Khởi nghiệp từ món thịt chua Xứ Lạng
– Với mong muốn giới thiệu, quảng bá ẩm thực đặc trưng của quê hương, chị Dương Bích Diệp, giáo viên Trường THCS Hoàng Văn Thụ (thành phố Lạng Sơn) đã cùng các em học sinh lên ý tưởng về dự án khởi nghiệp sản xuất thịt chua Xứ Lạng. Sản phẩm được đánh giá cao về tiềm năng phát triển và cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ.
Thịt chua là món ăn truyền thống của dân tộc Tày, huyện Bắc Sơn. Món ăn này thường xuất hiện trong các bữa cơm gia đình ngày lễ, tết, mang đậm giá trị văn hóa dân tộc. Vì chỉ xuất hiện trong các bữa cơm gia đình nên nhiều người chưa có cơ hội được thưởng thức món ăn hấp dẫn này.
Chị Dương Bích Diệp bên các sản phẩm do chị sản xuất thành công
Chị Dương Bích Diệp, Trưởng nhóm dự án khởi nghiệp cho biết: Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố Lạng Sơn nhưng từ bé mỗi lần về quê nội (huyện Bắc Sơn) được thưởng thức món thịt chua của người Tày nơi đây. Khi quay trở lại thành phố, đôi lúc tôi thèm mùi vị đặc trưng của món thịt chua nhưng rất khó để tìm được hương vị quen thuộc đó. Do vậy, mỗi lần về quê, tôi đều theo các bác học làm món thịt chua đặc biệt này. Năm 2021, khi Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố phổ biến, chỉ đạo các nhà trường trên địa bàn tích cực tham gia Ngày hội khởi nghiệp cấp tỉnh dành cho học sinh, sinh viên, tôi đã nghĩ ngay đến ý tưởng sản xuất, giới thiệu món thịt chua của người Tày, huyện Bắc Sơn để nhiều người biết đến.
Theo đó, chị Diệp đã hướng dẫn học sinh tham gia dự án về quy trình cũng như tỉ lệ gia vị ướp để có món thịt chua thơm ngon, đúng vị nhất. Các thành viên trong nhóm phân công nhau việc, từ thái thịt, gọt su hào, cà rốt cho đến xay gia vị gừng núi đá… Thịt sau khi trộn đều sẽ được gói lại để lên men tự nhiên, sau đó bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh. Với quy cách đóng gói bắt mắt, trọng lượng phù hợp, sản phẩm thịt chua nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý. Trải qua các phần thi, dự án được đánh giá cao và giành giải nhì tại Ngày hội khởi nghiệp cấp tỉnh dành cho học sinh, sinh viên năm 2021.
Sau cuộc thi, tháng 9/2021, chị Diệp bước đầu sản xuất sản phẩm để bán ra thị trường. Khách hàng ban đầu chủ yếu là người thân, bạn bè, phụ huynh học sinh và các thầy, cô giáo mua ủng hộ. Chị Diệp cho biết thêm: Món thịt chua này là sự kết hợp giữa thịt lợn (thịt nạc vai) với các loại củ như: cà rốt, su hào và đặc biệt không thể thiếu gia vị đặc trưng là gừng núi đá trồng tại huyện Bắc Sơn. Để có món thịt chua thơm ngon, chất lượng, tôi ưu tiên lựa chọn nguyên liệu tươi, an toàn. Tranh thủ thời gian ngoài giờ lên lớp, tôi tiến hành sản xuất, một phần để trả đơn khách đặt trước, một phần làm sẵn để bán cho khách có nhu cầu. Với tỉ lệ gia vị nhất định, đóng gói kỹ càng, thịt được lên men tự nhiên trong 2 ngày sau đó mới đem bảo quản.
Dần dần, sản phẩm được nhiều khách hàng biết đến, nhu cầu đặt mua ngày càng lớn, chị Diệp đầu tư mua các loại máy như: máy thái, máy hút chân không, máy trộn… để tăng năng lực sản xuất. Thường thịt chua sẽ được gói bằng lá dong, sau đó mới hút chân không; trọng lượng 500 gam/gói. Hiện nay, bên cạnh khách hàng quen thuộc, khách du lịch đến từ các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên… cũng biết đến và tìm mua sản phẩm về thưởng thức và làm quà. Hiện, trung bình mỗi tháng chị Diệp xuất bán ra ngoài thị trường từ 250 đến 300 gói thịt chua với giá 80.000 đồng/gói. Ngoài sản phẩm thịt chua Xứ Lạng, chị Diệp còn sản xuất gia vị làm bằng quả mắc mật dùng trong ướp thịt hoặc làm nước chấm.
Ông Nguyễn Hoàng Long, khách du lịch đến từ thành phố Hải Phòng cho biết: Năm 2021, tôi có dịp đến Lạng Sơn và được thưởng thức món thịt chua Xứ Lạng. Vị ngon đặc biệt của món ăn này khiến tôi nhớ mãi. Từ đó đến nay, mỗi lần lên Lạng Sơn tôi đều ghé mua sản phẩm này về thưởng thức và làm quà cho người thân.
Năm 2022, chị Diệp tiếp tục đưa sản phẩm thịt chua Xứ Lạng tham gia cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh. Với tiềm năng phát triển, dự án đã được ban tổ chức đánh giá cao và là 1 trong 13 dự án được vào vòng chung khảo của cuộc thi.
Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, chị Diệp cho biết: Tôi dự kiến sẽ mở xưởng sản xuất, đầu tư thêm các loại máy móc hỗ trợ. Cùng đó, tiếp tục sản xuất thêm sản phẩm thịt chua làm bằng thịt lợn ba chỉ; mở rộng ký gửi bán hàng tại các nhà nghỉ; các gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng trên địa bàn thành phố… hướng đến phát triển thành sản phẩm OCOP của tỉnh.
Ý kiến ()