Khởi nghiệp từ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với du lịch trải nghiệm: Hướng đi mới trong phát triển kinh tế
– Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với du lịch trải nghiệm hiện đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu hút được nhiều du khách tham quan, tìm hiểu, mua sản phẩm. Tại Hợp tác xã (HTX) Mai Pha Land, mô hình này đang được phát triển và mang lại hiệu quả thiết thực.
Anh Hoàng Hải Phòng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Mai Pha Land, thôn Nà Chuông, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Ý tưởng của tôi là kết hợp mô hình vườn – ao – chuồng với du lịch trải nghiệm. Trong đó, cây trồng chủ lực là cây nho. Mặc dù đây là cây trồng khó tính, đòi hỏi cao về mặt kỹ thuật và công nghệ song tôi đã làm chủ được công nghệ này.
Thành viên HTX Nông nghiệp Mai Pha Land chăm sóc vườn nho
Hiện thực hóa ý tưởng của mình, đầu năm 2020, anh Hoàng Hải Phòng đã vận động thêm 8 thành viên là thanh niên nông thôn tham gia HTX nông nghiệp Mai Pha Land với tổng diện tích hơn 3 ha. Trên diện tích này, các thành viên HTX đã trồng 2 ha các giống nho Hạ đen, nho sữa, nho đỏ; xây dựng 150 m2 bể nuôi cá và chuồng nuôi 200 con gà, vịt. Bên cạnh cây nho, HTX còn trồng các loại nông sản được thị trường ưa chuộng như dâu tây, các loại dưa chuột bao tử, dưa lưới, dưa hấu, rau xanh…
Đối với trồng nho, HTX sử dụng màng ni lông phủ gốc, dùng màng che mưa, nắng cho cây kết hợp với tưới nước nhỏ giọt nhằm đảm bảo độ ẩm và dinh dưỡng cho cây, hạn chế cỏ dại phát triển và tác động bất lợi từ nước mưa đối với cây trồng. Cùng đó, sử dụng phân trùn quế, phân hữu cơ để bón lót và cải tạo đất.
Qua nghiên cứu, tìm hiểu, anh tiếp tục đầu tư nuôi 150 m2 giun quế. Việc nuôi giun quế có ý nghĩa rất lớn đối với mô hình vườn – ao – chuồng khi các chất thải nông nghiệp như: phân gà vịt, lợn, trâu, bò, cỏ dại, lá cành, rau củ… là thức ăn của giun. Nhờ giun quế chất thải không chỉ phân hủy nhanh mà còn giúp đàn giun sinh sôi, phát triển mạnh mẽ. Trong chăn nuôi, đây là nguồn dinh dưỡng phong phú. Đối với cây trồng, chất thải từ giun quế lại là phân bón hữu cơ rất tốt. Điều này giúp giảm chi phí đầu vào, hạn chế phụ thuộc thức ăn chăn nuôi và phân bón hóa học.
Để đưa sản phẩm có chất lượng cao, an toàn đến tay người tiêu dùng, HTX tổ chức sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt VietGAP đối với các loại cây trồng. Quy trình canh tác được ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ, quá trình bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật được quản lý nghiêm ngặt.
Từ năm 2020 đến nay, HTX đã đầu tư khoảng 2 tỷ đồng để xây dựng mô hình. Hiện nông trại của HTX đã cho ra thị trường các sản phẩm: nho ăn tươi, cây nho giống, rượu nho, cá nuôi bể, gà thả vườn, giun giống, phân giun, các loại dưa… Đến nay, mỗi năm, HTX thu hoạch khoảng 15 tấn nho, giá bán từ 100.000 đến 150.000 đồng/kg, doanh thu đạt 1,5 tỷ đồng. Cùng với nguồn thu từ nuôi cá trê, gà vịt, giun và các loại rau, củ, quả, mỗi năm mô hình cho lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng. Hiện mô hình đang tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động.
Bên cạnh phát triển sản xuất, từ năm 2020, HTX mở cửa đón du khách đến tham quan, trải nghiệm. Đến thăm HTX, du khách được tham quan vườn nho trĩu quả, trực tiếp trải nghiệm thu hoạch, chụp ảnh, thưởng thức nho, rượu nho cũng như các loại quả khác tại vườn. Thời điểm nho chín rộ, có ngày, HTX đón hơn 500 khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, chụp ảnh và mua sản phẩm. Hiện nay, HTX vẫn miễn phí cho khách đến tham quan, chụp ảnh.
Chị Nguyễn Thúy Vân, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tháng 5/2021, gia đình tôi đến thăm vườn nho của HTX. Bọn trẻ nhà tôi rất thích được đến thăm vườn nho, trải nghiệm quá trình thu hoạch và thưởng thức nho tại vườn. So với các loại nho nhập khẩu được bảo quản trong kho lạnh dài ngày thì nho tại HTX Mai Pha Land tươi ngon và có hương vị riêng. Vì vậy, tôi không chỉ mua cho gia đình thưởng thức mà còn làm quà tặng cho bạn bè.
Anh Lương Thành Chung, Bí thư Thành đoàn Lạng Sơn cho biết: Tại cuộc thi Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp thành phố Lạng Sơn năm 2021, dự án khởi nghiệp từ mô hình vườn – ao – chuồng kết hợp du lịch trải nghiệm được Ban giám khảo trao giải nhất vì có phả năng áp dụng, phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình cũng nhận được cam kết hỗ trợ từ Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lạng Sơn và CLB Đầu tư khởi nghiệp tỉnh Lạng Sơn.
Với lợi thế gần sông Kỳ Cùng, thời gian tới, HTX sẽ phát triển mô hình nuôi cá lồng bè trên sông, cùng đó cung cấp thêm nhiều dịch vụ cho khách tham quan như: cưỡi ngựa, trèo thuyền trên sông, dịch vụ ăn uống… Mô hình này cũng có thể áp dụng tại các huyện trên địa bàn tỉnh nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của từng mô hình, địa phương cũng như tăng hiệu quả kinh tế.
Ý kiến ()