Khởi nghiệp từ sản phẩm khô heo mác mật
– Thành công từ sản phẩm nước sốt mác mật năm 2020, năm 2021 anh Dương Hữu Điện, Bí thư đoàn xã Chiêu vũ, huyện Bắc Sơn bắt tay vào nghiên cứu và sản xuất sản phẩm khô heo (thịt lợn khô) mác mật. Sản phẩm đang được người tiêu dùng ưa chuộng.
Anh Điện cho biết: Mác mật là một loại gia vị sẵn có của tỉnh Lạng Sơn. Qua tìm hiểu, tôi thấy thị trường hiện nay có nhu cầu rất lớn về các sản phẩm chế biến sẵn, ăn liền. Chính vì vậy, tôi đã bắt tay vào nghiên cứu công thức chế biến khô heo hương vị mác mật ăn liền.
Công nhân cơ sở sản xuất khô heo mác mật Dương Hữu Điện đóng gói thành phẩm
Sau nhiều lần thử nghiệm cách làm khô heo mác mật với các tỷ lệ gia vị khác nhau và cho nhiều người nếm thử, anh Điện đã có công thức chế biến chuẩn, phù hợp với khẩu vị chung của thực khách. Với suy nghĩ tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương là quả và lá mác mật, từ tháng 6/2021, anh Điện tiến hành lập dự án, tìm hiểu và ký hợp đồng mua sắm, lắp đặt máy móc thiết bị để chạy thử. Các máy móc, thiết bị hiện đại, đảm bảo các quy định trong chế biến thực phẩm được đầu tư như: máy tách thịt công nghiệp, máy sấy nông sản, máy làm sốt mác mật, máy sấy màng, máy dập túi… Cùng đó, nhà xưởng sản xuất cũng được đầu tư với khung thép, mái tôn diện tích 100 m2. Tổng vốn đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị là hơn 700 triệu đồng.
Hệ thống máy móc, trang thiết bị chế biến sản phẩm khô heo mác mật được lắp đặt với công suất dự kiến 15 tấn thịt lợn tươi/năm. Khi đi vào sản xuất ổn định sẽ tạo việc làm cho khoảng 6 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng. Theo tính toán, 15 tấn thịt lợn tươi sẽ cho khoảng 7 tấn khô heo thành phẩm, chi phí đầu vào khoảng 2,1 tỷ đồng. Giá bán khoảng 450 nghìn đồng/kg, tổng doanh thu đạt 2,7 tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí lợi nhuận thu được khoảng 500 triệu đồng/năm.
Anh Lương Đình Chung, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tôi đã mua và dùng thử sản phẩm khô heo mác mật sản xuất tại Bắc Sơn. Cá nhân tôi thấy bao bì được đóng gói đẹp mắt, thịt heo được tẩm ướp vừa gia vị nên miếng khô vẫn giữ được độ mềm, ngọt tự nhiên của thịt, có vị cay nhẹ của ớt. Do tẩm ướp với quả và lá mác mật nên sản phẩm có mùi thơm rất đặc trưng và khác biệt với những sản phẩm đang có trên thị trường.
Hiện nay, mỗi ngày xưởng sản xuất của anh Điện tiêu thụ từ 80 đến 130 kg thịt lợn tươi để cho ra 36 đến 38 kg khô heo, tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các tỉnh phía Nam và sàn thương mại điện tử như: Foodmap.aisa, hệ thống siêu thị bách hóa xanh, hệ thống siêu thị Co.opmart… Thời gian tới, cơ sở sản xuất sẽ mở rộng thị trường ra các tỉnh phía Bắc. Cùng với đó, tích cực đưa sản phẩm đến các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh nhằm giới thiệu với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Anh Điện cho biết thêm: Tham gia công tác đoàn của xã chính là lợi thế để tôi tiếp cận các cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh. Bên cạnh hiện thực hóa ý tưởng, tham gia các cuộc thi khởi nghiệp, tôi cũng tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích đoàn viên, thanh niên trên địa bàn phát huy tính sáng tạo trong lao động, sản xuất, tích cực thực hiện các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện ở địa phương để nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Dự án sản xuất sản phẩm khô heo mác mật là mô hình sản xuất bền vững, góp phần đáng kể cho phát triển kinh tế tại địa phương khi mỗi tháng cơ sở sản xuất tiêu thụ khoảng 1 tấn thịt lợn, cùng đó, sẽ tạo đầu ra ổn định cho các hộ trồng cây mác mật trong vùng. Tại cuộc thi dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2021 do Tỉnh đoàn Lạng Sơn tổ chức, dự án sản xuất sản phẩm khô heo mác mật của anh Dương Hữu Điện đã đạt giải ba và được các thành viên ban giám khảo đánh giá cao về ý nghĩa đối với xã hội.
Ý kiến ()