC, những vấn đề bức xúc ở địa phương nhanh chóng được giải quyết.
Nằm ở vùng gò đồi, phía tây bắc huyện Ba Vì, xã Đồng Thái là một điển hình trong thực hiện QCDC. Từ đầu năm 2008, xã đã có kế hoạch tuyên truyền, triển khai Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ QH về thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn, thành lập Ban chỉ đạo, rà soát, bổ sung các quy chế, quy ước, tổ chức các hội nghị đến từng chi bộ, MTTQ và các đoàn thể. Trong ba năm qua, người dân được bàn và chính quyền công khai việc sử dụng 27 tỷ đồng nguồn vốn đóng góp của nhân dân để xây dựng các công trình dân sinh, đường giao thông, đặc biệt là có tới tám hội nghị toàn thể nhân dân bàn về đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015. Năm 2010, Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng đã phát hiện và lập biên bản, kiến nghị chủ đầu tư phải bảo đảm số lượng sắt của dầm và mái tầng 2 trường tiểu học thay gạch xây hạ tầng khu giao đất giãn dân cho đúng thiết kế. Xã còn thực hiện QCDC trong công tác thuế đối với hộ cá thể. Xã phối hợp Chi cục Thuế huyện Ba Vì họp với 142 hộ kinh doanh, công khai, bàn bạc, xác định mức thu của từng hộ, sau đó công khai trên hệ thống truyền thanh xã. Nhờ vậy, việc thu thuế thuận lợi và nhanh chóng.
Cán bộ gương mẫu, gần dân, dân tin cán bộ
Bác Nguyễn Hữu Quách, Trưởng ban Giám sát đầu tư cộng đồng phường Phú Lãm, khi kể về những đổi thay trong cuộc sống của người dân nơi đây, phấn khởi nói rằng: Đột phá ở Phú Lãm chính là nhờ công tác cán bộ. Cán bộ có năng lực, có tâm huyết, dám nghĩ, dám làm. Dần dần, cán bộ lấy lại được niềm tin của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong thực hiện các chương trình, dự án. Bác Nguyễn Bá Huỳnh, Chủ tịch MTTQ phường cho biết: Tại các hội nghị lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ phường, các ý kiến phát biểu không chung chung, hình thức, mà thẳng thắn, chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm của từng cán bộ.
Ở xã Nam Hồng, 'tạo thuận lợi cho nhân dân' luôn là mục tiêu trong triển khai các chủ trương, công việc. Khi tiến hành cuộc vận động thực hiện việc tang văn minh, tiến bộ, khuyến khích thực hiện hỏa táng, UBND xã phân công cán bộ tư pháp trực tiếp đến gia đình có người thân qua đời, cấp giấy chứng tử, rồi sang nhà tang lễ thành phố giúp gia đình ký hợp đồng hỏa táng. Người dân không phải đi lại nhiều lần. Đồng chí Trần Xuân Chiêm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã nói: Chuyện tưởng là nhỏ vậy, nhưng người dân ghi nhận là chính quyền đã không thờ ơ trước sự vất vả của bà con.
Từ thực tế việc thực hiện QCDC ở phường Cát Linh, bác Đàm Tâm, Chủ tịch MTTQ phường hào hứng nhận xét: Cán bộ cơ sở phải gương mẫu, bám sát địa bàn, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, khi người dân có phản ánh, kiến nghị phải giải quyết kịp thời, không để trở thành bức xúc. Bài học tưởng là cũ nhưng lúc nào cũng hiệu quả. Bác Trịnh Xuân Hàm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường nêu ý kiến: Sự đoàn kết, nhất trí trong đội ngũ lãnh đạo là yếu tố quan trọng để thực hiện QCDC, vì có dân chủ trong Đảng, mới có dân chủ trong nhân dân.
Qua kiểm tra việc thực hiện QCDC ở các xã, phường, thị trấn của thành phố Hà Nội, đồng chí Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban chỉ đạo thực hiện QCDC của thành phố khẳng định: Những nơi thực hiện tốt QCDC đều có đội ngũ cán bộ đoàn kết, nhiệt tình, sát dân, có trình độ và tinh thần trách nhiệm cao. Đặc biệt là vai trò lãnh đạo của cấp ủy, sự 'vào cuộc' của hệ thống chính trị với phương châm vận động quần chúng 'khéo, kiên trì, bền bỉ'. Thực tế thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn Thủ đô khẳng định việc xây dựng các quy chế, quy ước là tạo điều kiện và môi trường để nhân dân thực hiện quyền làm chủ. Ở hầu hết các đơn vị có quy chế và làm việc theo quy chế, tình trạng mất dân chủ, chồng chéo, bao biện, thiếu trách nhiệm giảm đáng kể. Hệ thống chính trị năng động hơn, sự phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nhịp nhàng hơn. Phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên có chuyển biến theo hướng gần dân, sát dân, trọng dân, học dân và có trách nhiệm với dân hơn.
Từ kết quả thực hiện QCDC tại các xã, phường, thị trấn ở Hà Nội mà chúng tôi có dịp khảo sát, có thể rút ra một số kinh nghiệm. Đó là, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể phải có nhận thức đúng đắn về QCDC. Cùng với tuyên truyền QCDC là tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao dân trí, hiểu biết của nhân dân về chính sách, pháp luật để thực hiện quyền dân chủ, nhân dân biết bảo vệ quyền lợi, đồng thời hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Các quy chế, quy ước ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện và kiểm tra. Cần củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể ở cơ sở, gắn với đó là quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở, những người gần dân nhất. Thực hiện QCDC cần đi đôi với thực hiện các Nghị quyết của Đảng, chương trình phát triển kinh tế – xã hội và cải cách hành chính. Hằng năm, các cấp ủy đảng trực tiếp kiểm tra tại các xóm, tổ dân phố và đối thoại với nhân dân, kịp thời chỉ đạo khắc phục những yếu kém trong tổ chức thực hiện, đồng thời thực hiện tốt công tác tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên.
Theo Nhandan
Ý kiến ()