Khởi nghiệp với mô hình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ tinh thể
- Những viên đá lấp lánh hay những chiếc móc khóa, hộp đựng bút, vòng tay, tranh, đồ trang trí… màu sắc bắt mắt được làm từ tinh thể là những sản phẩm độc đáo được tạo ra từ quá trình "nuôi" tinh thể. Đây cũng là sản phẩm khởi nghiệp của nhóm học sinh lớp 12A1 Trường THPT Chi Lăng, huyện Chi Lăng gồm: Lô Khải Hưng, Trần Quang Anh, Nguyễn Ngọc Thắm, Vi Ngọc Diệu Thảo, Nguyễn Thanh Hoa dưới sự hướng dẫn của cô Nguyễn Thùy Linh, giáo viên môn Toán. Tại Cuộc thi Ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lạng Sơn năm 2024, dự án sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ tinh thể đã vượt qua hơn 180 dự án, ý tưởng xuất sắc đạt giải ba.
Tinh thể là những vật thể cấu tạo bởi các nguyên tử, ion hay các phân tử có ảnh hưởng nhiễu xạ chủ yếu là gián đoạn. Tinh thể có cấu trúc trật tự kéo dài. Hầu hết các vật thể rắn trong thiên nhiên đều có cấu trúc tinh thể. Trong một số điều kiện thích hợp, cả các vật chất phi tinh thể cũng có thể chuyển biến thành tinh thể. Tận dụng tính chất này, tinh thể nhân tạo được tạo ra từ nhiều vật liệu như phèn chua, muối ăn, đường… với hình dạng độc nhất, màu sắc bắt mắt.
Em Lô Khải Hưng, Trưởng nhóm khởi nghiệp cho biết: Xuất phát từ mong muốn của các thành viên trong nhóm là tạo ra những sản phẩm góp phần quảng bá về huyện Chi Lăng. Chúng em đã tạo ra những bức tranh phong cảnh về thảo nguyên Khau Sao, ngựa bạch, ải Chi Lăng, núi mặt quỷ... từ tinh thể. Chúng em cũng đưa hình ảnh hoa hồi vào những thiết kế như móc khóa, ống đựng bút, đèn ngủ để tạo ra các sản phẩm lưu niệm vừa có tính thẩm mỹ, lại mang đặc trưng của huyện. Cùng với đó, quá trình "nuôi" tinh thể đòi hỏi chúng em phải tìm hiểu thêm nhiều kiến thức về môn hóa học, vì vậy, khi thực hiện dự án chúng em vừa có thêm nhiều kiến thức vừa có thể khởi nghiệp.
Dự án sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ tinh thể bắt đầu được triển khai thử nghiệm từ tháng 8/2023. Nguyên liệu nhóm lựa chọn để tạo ra tinh thể chủ yếu là phèn chua. Hòa tan phèn chua trong nước để tạo thành hỗn hợp đậm đặc, có thể pha thêm màu để tạo ra tinh thể nhiều màu sắc. Sau vài ngày dung dịch phèn chua sẽ kết tinh thành các tinh thể trên bề mặt và bám vào thành vật chứa. Kích thước, hình dạng tinh thể phụ thuộc vào thời gian “nuôi” và tạo hình mà người “nuôi” mong muốn. Khi đã tạo được khối tinh thể như ý thì lấy ra khỏi dung dịch rồi hong khô. Bên cạnh những sản phẩm tinh thể thô, nhóm còn tạo ra nhiều sản phẩm đẹp mắt từ tinh thể như vòng tay, ống đựng bút, mặt dây chuyền, móc khóa… Với những sản phẩm này, nhóm sử dụng khuôn silicom tạo hình rồi đổ dung dịch phèn chua vào, vài ngày sau tinh thể bám vào thành khuôn thì đổ hết dung dịch còn lại trong khuôn ra; tiến hành pha dung dịch nhựa epoxy rồi đổ vào khuôn, chờ khô thì tiến hành chỉnh sửa, đánh bóng bề mặt là sản phẩm đã hoàn thành. Cùng đó, nhóm cũng tạo ra nhiều sản phẩm khác như: đèn trang trí với sự kết hợp với hình ảnh hoa hồi, các loại hoa cỏ; tranh phong cảnh huyện Chi Lăng như thảo nguyên Khau Sao, ngựa bạch Hữu Kiên, ải Chi Lăng... được ghép từ tinh thể nhiều màu sắc; nhúng hoa, tạo hình cây vào dung dịch phèn chua để tạo ra sản phẩm có hiệu ứng như những giọt sương, bông tuyết bám lên trên…
Cô Nguyễn Thùy Linh, giáo viên hướng dẫn nhóm nghiên cứu cho biết: Ý tưởng ban đầu là sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ tinh thể nhưng khi bắt tay vào nghiên cứu tìm hiểu thì mới thấy có rất nhiều phương pháp để tạo ra tinh thể và nguyên liệu cũng rất đa dạng. Để nuôi tinh thể thành công cũng như hoàn thành dự án, các thành viên trong nhóm đã tham gia tập huấn kiến thức mềm về hoá học và quá trình kết tinh của tinh thể để tạo ra sản phẩm có chất lượng mang tính thẩm mỹ và ứng dụng cao. Quá trình pha chế nhựa epoxy cũng đòi hỏi chúng tôi phải thử nghiệm rất nhiều lần để biết được tỉ lệ pha chuẩn, thời gian khô… Sau nhiều lần thử nghiệm nhóm đã thành công tạo ra các sản phẩm đáp ứng yêu cầu bền, đẹp, độc đáo, an toàn khi sử dụng.
Các sản phẩm từ tinh thể mà nhóm sản xuất đã và đang được bán trực tiếp qua các thành viên và bán tại một số cửa hàng lưu niệm, văn phòng phẩm, cửa hàng tự chọn trên địa bàn thị trấn Đồng Mỏ và các xã lân cận. Nhóm cũng chủ động quảng bá sản phẩm, mở gian hàng trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử như facebook, zalo, shopee… Các sản phẩm có giá từ 30.000 đồng đến 250.000 đồng/sản phẩm, phù hợp với học sinh, sinh viên, khách du lịch, người có nhu cầu sưu tập, trang trí… Nhờ được đông đảo khách hàng ủng hộ, mỗi tháng nhóm có thu nhập khoảng 10 triệu đồng từ kinh doanh các sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Phượng, Đông Anh, Hà Nội cho biết: Lần đầu tiên đi lễ tại đền Chầu Bát, huyện Chi Lăng tôi rất ấn tượng về con người, phong cảnh nơi đây. Tôi muốn mua một thứ gì đó để lưu niệm, tình cờ khi đến một cửa hàng tại thị trấn Đồng Mỏ tôi thấy có bức tranh về ải Chi Lăng rất độc đáo được ghép từ những hạt tinh thể nhiều màu sắc do các em học sinh làm ra. Tôi thấy rất thích và đã mua nó để trang trí bàn làm việc.
Từ những kiến thức đã học, nhóm học sinh và giáo viên Trường THPT Chi Lăng, huyện Chi Lăng đã tạo ra sản phẩm khởi nghiệp và được nhiều người đón nhận, tạo ra nguồn thu nhập cho các thành viên trong nhóm. Thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu để tạo ra nhiều sản phẩm đáp ứng thị hiếu khách hàng và nhu cầu của thị trường, tạo việc làm và mang lại thu nhập cho các thành viên trong nhóm.
Ý kiến ()