Khởi dựng vở kịch nói “Lâu đài cát”
“Lâu đài cát” hay “Mặt nạ người”- kịch bản của tác giả Tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương đã từng nổi danh trên sân khấu kịch nói Việt Nam hơn chục năm trước đã được Đoàn Kịch nói Hải Phòng khởi dựng ngày 11/9.
Theo Trưởng đoàn Kịch nói Hải Phòng Trần Trung Hiếu, với chủ đề gia đình - “Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc”, “Lâu đài cát” muốn mang đến cho khán giả một cảm nhận và cũng là một chân lý: Gia đình luôn là tổ ấm mang lại các giá trị hạnh phúc, là chỗ dựa tinh thần vững chắc trong cuộc sống, chốn bình yên sau những vất vả gian lao, nơi luôn rộng mở khoan dung sau những sai lầm vấp ngã…
Nghệ sĩ ưu tú Kiều Minh Hiếu, người đảm nhận vai trò đạo diễn của vở chia sẻ, “Lâu đài cát” hay “Mặt nạ người” là hiện thân của sự thật đen tối của các thành viên trong không ít gia đình ngày nay với tính cá nhân, ích kỷ và nhu cầu hưởng thụ được đặt lên trên hết.
Sự tác động của những thói hư, tật xấu đã khiến cái “mặt nạ người” ngày càng dày hơn, được trang điểm đẹp hơn, đạo mạo hơn để che đi sự thối nát của bản thân…
Vở diễn kể về ông Bộ - một cán bộ cao cấp lại bất chấp, phá vỡ đi tất cả những giá trị tốt đẹp thiêng liêng trong gia đình để thỏa mãn lối sống cá nhân, ích kỷ, suy thoái đạo đức.
Và những thói hư, tật xấu của ông luôn được che đậy bởi cái mặt nạ: “Coi trọng đạo đức”, “Coi trọng truyền thống gia đình”…
Sự thật kinh hoàng chỉ được phơi bày khi Thiên - cháu đích tôn của gia đình “Tứ đại đồng đường” dẫn người yêu về ra mắt gia đình…
Vở diễn cũng sẽ đem đến cho người xem sự cảm nhận đã thấp thoáng nhìn thấy những “mặt nạ người” đâu đó trong xã hội hiện nay.
Trong vở diễn cũng sẽ thể hiện những câu chuyện, những tình tiết, sự việc… như đã từng xảy ra trong cuộc sống chúng ta.
Vở diễn cũng mong muốn như là hồi chuông cảnh báo về những hệ lụy khôn lường khi xuất hiện quá nhiều “mặt nạ người” trong đời sống xã hội ngày nay.
Đồng thời vở diễn cũng như nhắc nhở trong mỗi con người chúng ta không biết kiềm chế dục vọng đen tối, những ham muốn thái quá… sẽ dễ vướng vào tình huống oái oăm như trong vở diễn của Đoàn Kịch nói Hải Phòng sẽ ra mắt công chúng vào tháng 10 tới.
Đạo diễn Kiều Minh Hiếu cũng cho hay, thiết kế mỹ thuật vở diễn cũng gợi nên màu sắc thời gian bình dị, xưa cũ, thanh khiết, nhưng cũng thấp thoáng cho người xem thấy có cái gì đó sắp sụp đổ, tan nát bất cứ lúc nào nếu như con người ta không nhận ra để bồi đắp, chăm chút, nâng niu, trân trọng.
..." Giữ mãi gia đình trong một góc riêng
Để nhớ, để mong, để âm thầm cầu nguyện
Xin nỗi buồn đừng hằn trên mặt mẹ
Và nụ cười đừng xa cách môi cha..."
Đạo diễn Kiều Minh Hiếu
Đồng thời, với thiết kế trang trí cơ động, gọn gàng, dễ dàng di chuyển để sau khi công diễn trên chương trình sân khấu truyền hình số tháng 10/2024, vở diễn sẽ dễ dàng trong tổ chức lưu diễn phục vụ nhân dân, công nhân lao động tại các địa phương, khu công nghiệp…
Tại vở diễn, khán giả sẽ gặp lại nhiều gương mặt thân quen trong ê-kíp sáng tạo như: Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Trọng Đài; họa sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Doãn Bằng; chỉ huy biểu diễn Đăng Khoa; trợ lý đạo diễn Quang Thiện; biên đạo Nghệ sĩ Ưu tú Nguyệt Hằng; cùng các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát kịch Việt Nam và Đoàn Kịch nói Hải Phòng...
Ý kiến ()