Khởi nghiệp từ các sản phẩm thảo mộc
– Nắm bắt xu hướng tiêu dùng những sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, an toàn, có lợi cho sức khỏe, nhóm học sinh Trường THPT Lộc Bình, huyện Lộc Bình đã có ý tưởng khởi nghiệp “Sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ thảo mộc”.
Trên địa bàn huyện Lộc Bình có nhiều loại hoa, cây dược liệu có tác dụng tích cực với sức khỏe được dân gian sử dụng rộng rãi như: rau má, rau diếp cá, hoa hồng, hoa cúc, hoa sen, hoa nhài, thèn đen, vú bò, long não… Đây là những cây có giá trị dinh dưỡng cao, được dùng để chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ điều trị bệnh. Chính vì vậy, từ tháng 9/2020, nhóm học sinh lớp 12A1, Trường THPT Lộc Bình gồm: Vy Thành Trung, Hoàng Thị Phương Thảo, Lưu Hồng Quân, Ngô Thị Ánh Quỳnh, Đinh Thành Nam đã nghiên cứu triển khai dự án khởi nghiệp “Sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ thảo mộc”. Dự án nhằm tạo ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu thưởng thức, chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe cho người tiêu dùng.
Các sản phẩm của nhóm nghiên cứu sản xuất thành công
Em Vy Thành Trung, Trưởng nhóm cho biết: Lấy thương hiệu là “Thảo mộc Xứ Lạng”, nhóm chúng em đã nghiên cứu, cho ra thị trường 3 dòng sản phẩm chính: mộc sắc (gồm các loại trà hoa, trà thảo mộc được sấy khô hoặc sấy khô tán bột như: hoa hồng, cúc trắng, cúc vàng, cúc bách nhật, hoa nhài, tâm sen, bột diếp cá, rau má, trà xanh, nghệ), mộc vị (gia vị từ quả mắc mật, thuốc tắm thảo mộc) và thuốc tắm thảo mộc (là các vị thuốc được phơi khô, nghiền nhuyễn, sử dụng cho phụ nữ mới sinh, trẻ sơ sinh hoặc hỗ trợ điều trị cho người mắc bệnh thủy đậu).
Nguyên liệu thô được cung cấp từ các nhà vườn đã qua sơ chế, loại bỏ hoa, lá, củ bị sâu bệnh, sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt, không sử dụng phân bón, thuốc hóa học trong sản xuất nhằm tạo nguồn nguyên liệu đầu vào an toàn. Nguyên liệu được làm sạch, đem sấy ở nhiệt độ từ 15 đến 50 độ C. Do được sấy ở nhiệt độ thấp nên màu sắc và mùi vị của các loại nguyên liệu được giữ gần như nguyên vẹn. Khi các nguyên liệu đã khô thì tùy sản phẩm và nhu cầu thị trường mà đóng gói hoặc tiếp tục nghiền thành dạng bột mịn. Các sản phẩm được đóng gói, hộp từ 50 gram đến 1 kg tùy loại. Giá bán từ 70.000 đồng đến 150.000 đồng/sản phẩm. So với những sản phẩm cùng loại trên thị trường, giá thành nhóm kinh doanh đưa ra và cách thức đóng gói rất cạnh tranh, bắt mắt.
Với các sản phẩm sau khi chế biến, nhóm đã chủ động lấy mẫu gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để kiểm tra chỉ tiêu về sinh hóa. Khi sản phẩm an toàn mới đưa ra thị trường. Tận dụng một số máy móc sẵn có của gia đình, nhóm đã thử nghiệm đưa sản phẩm ra thị trường từ tháng 10/2020 đến tháng 7/2021, mỗi tháng, nhóm bán được hàng trăm sản phẩm thông qua kênh bán hàng trực tiếp, thương mại điện tử cho lợi nhuận từ 13 đến hơn 30 triệu đồng/tháng. Theo tính toán của nhóm, để hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh, nhóm cần vốn đầu tư khoảng 200 triệu đồng đầu tư mua sắm thiết bị, chi phí quản lí tài chính, bao bì, nhãn mác, thuê mặt bằng, nhân công… Mỗi tháng, trừ chi phí vận hành cơ sở sản xuất khoảng 60 triệu đồng thì lợi nhuận đạt được khoảng 20 triệu đồng.
Ông Lưu Bá Mạc, Trưởng Phòng Quản lý công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Tổng thư ký Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2021 cho biết: Ý tưởng “Sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ thảo mộc” có tính thực tiễn cao, sản phẩm đa dạng, bắt mắt, giá thành hợp lý, phù hợp với nhiều đối tượng người dùng. Từ thực tế thử nghiệm cho thấy, sản phẩm được nhiều người tiêu dùng đón nhận. Tại Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2021, sản phẩm đã đạt giải khuyến khích.
Hiện nhóm nghiên cứu đang tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh để tập trung ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia năm học 2021 – 2022. Sau kỳ thi, nhóm sẽ tiếp tục đầu tư, hiện thực hóa ý tưởng. Nếu ý tưởng được hiện thực hóa thì sẽ không chỉ tạo thu nhập cho các thành viên trong nhóm mà còn giúp nông dân trên địa bàn tỉnh có hướng sản xuất mới là cung cấp các loại thảo mộc để chế biến sản phẩm.
Ý kiến ()