Khởi nghiệp từ mô hình sản xuất, kinh doanh rau mầm hữu cơ
– Rau mầm là loại rau có nhiều dinh dưỡng, dễ trồng, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Chính vì vậy, nhóm giảng viên và sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc đã khởi nghiệp từ mô hình sản xuất và kinh doanh rau mầm hữu cơ.
Sản phẩm rau mầm được Ban Giám khảo Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2023 đánh giá cao
Rau xanh là thực phẩm quan trọng, thiết yếu trong mỗi bữa cơm hằng ngày. Bên cạnh những loại rau thông thường theo mùa thì rau mầm là một loại rau có giá trị dinh dưỡng cao, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như: trộn dầu, xào, nấu súp, nhúng tái, ăn kèm với các loại thịt, hải sản…Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm này. Tại một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi tuy có cung cấp nhưng với giá thành rất cao. Từ thực tế đó, nhóm giảng viên và sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc gồm: Hoàng Thị Phương, Phạm Ngọc Phương, Hoàng Văn Trường đã có ý tưởng khởi nghiệp từ mô hình sản xuất và kinh doanh rau mầm hữu cơ.
Chị Hoàng Thị Phương, Giảng viên Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc, Trưởng nhóm khởi nghiệp cho biết: Rau mầm mà chúng tôi sản xuất và hướng đến là rau mầm hữu cơ với tiêu chí “4 không”: không sử dụng phân bón, chất kích thích hoặc điều hòa sinh trưởng; không thuốc trừ sâu bệnh; không phân hóa học và không dùng nước nhiễm bẩn nhằm đem lại cho người tiêu dùng sản phẩm an toàn cho bữa ăn hằng ngày.
Nguyên liệu để sản xuất rau mầm gồm: xơ dừa, trấu hun, hạt giống (củ cải trắng, củ cải đỏ, rau muống, lúa mạch…). Trong đó, hạt giống được sử dụng để trồng rau mầm là hoạt giống chuyên dụng, nhập khẩu từ nước ngoài không chứa các hóa chất chống sâu bệnh, kích thích tăng trưởng… Giá thể trồng không chứa các hóa chất gây hại, có thể tái sử dụng nhiều lần.
Nhóm giảng viên và sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc bắt đầu sản xuất rau mầm hữu cơ từ tháng 10/2022, trong cơ sở khoảng 30m2, mỗi tháng cho ra thị trường khoảng 40kg rau mầm các loại, chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn và người dân trên địa bàn huyện. Hiện giá bán rau mầm tại vườn là 40.000 đồng/kg mầm củ cải trắng, 70.000 đồng/kg mầm củ cải đỏ, mầm rau muống và 250.000 đồng/kg mầm lúa mạch. Tuy có giá thành cao hơn so với những loại rau thông thường nhưng rau mầm có thể sử dụng được toàn phần mà không phải nhặt bỏ phần nào, đặc biệt giá trị dinh dưỡng cao nên bước đầu được người tiêu dùng đón nhận. Trừ các chi phí như hạt giống, nhân công mỗi tháng nhóm có thu nhập khoảng 2 triệu đồng (trên diện tích 30m2).
Chị Hoàng Thị Lan, thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng cho biết: Tôi rất thích các món ăn được chế biến từ rau mầm bởi nó có hương vị độc đáo, giải ngán tốt lại có nhiều dinh dưỡng. Từ khi trên địa bàn huyện có cơ sở sản xuất rau mầm tôi thường đưa loại rau này vào bữa cơm gia đình.
Chị Hoàng Thị Phương cho hay, theo tìm hiểu của chúng tôi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh thành lân cận như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội chưa có nhiều cơ sở sản xuất và kinh doanh rau mầm, trong khi nhu cầu sử dụng rau mầm của người tiêu dùng ngày càng cao. Chính vì vậy, khi UBND tỉnh phát động Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2023 chúng tôi đã tham gia với mong muốn được tham gia các hội chợ, hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm đưa sản phẩm rau mầm hữu cơ của mình đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, tiến tới mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Tại Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2023, ý tưởng khởi nghiệp từ mô hình sản xuất và kinh doanh rau mầm đã xuất sắc lọt vào vòng chung kết và được Ban Giám khảo đánh giá cao về khả năng thành công, chi phí đầu tư thấp, quay vòng vốn nhanh, không tạo ra rác thải trong quá trình sản xuất, quy mô sản xuất có thể điều chỉnh linh hoạt theo nhu cầu thị trường. Tin rằng, thời gian tới sản phẩm rau mầm hữu cơ của thầy và trò Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc sẽ có mặt tại nhiều thị trường, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Ý kiến ()