Thứ 3, 26/11/2024 07:51 [(GMT +7)]
Khởi động năm học mới 2010-2011
Thứ 3, 10/08/2010 | 13:50:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Trong thời gian này, nhiều địa phương đang tổ chức tổng kết hoạt động hè, bàn giao học sinh cho nhà trường. Các công tác chuẩn bị như bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giáo viên, chuẩn bị CSVC trường lớp, giấy vở, SGK cho học sinh…đang được thực hiện một cách gấp rút.
Luôn “ đi trước thời gian”
Tuy ngày 5/9 hằng năm được xác định là ngày “ Toàn dân đưa trẻ em đến trường” và khai giảng năm học mới, song trong những năm gần đây, ngày chính thức bước vào thực học là ngày 15, hoặc 16/8. Theo Quyết định số 907/QĐ-UBND ngày 22/6/2010 của UBND tỉnh, thì ngày 16/8/2010 toàn ngành Giáo dục Lạng Sơn sẽ chính thức bước vào năm học mới 2010-2011; ngày tựu trường được thực hiện trước ngày quy định bắt đầu học 5 ngày.
Thực ra, đối với ngành GD, khi kết thúc năm học cũ cũng tức là sự mở đầu năm học mới bằng một loạt các hoạt động như công tác tuyển sinh, chỉnh trang CSVC; tuyển dụng, điều động, phân công và bồi dưỡng giáo viên. Trong những tháng hè vừa qua, công việc được ngành quan tâm nhất là song song với việc chỉ đạo bảo vệ tốt trường lớp trong dịp hè, trong mùa mưa bão, là việc thúc đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện các công trình trường lớp học theo đề án kiên cố và các dự án khác; để làm sao khi bước vào năm học mới, các nhà trường đáp ứng đủ phòng học, bàn ghế cho học sinh, nhà ở cho giáo viên, nơi làm việc và các phòng chức năng khác của các nhà trường. Nói là như vậy, song chuyện “ đẩy nhanh” không phải dễ dàng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như thời tiết bất lợi cho vận chuyển nguyên vật liệu và thi công; nguồn vốn đáp ứng chưa đủ, chưa thực sự là “động lực” để các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ; các thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán chậm. Vì vậy có tình trạng phòng học đã xây xong nhưng vẫn chưa được bàn giao đưa vào sử dụng, gây nên tình trạng “ chưa dùng đã xuống cấp”. Việc phê duyệt kết quả đấu thầu và cung ứng SGK và giấy vở cho học sinh vùng chính sách thường chậm, do đó có tình trạng học sinh “ tay trắng” đến trường trong 2 tuần thực học cuối tháng 8.
Do tác dụng tích cực của việc phân cấp quản lý, nên công tác điều động, phân công giáo viên được thực hiện nhanh, đảm bảo khách quan công bằng, được đội ngũ cán bộ giáo viên đồng tình. Song vẫn còn có nơi do công tác tham mưu chậm nên gây khó khăn cho việc kiện toàn và củng cố đội ngũ ngay từ những ngày đầu thực học.
Thực hiện sự chỉ đạo và kế hoạch năm học, nhiều trường đã thực sự bước vào giảng dạy và học tập ngay trong ngày đầu thực học, song vẫn còn một số nhà trường có tâm lý “ đủng đỉnh”, khiến cho việc “ khởi động” đầu năm kéo dài.
Năm học “ đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng”
Đây là chủ đề mà Bộ GD&ĐT xác định phải tiếp tục thực hiện trong năm học này. Với nhiều năm thực hiện “ chống tiêu cực và bệnh thành tích”, các đối tượng như người học, người dạy, người quản lý đã bắt đầu “ vào nếp”. cần phải duy trì nếp tốt này trong tất cả các nhà trường, các cơ sở GD, để làm sao kết quả đánh giá học sinh phản ánh một cách trung thực nhất kết quả của việc dạy và học. “ Dạy thực chất, học thực chất, thi thực chất và chất lượng thực chất” không còn là khẩu hiệu chung chung, mà đã được nhiều trường áp dụng thành công. Tuy vậy, cũng cần nhìn nhận rằng, chất lượng học sinh chưa phản ánh thật đúng kết quả dạy và học, nhất là trong bậc học mầm non, tiểu học và THCS.
Một vấn đề cũng được dư luận quan tâm là việc đổi mới phương pháp giảng dạy đã được thực hiện ra sao, mang lại hiệu quả như thế nào; nhất là với đối tượng học sinh người dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng ĐBKK, thì việc chấm dứt tình trạng “ đọc- chép” ngay trong năm nay có thực hiện được không?
Muốn làm tốt việc “ đổi mới công tác quản lý” tất phải tăng cường năng lực, trình độ và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, nhất là ở các nhà trường. Ngành GD Lạng Sơn song song với việc kiểm tra, thanh tra, giúp đỡ các cơ sở GD trong công tác quản lý điều hành; tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và giảng dạy; còn thường xuyên thực hiện tốt Chỉ thị của Ban Bí thư về “ Nâng cao chất lượng của đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD” và chỉ đạo đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động trong ngành, nhằm tạo ra một đội ngũ CBGV vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, sáng về đạo đức và tận tâm với nghề. Đó chính là “ đòn bẩy” để nâng cao chất lượng GD.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()