Khởi nghĩa Bắc Sơn- Dấu mốc quan trọng dẫn tới thành công của Cách mạng Tháng Tám
LSO - Dưới thời Pháp thuộc, xã Hưng Vũ nằm trong Tổng Bắc Sơn, châu Bắc Sơn, với địa hình là một thung lũng lớn, hai bên lại có núi đá cao vút dựng đứng, nên về quân sự có vị trí chiến lược quan trọng trong toàn bộ khu vực. Chính vì vậy, tại thôn Mỏ Nhài, vào năm 1885, thực dân Pháp đã cho xây dựng một khu đồn binh rất kiên cố, gọi là Đồn Mỏ Nhài. Đồn được xây dựng trên một quả đồi cao án ngữ và kiểm soát cả một vùng rộng lớn từ thị trấn Bắc Sơn đi vào Vũ Lăng. Đỉnh đồi khá bằng phẳng và rộng.
Trên đỉnh đồi là cả một hệ thống đồn, bốt, hầm, hào kiên cố, xung quanh được bao bọc bằng tường đá dầy, hàng rào dây thép gai chằng chịt và chỉ có duy nhất một con đường để lên xuống. Đây được coi là biểu tượng cho sức mạnh của thực dân Pháp trên đất Bắc Sơn. Từ vị trí đỉnh đồi có thể quan sát cả một vùng rộng lớn trong vòng bán kính vài ki lô mét. Với vị trí lợi hại và được xây dựng phòng thủ kiên cố như vậy thì việc đánh đồn Mỏ Nhài không phải là việc dễ dàng.
Người dân xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn thu hoạch quýt
Ảnh: NGỌC HIẾU
Thế mà 20 giờ ngày 27-9-1940, ba nhóm của đội quân vũ trang do các chiến sĩ cộng sản Bắc Sơn lãnh đạo cùng với 3. 000 quần chúng nhân dân thuộc xã Hưng Vũ, Tam Hoa, Trấn Yên, Ngư Viễn, với trang bị vũ khí thô sơ: súng kíp, giáo mác, gậy gộc đã tấn công đồn Mỏ Nhài. Theo các hướng đã định, đoàn quân khởi nghĩa dũng cảm xông lên, vừa nổ súng, vừa làm công tác địch vận, kêu gọi binh lính trong đồn theo cách mạng. Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo của Chi bộ Hưng Vũ, nhân dân các làng xung quanh đồn Mỏ Nhài tập hợp lực lượng cùng nhau khua chiêng, gõ mõ… làm hậu thuẫn cho cuộc chiến đấu của quân khởi nghĩa trên các hướng tấn công. Trước khí thế của quân khởi nghĩa và nhân dân Bắc Sơn, 22 tên lính cùng với tên tri châu Hoàng Văn Sĩ đã bỏ chạy tháo thân sang Bằng Mạc. Quân khởi nghĩa chiếm xong đồn, thu 10 khẩu súng trường, 6 súng kíp, 2 gánh đạn, 1 máy chữ cùng toàn bộ sổ sách, bằng, triện của địch. Chính quyền cai trị bị tan rã, Ban chỉ huy cuộc khởi nghĩa tuyên bố cuộc khởi nghĩa thắng lợi, xóa bỏ chính quyền thực dân, phong kiến tay sai, mọi trật tự an ninh xã hội ở các thôn xóm, làng, xã từ nay do nhân dân tự đảm nhiệm.
Tiếp theo, các ngày 28, 29-9-1940, quân khởi nghĩa tiếp tục tấn công tàn quân Pháp ở đèo Canh Tiếm, Sập Dì. Trước tình hình đó, Nhật – Pháp thỏa hiệp với nhau để tập trung đàn áp cuộc khởi nghĩa. Giữa lúc quần chúng cách mạng đang tổ chức mít tinh mừng chiến thắng tại Vũ Lăng thì quân Pháp tấn công và đàn áp dữ dội. Bọn Pháp hành quyết công khai các chiến sĩ và quần chúng đi theo cách mạng. Chúng đốt phá nhà cửa, ruộng vườn, cướp bóc thóc lúa và gia súc, gia cầm của nhân dân vô tội vạ.
Ngay sau khi được tin cuộc khởi nghĩa bùng nổ, Xứ ủy Bắc Kỳ đã cử đồng chí Trần Đăng Ninh lên lãnh đạo phong trào và hướng cuộc khởi nghĩa vào mục tiêu xây dựng lực lượng để chiến đấu lâu dài. Sau khi nghe đồng chí Trần Đăng Ninh báo cáo, Trung ương quyết định duy trì và bồi dưỡng Đội du kích Bắc Sơn làm lực lượng quân sự đầu tiên cho lực lượng cách mạng. Lực lượng đó chuyển hướng từ hoạt động quân sự sang chính trị, gây cơ sở, thành lập căn cứ du kích lấy vùng Bắc Sơn, Võ Nhai làm trung tâm. Vào ngày 13-10-1940, cuộc họp tại khu rừng Tân Hương đã quyết định thành lập đội du kích Bắc Sơn – tiền thân của các lực lượng vũ trang cách mạng sau này. Theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 của Đảng, Đội du kích Bắc Sơn được đổi thành Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn.
74 năm đã qua đi nhưng cuộc khởi nghĩa đã minh chứng một Bắc Sơn hào hùng trong chống giặc ngoại xâm, một tinh thần quả cảm, theo Đảng, vì dân của những người khởi nghĩa đã làm nên một Bắc Sơn ngày ấy. Những kinh nghiệm sinh động của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đã góp phần tạo tiền đề cho một cuộc vận động cách mạng sôi nổi, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền (Cách mạng Tháng Tám) năm 1945 thành công trong cả nước.
Bài: Mai Tùng
Ý kiến ()