Khởi nghiệp từ giảng đường
Bắt đầu con đường khởi nghiệp ngay trên ghế giảng đường đại học đang là xu thế, lựa chọn của nhiều sinh viên Việt Nam.
Đặc biệt, từ khi Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 1665) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 10-2017, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chủ trì thực hiện, phong trào khởi nghiệp của sinh viên có bước phát triển mạnh mẽ. Theo đó, hàng trăm ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên “bước” ra khỏi cổng trường để đi vào cuộc sống. Kết quả đạt được bước đầu cũng gợi mở những hướng đi phù hợp.
Khắc phục tình trạng “đào tạo chay”
Đến bây giờ, nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn vẹn nguyên cảm xúc hạnh phúc khi được xướng tên cho giải thưởng cao nhất tại Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” (SV Startup 2019), với đề tài “Ứng dụng công nghệ 3D chế tạo sản phẩm phục vụ y tế, giáo dục”.
Nguyễn Thành Quyết, thành viên nhóm tác giả thổ lộ: “Ý tưởng xuất hiện khi chúng tôi nhận thấy nhu cầu ghép, thay thế xương bị hỏng của người bệnh tương đối cao. Nhóm tìm đến một loại nhựa sinh học để tạo ra các mảnh xương thay thế phần đã hỏng, với ưu điểm nhẹ, độ bền cao và bảo đảm tính thẩm mỹ do được làm riêng cho từng bệnh nhân. Đến nay, sản phẩm nghiên cứu của nhóm đã được ghép thành công cho một số bệnh nhân của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội”.
Sản phẩm kể trên là một trong số nhiều dự án, đề tài ra đời từ các giải pháp hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Là một trong 3 trường đại học được Bộ GD&ĐT lựa chọn thí điểm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới từ năm 2019, các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp và sáng tạo của sinh viên được nhà trường triển khai đồng bộ và đẩy mạnh. Theo đó, trong công tác đào tạo, các học phần về văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp được xây dựng để sinh viên làm quen với các kỹ năng khởi nghiệp thực tế.
Nhà trường cũng cử nhiều cán bộ theo chương trình đào tạo về sáng tạo, khởi nghiệp. Nhiều cuộc thi về ý tưởng và khởi nghiệp cấp viện, cấp trường được tổ chức, bảo đảm những ý tưởng và dự án tiềm năng có thể tiếp cận đến đông đảo công chúng. Đặc biệt, đầu năm 2021, nhà trường chính thức ra mắt Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo-BK Fund, hỗ trợ tài chính cho các dự án khởi nghiệp có tiềm năng. Theo ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng quản lý BK-Fund, quỹ đầu tư vào mỗi dự án khoảng 1 tỷ đồng, kéo dài từ 4 đến 5 năm, đồng thời là cầu nối giữa sản phẩm và doanh nghiệp.
Thực hiện Đề án 1665, Trường Đại học Tiền Giang là một trong những đơn vị đầu tiên đưa môn học khởi nghiệp vào chương trình đào tạo. Bên cạnh đó, nhà trường hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo bằng nhiều hình thức, như: Tổ chức các buổi tọa đàm, cuộc thi khởi nghiệp sinh viên; thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp của sinh viên; kết nối các nhóm sinh viên có dự án khởi nghiệp cần sự hỗ trợ hoặc tư vấn với các doanh nghiệp; kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ tài chính và chia sẻ kinh nghiệm cho các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của sinh viên.
PGS, TS Võ Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang cho biết: “Nhờ sự hỗ trợ và đồng hành của nhà trường, trong nhiều năm liền, sinh viên nhà trường tham gia và đoạt nhiều giải của cuộc thi Mekong Startup. Năm 2020, sinh viên nhà trường đoạt một giải nhất và một giải nhì Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka”.
Sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành lọt vào tốp 10 đội xuất sắc nhất tại Cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách khoa 2020, với chế phẩm tảo nguyên liệu ATER (ảnh chụp tháng 3-2021). Ảnh: TRẦN THÀNH |
Là một trong những trường khối kỹ thuật đi tiên phong với việc xây dựng mô hình hỗ trợ khởi nghiệp trong cơ sở đào tạo, Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải đã thực hiện nhiều hoạt động giúp sinh viên khởi nghiệp, đem lại những kết đáng ghi nhận. Trường có dự án lọt vào tốp 60 của cuộc thi khởi nghiệp quốc gia theo Đề án 1665.
Ngoài ra, nhà trường còn tham gia các hoạt động kết nối, xây dựng môi trường khởi nghiệp, như: Ký kết hình thành mạng lưới đổi mới sáng tạo Thủ đô; ký biên bản ghi nhớ với Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội về việc xây dựng vườn ươm tạo ngay trong trường…
Một trong những kết quả nổi bật sau 4 năm thực hiện Đề án 1665 là làm thay đổi nhận thức, cách tiếp cận của các nhà trường và sinh viên về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khắc phục đáng kể tình trạng “đào tạo chay”, nặng về lý thuyết bằng cách tạo môi trường học tập gắn liền với thực tế.
Đến nay, số lượng cơ sở giáo dục đại học đưa nội dung khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn tăng từ 15% (cuối năm 2018) lên 30% với tối thiểu một tín chỉ/môn học; 70% cơ sở đào tạo tổ chức các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp; 50% các trường thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh của các cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, 70 cơ sở đào tạo bố trí được không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên; 45 cơ sở đào tạo thành lập các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, bằng sự nỗ lực, quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo và cán bộ tham mưu tại các nhà trường, một số mô hình hỗ trợ khởi nghiệp đã rất thành công, tạo bước đệm vững chắc cho sinh viên trên con đường khởi nghiệp, sáng tạo.
Kết nối nhà trường với doanh nghiệp
Mặc dù có những vườn ươm khởi nghiệp khá phát triển, tạo bệ phóng để sinh viên khởi nghiệp, song hoạt động khởi nghiệp tại một số trường đại học còn tồn tại một số hạn chế. Mới đây, tại tọa đàm “Xây dựng các mô hình hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học” do Bộ GD&ĐT tổ chức, các đại biểu thẳng thắn nêu thực trạng về mô hình tổ chức hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, nhận thức của sinh viên, giảng viên và nhà trường ở một số nơi còn hạn chế; sự hỗ trợ của các bên liên quan chưa vững chắc, đặc biệt trong sự phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường còn thiếu thông tin, cơ chế.
Để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong sinh viên, theo các chuyên gia, lãnh đạo các trường đại học, doanh nghiệp, nhà trường cần xác định rõ vai trò là nguồn cung tài năng và công nghệ; đồng thời có giải pháp phát hiện, bồi dưỡng sinh viên có thiên hướng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Từng nhà trường xây dựng hệ thống hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp toàn diện; nâng cao hiệu quả hỗ trợ, tư vấn cho sinh viên phát triển các ý tưởng thành sản phẩm phục vụ cuộc sống, trở thành hàng hóa mang lại lợi nhuận.
Bên cạnh việc xây dựng và phát triển các không gian khởi nghiệp, các trường tăng cường phối hợp với doanh nghiệp, hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp thông qua hoạt động trải nghiệm tại doanh nghiệp; xây dựng dự án khởi nghiệp theo yêu cầu, đặt hàng của doanh nghiệp nhằm tạo môi trường, động lực, khuyến khích sinh viên tham gia hoạt động khởi nghiệp. Ngược lại, các doanh nghiệp cần có cơ chế hỗ trợ đối với các cơ sở đào tạo xây dựng môi trường khởi nghiệp và hỗ trợ học sinh, sinh viên để thương mại hóa các sản phẩm đổi mới sáng tạo.
Việc áp dụng mô hình hợp tác, đối tác giữa cơ sở giáo dục với cộng đồng doanh nghiệp sẽ giúp sinh viên có cơ hội được đào tạo với thiết bị, vật liệu và môi trường thích hợp, loại bỏ khoảng cách giữa học “chay” trên lớp với tiếp cận theo nhu cầu phát triển kỹ năng nghề nghiệp thỏa mãn nhu cầu xã hội. Ngành GD&ĐT cần chú trọng xây dựng các bộ tài liệu mang tính thực tiễn để nhân rộng kinh nghiệm khởi nghiệp của sinh viên; phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành chức năng để triển khai các đề án lớn của sinh viên…
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, bộ sẽ tiếp tục tạo môi trường, hỗ trợ nguồn vốn, thúc đẩy hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp; đồng thời chỉ đạo các nhà trường đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, theo hướng lồng ghép nội dung, thời lượng các môn học khởi nghiệp, kỹ năng khởi nghiệp vào chương trình chính khóa hoặc ngoại khóa một cách phù hợp; đẩy mạnh xây dựng và phát triển các không gian khởi nghiệp. Bản thân mỗi sinh viên cần chủ động hơn trong việc đưa ra ý tưởng khởi nghiệp khả thi, kết nối với nhà đầu tư để hiện thực hóa ý tưởng vào cuộc sống.
Ý kiến ()