Khởi nghiệp thành công từ sản xuất than sạch
(LSO) – Sau gần một năm hoạt động, mô hình sản xuất than sạch không khói của anh Lý Văn Vương, sinh năm 1987, ở thôn Ao Kham – Làng Cầu, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng đã bước đầu mang lại hiệu quả, cho thu nhập 500 triệu đồng/năm.
Năm 2010, anh Vương tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y Lạng Sơn, năm 2012, tốt nghiệp Trường Trung cấp Y Hà Nội, dù đã đi làm ở một vài nơi nhưng anh không theo được nghề mình học. Năm 2015, anh Vương thuê địa điểm để mở xưởng ép củi chấu tại thành phố Lạng Sơn. Năm 2016, qua tìm hiểu và nhận thấy nhu cầu dùng than để nướng đồ ăn của các nhà hàng trên địa bàn, anh chuyển sang làm than sạch không khói.
Giữa năm 2018, sau khi bước đầu thành công với nghề làm than sạch, anh Vương quyết định trở về quê hương – nơi mình sinh ra để gây dựng cơ sở, phát triển kinh tế gia đình bằng nghề làm than sạch không khói. Về địa điểm mới, ngoài kiến thức và kinh nghiệm, kỹ thuật đã có, anh phải bắt tay gây dựng cơ sở từ đầu. Anh Vương đã mạnh dạn vay 500 triệu đồng của ngân hàng, cộng với nguồn vốn của mình và vay thêm anh em họ hàng được tổng số tiền 800 triệu đồng để đầu tư xây dựng nhà xưởng và máy móc.
Anh Lý Văn Vương giới thiệu mô hình than sạch với Chủ tịch Hội LHTN xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng
Anh Vương cho biết: Công đoạn làm than sạch phải thực hiện khá công phu, tỉ mỉ và phải có kỹ thuật, như: mùn cưa sau khi mua về đem sấy khô, ép qua nhiệt thành những thanh gỗ cứng rồi được nung trong lò từ 7 đến 15 ngày, sau đó được làm nguội mới ra thành phẩm là những thanh than sạch, đảm bảo chất lượng. Hiện xưởng than của anh Vương sản xuất gối nhau trung bình 3 ngày được một mẻ khoảng 8 tạ than, tương tương 8 tấn than/tháng, với giá trung bình 10.000 đồng/kg, một tháng thu về 80 triệu đồng, trừ chi phí thì số lãi từ làm than sạch được 40 triệu đồng/tháng.
Than sạch do anh Vương sản xuất chủ yếu được xuất bán cho các nhà hàng ở thành phố Lạng Sơn, dùng để nướng đồ ăn. Thức ăn được nướng từ sản phẩm than sạch sẽ không bị hấp thu các khí độc, không gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe. Anh Vương cho biết thêm: Hiện nay, do việc cung cấp chưa đủ nhu cầu cho các nhà hàng nên mới đây, anh đã đầu tư 100 triệu đồng để mua máy sấy thùng quay cho dây chuyền sản xuất, khi hoàn thành sẽ nâng công suất sản lượng lên cao hơn. Dự kiến một tháng sẽ thu được 15 tấn than, đồng thời sẽ tạo việc làm cho 3 lao động địa phương với thu nhập từ 6,5 đến 7 triệu đồng/tháng.
Thành công bước đầu chỉ sau gần một năm gây dựng cơ sở sản xuất than sạch không khói tại quê nhà đã cho thấy sự mạnh dạn, nhạy bén và dám nghĩ, dám làm của thanh niên Lý Văn Vương đang là hướng đi đúng đắn. Anh Vương cho biết: Nghề sản xuất than này phù hợp với ở nông thôn và nếu có bạn nào muốn mở xưởng sản xuất than thì tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ về kỹ thuật. Thực tế, anh Vương đã chuyển giao kỹ thuật cho hai người bạn ở Bắc Giang và Cao Bằng, mô hình của họ đã và đang phát triển ổn định.
Chị Hoàng Thu Hương, Bí thư Đoàn Thanh niên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) xã Tân Thành cho biết: Đoàn xã và Hội LHTN xã đã tổ chức cho đoàn viên thanh niên trong xã đến tham quan, học hỏi mô hình của đồng chí Vương. Qua đó, không chỉ giúp đoàn viên thanh niên học tập được mô hình mà còn giúp họ học được sự kiên trì, chịu khó của đồng chí Vương để xây dựng chí hướng, định hướng riêng cho bản thân mình trong phát triển kinh tế.
Với những kết quả đó, tại Đại hội đại biểu lần thứ VI nhiệm kỳ 2019 – 2024 do Hội LHTN Việt Nam huyện Hữu Lũng tổ chức đầu tháng 7/2019, anh Lý Văn Vương là một trong chín cá nhân được Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng tặng giấy khen vì có thành tích trong phong trào thi đua và công tác thanh niên, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của huyện giai đoạn 2014 – 2019.
Ý kiến ()