Khởi nghiệp thành công từ mô hình nuôi chim cu gáy Pháp
– Nuôi chim cu gáy Pháp không tốn nhiều diện tích chuồng trại, ít dịch bệnh, dễ chăm sóc, phù hợp với tập quán và điều kiện khí hậu tỉnh Lạng Sơn. Đây là mô hình khởi nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao của một thanh niên ở huyện Hữu Lũng.
Chim cu gáy có tiếng hót hay, nhiều hình thái lông đẹp nên thường được nhiều người nuôi để làm cảnh. Cùng đó chim cu gáy còn được biết đến là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, có nhiều công dụng rất tốt cho sức khỏe con người. Nhận thấy thịt chim cu gáy Pháp đang là món ăn đặc sản trong các nhà hàng, được nhiều người ưa chuộng, anh Ngô Văn Quang, xã Yên Bình, huyện Hữu Lũng đã có ý tưởng khởi nghiệp từ mô hình chăn nuôi loại chim này. Nghĩ là làm, năm 2019, gia đình anh đi học tập quy trình chăm sóc từ các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang và bắt tay vào xây dựng mô hình chăn nuôi chim cu gáy Pháp sinh sản, thương phẩm, chim cảnh.
Thành viên gia đình anh Ngô Văn Quang chăn nuôi chim cu gáy Pháp
Anh Ngô Văn Quang cho biết: Lúc đầu gia đình tôi chăn nuôi 100 đôi chim. Do chim ưa khí hậu ấm, ổn định, trong khi đó vào mùa đông, nhiệt độ trên địa bàn tỉnh thấp, có rét đậm, rét hại nên chim cu gáy Pháp khó thích nghi, sinh trưởng và phát triển kém. Hơn nữa, do tôi mới bắt tay vào chăn nuôi nên chưa có kinh nghiệm, chưa nhận biết được biểu hiện khi chim mới mắc bệnh làm cho tỷ lệ chim mắc bệnh và hao hụt tới 30% tổng đàn. Sau một thời gian vừa làm vừa học và rút kinh nghiệm nên gia đình tôi cũng dần khắc phục được khó khăn.
Thức ăn của chim cu gáy là các loại ngũ cốc dễ kiếm như: thóc, cám, ngô, đỗ xanh, kê, hạt cải… Để sức sinh sản và phát triển của chim cu gáy Pháp ổn định, bên cạnh thu mua các loại thức ăn sẵn từ người dân trong vùng, anh Quang còn nhập thức ăn chăn nuôi chim từ các công ty có uy tín. Cùng đó, bổ sung các loại thảo dược từ các cửa hàng thuốc thú y nhằm tăng cường sức đề kháng, giúp chim tiêu hóa tốt và hấp thụ thức ăn tối đa. Chuồng nuôi chim được bố trí với nền lát xi-măng, mái lợp bằng pro xi-măng, xung quanh xây gạch với chiều cao 1 m và được che chắn xung quanh bằng lưới. Đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Trong quá trình nuôi chim cu gáy Pháp thương phẩm, những con có hình thái đẹp, tiếng hót hay, anh Quang tách riêng để chăm sóc, huấn luyện thành chim cảnh để tăng giá trị thu nhập.
Hiện gia đình anh Quang đang phát triển mô hình chăn nuôi chim cu gáy Pháp với số lượng 1.000 đôi chim sinh sản. Mỗi tháng gia đình anh xuất ra thị trường khoảng 1.500 con chim thương phẩm với doanh thu khoảng 70 triệu đồng/tháng. Trừ các chi phí chăn nuôi, mỗi tháng gia đình có thu nhập hơn 10 triệu đồng. Thị trường cho sản phẩm chim cu gáy Pháp thương phẩm của gia đình anh là các nhà hàng tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, thành phố Lạng Sơn… Gần đây, gia đình anh Quang không còn phải tìm kiếm thị trường mà có tiểu thương trực tiếp đến trang trại thu mua với giá từ 90.000 đồng đến 110.000 đồng/đôi. Ngoài ra, những con chim có hình thái đẹp, tiếng hót hay được người nuôi chim cảnh ưa chuộng cũng mang về cho gia đình nguồn thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng/năm (1 đến 2 triệu đồng/con).
Anh Đỗ Văn Thuần, Phó Bí thư Huyện đoàn Hữu Lũng, Trưởng Ban Giám khảo Cuộc thi Thanh niên khởi nghiệp huyện Hữu Lũng lần thứ 4 năm 2022 cho biết: Tại Cuộc thi Thanh niên khởi nghiệp huyện Hữu Lũng lần thứ 4 năm 2022, mô hình chăn nuôi chim cu gáy Pháp sinh sản, chim cu gáy Pháp thương phẩm, chim cảnh của anh Ngô Văn Quang đạt giải nhì. Mô hình mang hiệu quả kinh tế cao và có tính ứng dụng trong thực tiễn. Đây cũng là mô hình mà thanh niên trên địa bàn huyện có thể học hỏi để khởi nghiệp nhanh, bền vững.
Qua mô hình này có thể thấy, chăn nuôi chim cu gáy Pháp, người chăn nuôi có thể chủ động con giống, không tốn nhiều thức ăn, chuồng trại không tốn nhiều diện tích, đặc biệt thị trường tiêu thụ lớn, thời gian thu hồi vốn nhanh. Mô hình có thể nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()