Khởi nghiệp sáng tạo: Ươm mầm “hạt giống” doanh nhân
(LSO) – Từ Kế hoạch số 143 của UBND tỉnh ngày 14/8/2017 về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2017 – 2020 và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nhiều ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của các tầng lớp nhân trên địa bàn tỉnh đã trở thành hiện thực, làm tiền đề phát triển những mô hình doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân trên địa bàn.
Khơi nguồn ý tưởng khởi nghiệp
Ngay khi Kế hoạch số 143 được ban hành, Sở Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin Truyền thông, Tỉnh Đoàn, UBND các huyện, thành phố, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và các cơ quan có liên quan xây dựng, vận hành Trang thông tin điện tử khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh để tuyên truyền, cung cấp thông tin hỗ trợ cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp; doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên việc khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, và đặc biệt là khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Theo đó, từ năm 2017 đến nay đã có hơn 200 ý tưởng khởi nghiệp được đăng ký, đa số đều xuất phát từ khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và đã có những ý tưởng trở thành hiện thực, bước đầu cho kết quả kinh tế cao. Điển hình như trường hợp anh Phạm Tuấn Hoàng, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc. Nắm bắt được nhu cầu thực tế trong các hoạt động vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh, anh Hoàng đã có ý tưởng xây dựng sàn giao dịch vận tải hàng hóa kết nối chủ hàng với chủ xe qua ứng dụng điện thoại. Vận dụng kiến thức công nghệ thông tin, anh đã hiện thực hóa ý tưởng bằng phần mềm ứng dụng IZIVAN.
Nhà đầu tư trao kinh phí hỗ trợ dự án cho chủ nhân các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo
Anh Phạm Tuấn Hoàng cho biết: Được sự quan tâm, tạo điều kiện của các sở, ngành, từ chương trình khởi nghiệp tôi đã nhanh chóng hoàn thiện thủ tục để thành lập Công ty TNHH Công nghệ và Đầu tư IZIVAN. Đồng thời đưa dự án ứng dụng sàn giao dịch vận tải hàng hóa kết nối chủ hàng với chủ xe qua ứng dụng điện thoại tham dự cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lạng Sơn năm 2019. Ý tưởng của tôi đã đạt giải ba, kêu gọi được 20.000 USD từ các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Hiện ứng dụng IZIVAN đã được triển khai tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị với 2 chức năng chính là tìm xe và tìm hàng. Bước đầu đã nhận được sự quan tâm và sử dụng của các chủ hàng, chủ xe.
Từ nông sản đặc trưng là hoa hồi, anh Liễu Văn Toàn, xã Phú Xá, huyện Cao Lộc đã thành công với ý tưởng sản xuất xà phòng hương hồi. Có ý tưởng từ tháng 9/2016, với kiến thức về vật lý – hóa học của người thầy giáo dạy tự nhiên ở cấp phổ thông trung học, đến đầu năm 2017, anh Toàn đã có sản phẩm “xà phòng hương hồi” cung cấp ra thị trường. Với hương liệu tự nhiên, sản phẩm đã nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận. Đặc biệt, đây là ý tưởng đã giành giải nhất tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lạng Sơn năm 2019.
Anh Liễu Văn Toàn chia sẻ: “Sản phẩm đang bán ra thị trường nhiều nhất là xà phòng nha đam hương hồi và xà phòng than hoạt tính hương hồi. Ngoài xà phòng dạng rắn, tôi đã nghiên cứu thành công và tạo ra sản phẩm xà phòng tắm hương hồi dạng lỏng và thêm các mùi hương bạc hà, quế, hoa hồng, sả… để phục vụ khách hàng. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, tôi cung cấp ra thị trường từ 80 đến 100 sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài tỉnh”.
Ngoài các ý tưởng điển hình trên, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã có nhiều thanh niên, phụ nữ khởi nghiệp thành công bằng sự tự tin, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm ngay từ những việc tưởng như đơn giản. Như dự án phát triển thực phẩm an toàn từ bún ngô truyền thống của chị Bế Thị Lan Anh huyện Đình Lập; mô hình kinh doanh ứng dụng kết nối giữa doanh nghiệp và người giao hàng của nhóm thanh niên thành phố Lạng Sơn,… Đây chính là kết quả của các chương trình hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp và là nền móng phát triển đội ngũ doanh nhân Lạng Sơn.
Phát triển đội ngũ doanh nhân
Dễ dàng nhận thấy, trong thời gian qua, cả nước nói chung tỉnh Lạng Sơn nói riêng, phong trào khởi nghiệp ngày càng sôi nổi và bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Hưởng ứng tinh thần khởi nghiệp và các chủ trương của tỉnh về khởi nghiệp, các cấp, ngành đã chủ động phối hợp với các tổ chức doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền, vận động, tập hợp nguồn lực, tạo lập môi trường thuận lợi thúc đẩy, tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ các tập thể, cá nhân và đoàn viên thanh niên khởi nghiệp; cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên
Bà Phùng Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Thực hiện tinh thần khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh, sở đã chỉ đạo các phòng chuyên môn chủ động hỗ trợ, hướng dẫn cá nhân, tổ chức thực hiện các thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, nhất là những trường hợp có ý tưởng, dự án mới, lần đầu triển khai. Qua theo dõi của ngành, bình quân 3 năm gần đây mỗi năm có từ 400 đến 500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, và một điều đáng mừng là trong số đó có trên 40% doanh nghiệp có chủ là đoàn viên thanh niên và phụ nữ được hiện thực hóa từ ý tưởng khởi nghiệp.
Thực tế cho thấy, anh Phạm Tuấn Hoàn, Liễu Văn Toàn hay chị Bế Thị Lan Anh … đã trở thành doanh nhân thực thụ khi hiện thực hóa thành công ý tưởng khởi nghiệp của mình. Tinh thần khởi nghiệp của tỉnh càng phát huy mạnh mẽ hơn khi đã có những ý tưởng mang tính khả thi cao được hình thành từ các đoàn viên, thanh niên còn ngồi trên ghế nhà trường, như nhóm học sinh: Vi Hoàng Lan, Lê Thị Hiền, Vi Thị Hồng Nhung và Lành Thanh Tùng đã được giải ba tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lạng Sơn năm 2019 với ý tưởng xây dựng và phát triển thương hiệu các món ăn được chế biến từ đặc sản khoai lang Lộc Bình.
Kết thúc năm 2019, trên địa bàn tỉnh có thêm 400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp lên con số 3.000. Để hoàn thành mục tiêu tăng số lượng lên 6.500 doanh nghiệp vào năm 2025 theo Đề án phát triển doanh nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt, việc hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một chương trình quan trọng để hiện thực hóa các ý tưởng sản xuất, kinh doanh, từ đó xây dựng, hình thành các mô hình doanh nghiệp.
Ông Đoàn Bá Nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Ban Chấp hành Hiệp hội đã quán triệt đến các tổ chức hội trực thuộc và các doanh nghiệp hội viên thực hiện các giải pháp để tìm kiếm, hướng dẫn, hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp. Một mặt dành kinh phí để tài trợ cho các chương trình, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo do các cấp, ngành triển khai, một mặt lựa chọn ý tưởng có tính khả thi cao để tư vấn, tài trợ vốn đầu tư, biến ý tưởng thành hiện thực, từ đó góp phần vào sự phát triển của đội ngũ doanh nhân tỉnh nhà.

Ý kiến ()