Khởi nguồn của những sáng tạo
Không chỉ chú trọng xây dựng mô hình đào tạo mới, với hệ thống các lớp chuyên, cận chuyên và chất lượng cao, Trường THPT chuyên Lê Quý Ðôn (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) còn là nơi ươm mầm cho những sáng tạo trẻ.
Ðược thành lập năm 1991, Trường THPT chuyên Lê Quý Ðôn đã nhanh chóng khẳng định “thương hiệu” và uy tín của mình. Với mục tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, ngay từ khi thành lập, trường xác định quy mô đào tạo theo hướng mở. Trung bình hằng năm có 30 lớp chuyên và có từ sáu đến chín lớp THPT không chuyên chất lượng cao… Kết quả học tập của học sinh nhà trường đã chứng minh hướng đi đúng đắn đó. Năm học 2009 – 2010, trường có hai học sinh lọt vào đội tuyển thi chọn học sinh giỏi tham dự kỳ thi Ô-lim-pích quốc tế. Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2012 – 2013, trường có bốn học sinh đoạt giải nhì, bảy học sinh đoạt giải ba, đồng thời luôn dẫn đầu về số giải thưởng học sinh giỏi quốc gia của tỉnh suốt nhiều năm liền. Học sinh chuyên sẽ tiến tới được học các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh và Tin học bằng tiếng Anh.
Trong xây dựng đội ngũ, nhiều giáo viên của trường đã được cử đi đào tạo nâng cao về ngoại ngữ. Việc dạy các môn tự nhiên bằng tiếng Anh cũng đã được thử nghiệm. Cô Nguyễn Thị Nguyệt, giáo viên dạy môn Vật lý cho biết: Trong quá trình giảng dạy, các giáo viên luôn tham khảo chương trình học của nước ngoài trên mạng in-tơ-nét và gợi mở, hướng dẫn học sinh nghiên cứu bài trước ở nhà. Sau tiết học, giáo viên sử dụng phiếu học tập để khảo sát mức độ hiểu bài của học sinh. Trên cơ sở đó đánh giá được chính xác mức độ tiếp thu bài giảng của từng học sinh để từ đó điều chỉnh phương pháp giảng dạy cho phù hợp. Thầy Lê Kiều Hưng, giáo viên môn Hóa học chia sẻ: “Ðể dạy môn Hóa bằng tiếng Anh, ngoài việc phải bám sát chuẩn kiến thức của sách giáo khoa, giáo viên phải biết tìm các tài liệu nước ngoài có tính tương đồng với chương trình học để tham khảo, bổ trợ cho bài giảng của mình. Bên cạnh đó, các thuật ngữ tiếng Anh sử dụng phải chuẩn và chính xác”.
Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Ðôn Lê Quốc Hùng cho biết, việc tổ chức dạy các môn tự nhiên bằng tiếng Anh sẽ giúp học sinh dễ dàng hội nhập các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới, tham dự các kỳ thi quốc tế, và quan trọng là giúp các em có thể sử dụng tiếng Anh để nghiên cứu khoa học.
Việc nâng cao chất lượng đào tạo, gắn học lý thuyết với thực hành, tạo hứng thú trong học tập, là mạch nguồn để các thế hệ học sinh Trường chuyên Lê Quý Ðôn đẩy mạnh các hoạt động sáng tạo, sáng chế, nghiên cứu khoa học, mang lại nhiều kết quả thiết thực. Em Nguyễn Nhật Minh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiên văn học (VAAC) của nhóm học sinh chuyên Lý, tâm sự: Trước đây em chỉ tiếp cận môn Vật lý ở phương diện lý thuyết. Khi tham gia Câu lạc bộ VAAC đã được ứng dụng lý thuyết vào thực tế. Câu lạc bộ vừa chế tạo mô hình giàn tên lửa Grantula và tổ chức phóng thử nghiệm thành công. Theo em Minh và các học sinh trong câu lạc bộ, mô hình này áp dụng những lý thuyết vật lý cơ bản về hơi nước, áp suất, lực đẩy và được chế tạo bằng những vật liệu đơn giản, dễ tìm kiếm như ống nhựa, chai nước, van, đồng hồ đo áp suất… Tuy nhiên, để các thiết bị được thiết kế, chế tạo một cách chính xác, phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận là điều không đơn giản. Bản thân các thành viên trong nhóm cũng đã phải thử nghiệm phóng ngoài thực địa nhiều lần để điều chỉnh, bảo đảm tốc độ bay, hướng bay của tên lửa, làm sao cho tên lửa bay cao, thẳng và đáp xuống mặt đất đẹp mắt. Ngoài mô hình giàn tên lửa, nhóm sáng chế còn thiết kế kính thiên văn đường kính 170 mm, làm những mô hình máy cơ đơn giản chạy bằng điện…
Hiệu trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, để tạo điều kiện cho học sinh trong trường phát huy hết khả năng sáng tạo, trường luôn cử giáo viên bộ môn phụ trách và hỗ trợ các nhóm sáng chế nghiên cứu khoa học theo lĩnh vực chuyên của mình. Cuối học kỳ I, nhà trường tổ chức cho học sinh thi ý tưởng nghiên cứu khoa học. Cuối năm sẽ chấm điểm và lựa chọn những đề tài, ý tưởng hay, nhiều sáng tạo, có tính khả thi để hỗ trợ chi phí cho các em thực hiện. Trong suốt quá trình thực hiện, nhà trường có kế hoạch tổ chức giới thiệu những công trình các em đang nghiên cứu, thường xuyên thông báo kết quả, tiến độ nghiên cứu của các nhóm trong các hoạt động ngoại khóa. Bên cạnh đó, các thầy cô giáo trong trường cũng “đặt hàng” các em nghiên cứu, thực hiện những đề tài phù hợp lĩnh vực chuyên của các em, vừa góp phần bồi dưỡng và nâng cao kiến thức, vừa khơi gợi tính sáng tạo, ý thức nghiên cứu khoa học, thói quen làm việc nhóm… cho mỗi học sinh. Những nỗ lực không ngừng của đội ngũ thầy cô giáo Trường chuyên Lê Quý Ðôn đã trở thành mạch nguồn khơi gợi tính sáng tạo, ham học hỏi của lớp lớp học sinh năng khiếu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ý kiến ()