Khởi động thị trường xuất khẩu nông sản từ đầu năm
Những ngày cuối cùng của năm Ðinh Dậu, ngành nông nghiệp đã khởi đầu công tác xúc tiến thương mại, khai mở thị trường xuất khẩu bằng việc tổ chức gặp gỡ gần 70 tham tán thương mại của Việt Nam nhân dịp họ về nước tham dự Hội nghị Tham tán thương mại 2018.
Việc lãnh đạo các bộ, ngành tiếp xúc với các tham tán thương mại để “đặt hàng” gần như là một hoạt động hằng năm. Cuối tháng 5-2017, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN và PTNT) đã gặp gỡ, trao đổi với 34 đại sứ và tổng lãnh sự của Việt Nam trước khi sang các nước nhận nhiệm vụ trong giai đoạn 2017-2020 để “đặt hàng” việc duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản. Năm nay, cuộc gặp gỡ được tổ chức sớm chứng tỏ công tác xúc tiến thương mại qua “kênh” này trở nên cấp thiết và quý giá, nhất là trong bối cảnh năng lực sản xuất nông sản, thực phẩm của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Vì vậy, động lực phát triển sản xuất chính là phải mở cửa tối đa các thị trường, và các tham tán, các thương vụ chính là những “đầu tàu” và cầu nối để làm tốt công tác này.
Ý kiến tham mưu của các tham tán quan trọng với ngành nông nghiệp, nhất là tại những thị trường tiềm năng nhưng đòi hỏi cao về chất lượng như Mỹ, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, EU… Hơn nữa, khi thị trường nào, nước nào, thậm chí tổ chức liên quốc gia, mở cửa một mặt hàng (hoặc cấm một mặt hàng), Bộ NN và PTNT rất cần thông tin từ các tham tán thương mại, để biết nước sở tại cần gì, loại sản phẩm nào, tiêu chuẩn ra sao… để chủ động phát triển sản xuất, hay điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu phù hợp. Các tham tán còn giúp tìm hiểu công nghệ mới của các nước, chuyển giao về giúp doanh nghiệp Việt Nam đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng chế biến; phối hợp các cơ quan liên quan giải quyết những tranh chấp thương mại, rào cản thương mại… Với vai trò “đại sứ thương mại”, các tham tán, thương vụ sẽ hỗ trợ ngành nông nghiệp đôn đốc các nước triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác, các điều ước quốc tế về hợp tác khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp; nghiên cứu đề xuất giải pháp trao đổi hàng hóa, phương thức thanh toán thương mại, nhất là tại khu vực Trung Ðông, châu Phi nhằm đẩy mạnh trao đổi thương mại nông sản ở khu vực này.
Năm 2018 là năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 – 2020 của ngành nông nghiệp. Mục tiêu ngành nông nghiệp đặt ra trong năm 2018 là tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành dự kiến tăng khoảng 3%, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD. Vì vậy, nếu các ngành nông nghiệp, công thương, ngoại giao cùng phối hợp làm tốt công tác xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nêu trên hoàn toàn có thể thành hiện thực.
Theo Nhandan
Ý kiến ()