Khởi nghĩa Bắc Sơn - khởi đầu cao trào đấu tranh vũ trang cách mạng của cả nước
LSO-Nhận thấy sự tan rã của chính quyền thực dân sau khi phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương, quân Pháp thất bại và đầu hàng, Đảng bộ Bắc Sơn đã phát động quần chúng nổi dậy cướp chính quyền, tấn công các đồn bốt và các đơn vị lính Pháp đang rút chạy, cướp vũ khí và xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng.
LSO-Nhận thấy sự tan rã của chính quyền thực dân sau khi phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương, quân Pháp thất bại và đầu hàng, Đảng bộ Bắc Sơn đã phát động quần chúng nổi dậy cướp chính quyền, tấn công các đồn bốt và các đơn vị lính Pháp đang rút chạy, cướp vũ khí và xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng.
Ngày 25 tháng 9 năm 1936, tại thôn Mỏ Tát, xã Vũ Lăng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã kết nạp 4 quần chúng trung kiên vào Đảng và tuyên bố thành lập chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở Bắc Sơn. Chi bộ gồm 4 đồng chí: Đường Văn Thông (tức Kỳ Tân) làm bí thư, Hà Khai Lạc (tức Doãn Tạo), Đường Văn Tư (tức Quang Long), Mai Huyền (tức Nguyễn Văn Phong). Việc thành lập chi bộ Đảng Cộng sản là một bước ngoặt quan trọng trong phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Bắc Sơn. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, phong trào quần chúng đã phát triển mạnh mẽ về chính trị và tổ chức. Từ sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, ngày 25 tháng 5 năm 1938, được sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, tại đồi Nà Kheo, xã Vũ Lăng, một hội nghị gồm phần lớn là các đồng chí bí thư chi bộ các xã đã tiến hành bầu được 7 đồng chí vào Ban cán sự Châu ủy, gồm: Lê Xuân Thụ, Đường Văn Thất, Hoàng Đình Ruệ, Dương Thần Tần, Lương Đình Sơn, Hoàng Việt Thành, Dương Văn Tạch. Đồng chí Lê Xuân Thụ được cử giữ chức bí thư, cơ quan thường trực đặt tại nhà đồng chí Đường Văn Thất ở Mỏ Tát, xã Vũ Lăng.
Năm 1939, đồng chí Lương Văn Tri, Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ được phân công phụ trách về quân sự của Đảng. Trên cương vị phụ trách quân sự, đồng chí đã mở nhiều lớp huấn luyện quân sự, báo hiệu thời kỳ mới của các mạng Việt Nam, thời kỳ đấu tranh vũ trang giành chính quyền.
Ngày 22 tháng 9 năm 1940, phát xít Nhật đánh vào Lạng Sơn. Thực dân Pháp hèn nhát đầu hàng, chính quyền tay sai ở khắp nơi hoang mang, lo sợ. Đám tàn binh Pháp rút chạy theo đường 1B qua Điềm He, Bình Gia, Bắc Sơn về Thái Nguyên. Đi tới đâu chúng cũng ra sức cướp bóc, bắn giết nhân dân ta tới đó, làm cho nhân dân căm thù đến cực điểm, quyết tâm nổi dậy giết giặc, giành chính quyền về tay mình.
Ngày 25 tháng 9 năm 1940, một số đồng chí đảng viên vừa thoát khỏi nhà tù Lạng Sơn về tới địa phương. Trong đó có các đồng chí Nông Văn Cún, Hoàng Đình Ruệ, Đường Văn Thức. Ngay trong đêm 26 tháng 9 năm 1940, các đồng chí đó đã họp bàn với một số đảng viên chi bộ xã Hưng Vũ, trong đó có đồng chí Dương Công Bình, Hoàng Văn Hán tại thôn Nông Lục, xã Hưng Vũ, nhận định thời cơ phát động quần chúng cách mạng nổi dậy khởi nghĩa vũ trang đã đến. Sáng ngày 27 tháng 9 năm 1940, cuộc họp do chi bộ triệu tập thống nhất các chủ trương khởi nghĩa và phát động quần chúng nhân dân tiến hành khởi nghĩa vũ trang. Đồng thời trong thời gian đó, nhân dân tự tổ chức việc thu nhặt vũ khí, tước khí giới của các toán quân lẻ để tự vũ trang. Chi bộ xác định lực lượng cách mạng là đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Ban chỉ huy khởi nghĩa nhanh chóng được thành lập gồm các đồng chí Hoàng Văn Hán, Dương Công Bình, Hoàng Đình Ruệ, Đường Văn Thức, Nông Văn Cún do đồng chí Hoàng Văn Hán làm chỉ huy trưởng. Ban khởi nghĩa đã chọn địa điểm tấn công đầu tiên là đồn Mỏ Nhài, châu lỵ Bắc Sơn.
Ngày 27 tháng 9 năm 1940, tiếng súng Bắc Sơn bùng nổ, Ủy ban khởi nghĩa đã huy động một lực lượng tự vệ phục kích toán quân Pháp ở đèo Canh Tiến, tiêu diệt 7 tên lính Pháp và giết chết 1 tên quan ba, thu súng ống. Đúng 20 giờ 30 phút, ngày 27 tháng 9 năm 1940, với 20 khẩu súng trường, 8 súng kíp, đồng bào Đàng Lang đem ủng hộ 30 hòm đạn đã mò được. Đội tự vệ vũ trang cùng 3.000 quần chúng gồm các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Hoa và Kinh thuộc các xã Tam Hoa, Hưng Vũ, Trấn Yên, Ngư Viễn dưới sự chỉ đạo của chi bộ Cộng sản xã Hưng Vũ, huy động người dân các làng xung quanh đồn Mỏ Nhài tập hợp lực lượng cùng nhau khua chiêng, gõ mõ, mang theo giáo mác, gậy gộc kéo về châu lỵ Bắc Sơn, tiến đánh đồn Mỏ Nhài, vị trí xung yếu của địch ở Bắc Sơn. Lực lượng khởi nghĩa chia làm 3 bộ phận, tiến theo hướng đã định. Một bộ phận do đồng chí Hoàng Văn Hán chỉ huy có 10 súng trường, 6 súng kíp, theo đường chính từ phía chợ tiến lên đồn. Bộ phận thứ hai gồm 6 súng trường, 4 súng kíp do đồng chí Dương Công Bình chỉ huy. Một bộ phận còn lại có 4 súng trường và một số súng kíp nữa do Tổng đoàn Phú chỉ huy. Tuy chưa có kinh nghiệm tác chiến nhưng với khí thế hùng dũng, mọi người ào ạt xông lên, vừa nổ súng vừa kêu gọi binh lính trong đồn về theo cách mạng. Tri châu Hoàng Văn Sĩ cùng một cai đội và 22 lính với trang bị đầy đủ súng ống, hoảng sợ chạy tháo thân qua đèo Canh Dàn sang Bằng Mạc. Nghĩa quân chiếm được đồn, thu 10 khẩu súng trường, 6 súng kíp, 2 gánh đạn, 1 máy chữ cùng toàn bộ sổ sách, bằng, triện. Chính quyền cai trị bị tan rã, cuộc khởi nghĩa kết thúc thắng lợi.
Chỉ trong một thời gian ngắn, quân khởi nghĩa đã làm chủ hoàn toàn đồn Mỏ Nhài. Tin vui thắng trận lan nhanh ra nhiều xã, hàng nghìn đồng bào, từ già tới trẻ, đốt đuốc kéo đến đồn Mỏ Nhài reo hò, vui sướng náo động cả một vùng đồi núi xưa nay vốn yên tĩnh. Phấn khởi trước sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân các dân tộc Bắc Sơn, đồng chí Hoàng Văn Hán thay mặt Ban chỉ huy cuộc khởi nghĩa đã nói rõ mục đích, ý nghĩa và tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến. Trật tự an ninh trong các thôn xóm từ nay do nhân dân tự đảm nhiệm.
Gần một tháng sau, ngày 16 tháng 10 năm 1940, tại xã Vũ Lăng, đội du kích Bắc Sơn chính thức được thành lập do đồng chí Trần Đăng Ninh làm chỉ huy trưởng. Như vậy Đội du kích Bắc Sơn là tổ chức lực lượng vũ trang đầu tiên của cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Sau khởi nghĩa Bắc Sơn, ngày 14 tháng 10 năm 1940, Ban cán sự Châu ủy Bắc Sơn họp ở khu rừng Sa Khao quyết định thành lập khu căn cứ du kích Bắc Sơn trên địa bàn các xã Vũ Lăng, Vũ Lễ, Hưng Vũ, Chiêu Vũ, Bắc Sơn, Hữu Vĩnh, Trấn Yên. Tháng 11 năm 1940, sau khi nghe đồng chí Trần Đăng Ninh báo cáo, Trung ương quyết định duy trì và bồi dưỡng đội du kích Bắc Sơn làm lực lượng quân sự đầu tiên cho cách mạng. Lực lượng đó phải chuyển hướng từ hoạt động quân sự sang chính trị, gây cơ sở, thành lập căn cứ du kích lấy vùng Bắc Sơn – Võ Nhai làm trung tâm. Ngày 14 tháng 2 năm 1941, tại khe suối Khuổi Nọi, xã Vũ Lễ, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã phổ biến quyết định của Trung ương về việc thành lập Đội Cứu quốc quân I. Núi rừng Khuổi Nọi vừa là nơi chứng kiến sự ra đời, vừa là nơi hoạt động của Cứu quốc quân I. Nằm ở đầu nguồn con suối Khuổi Nọi, trong cánh rừng Tam Tấu, xã Vũ Lễ, cách con đường 1B hơn 3 km, được chia làm 2 khu vực: khu phía ngoài là một dải đất rộng khoảng 1 ha, là nơi các đội viên Cứu quốc quân dựng lán trại để sinh hoạt và tập luyện quân sự; khu phía trong, tại nơi đầu nguồn con suối Khuổi Nọi, cách khu ngoài chừng 1 km là trụ sở của Ban chỉ huy. Nơi đây, khi bình thường để nhân dân dễ dàng tiếp tế, giúp đỡ cách mạng, nhưng khi có biến, anh em đội viên có thể mau chóng rút sang Võ Nhai (Thái Nguyên) để về xuôi.
Từ căn cứ chiến khu Bắc Sơn -Võ Nhai ra đời, đã mở rộng đến huyện Phú Lương, Định Hóa, Đại Từ (Thái Nguyên), Sơn Dương (Tuyên Quang), Chợ Đồn (Bắc Cạn)… góp phần quan trọng trong việc xây dựng khu giải phóng của Đảng trước Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
73 năm đã trôi qua, khởi nghĩa Bắc Sơn mãi mãi là mốc son lịch sử sáng ngời, là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn cổ vũ, động viên chúng ta không ngừng nỗ lực, phấn đấu, đóng góp nhiều hơn nữa trí tuệ vào công cuộc đổi mới, xây dựng Lạng Sơn ngày càng giàu đẹp, văn minh.
MAI TÙNG
Ý kiến ()