Khởi động dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh khu vực miền Bắc
Theo các chuyên gia, việc hợp tác của Samsung nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng không chỉ của Samsung mà cả mạng cung ứng toàn cầu.
Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh cao như hiện nay, với cơ chế tự sàng lọc và lựa chọn, các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức, phải cạnh tranh với những tập đoàn lớn không chỉ tại thị trường quốc tế mà ngay tại thị trường nội địa. Vì vậy, phát triển nhà máy thông minh là xu thế tất yếu cho các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam hiện nay.
Đây là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại “Lễ khởi động Dự án Hợp tác phát triển nhà máy thông minh khu vực miền Bắc năm 2023,” do Bộ Công Thương phối hợp với Samsung Việt Nam tổ chức sáng 3/7, tại Hà Nội.
Nhiều tín hiệu tích cực
Ông Hải cho biết thực hiện mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tại Nghị Quyết số 29/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng, trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai các chương trình hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI lớn tại Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ.
Đặc biệt là các Chương trình hợp tác với Samsung Việt Nam, cụ thể như: Chương trình đào tạo chuyên gia tư vấn, Chương trình tư vấn cải tiến sản xuất cho doanh nghiệp, Chương trình đào tạo nhân lực cho ngành khuôn mẫu, Chương trình đào tạo và hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh…
“Các Chương trình trên đã và đang mang lại những tín hiệu tích cực cho ngành công nghiệp Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng, tạo tính lan tỏa sâu rộng, giúp doanh nghiệp nội địa tăng cơ hội phát triển và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu,” ông Hải nói.
Thực hiện Biên bản ghi nhớ Dự án hợp tác phát triển Nhà máy thông minh giữa Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam, trong năm 2022 Bộ Công Thương đã phối hợp cùng Samsung Việt Nam triển khai đào tạo 50 chuyên gia tư vấn nhà máy thông minh và hỗ trợ tư vấn, cải tiến cho 26 Doanh nghiệp áp dụng nhà máy thông minh trên cả 2 miền Bắc và miền Nam.
Chương trình đã đem lại nhiều kiến thức sâu rộng giúp nâng cao khả năng chuyên môn của đội ngũ chuyên gia tư vấn trong nước, đồng thời hỗ trợ cải tiến năng lực vận hành sản xuất trên nền tảng công nghệ thông tin của doanh nghiệp. Sự hưởng ứng, tham gia tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp chính là tiền đề để Bộ Công Thương tiếp tục triển khai Chương trình trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Sau quá trình hỗ trợ, các doanh nghiệp đã được trang bị kiến thức và cách thức để triển khai hiệu quả dự án chuyển đổi số hướng tới phát triển nhà máy thông minh, nâng cao năng lực cạnh tranh để sẵn sàng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Là 1 trong 12 doanh nghiệp tham gia đề án đợt này, ông Nguyễn Đình Thân, Giám đốc Công ty Cổ phần AMA Bắc Ninh chia sẻ, để tồn tại và phát triển, bên cạnh cải tiến năng suất chất lượng, tiêu chuẩn hóa các quá trình và hiện trường, việc số hóa dữ liệu sản xuất từng công đoạn, cập nhật thời gian thực, đưa ra các quyết định kịp thời và đúng đắn là yêu cầu sống còn với các doanh nghiệp nói chung và AMA nói riêng.
“Nhận thức được điều đó, ngay từ khi nhận được được thông báo về Đề án Phát triển Nhà máy thông minh do Bộ Công Thương và Tập đoàn Samsung tổ chức, AMA đã đăng ký tham gia và nỗ lực chuẩn bị về nhân sự và ý tướng triển khai từ trước khi Đề án bắt đầu,” ông Nguyễn Đình Thân chia sẻ.
Củng cố năng lực cạnh tranh theo tiêu chuẩn toàn cầu
Kể từ năm 2008 sau khi đầu tư chính thức vào Việt Nam, Samsung Việt Nam đã và đang nỗ lực đóng góp cho sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam thông qua nhiều hoạt động hỗ trợ đa dạng.
Thông tin về lĩnh vực này, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam cho hay, từ năm 2015, Samsung đã phái cử các chuyên gia nhiều chục năm kinh nghiệm từ công ty mẹ của Samsung đến Việt Nam để hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam, giúp các doanh nghiệp cải tiến năng lực cạnh tranh trong mảng sản xuất và chất lượng, đồng thời nỗ lực trong việc xây dựng hệ thống phát triển bền vững thông qua việc đào tạo đội ngũ tư vấn viên.
Dựa trên nền tảng là những thành quả đạt được khi hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong 7 năm qua, ông Choi Joo Ho khẳng định Samsung Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong cả lĩnh vực sản xuất thông minh vì sự phát triển ngành công nghiệp tạo ra giá trị gia tăng cao mà Chính phủ Việt Nam đang hướng tới trong trung và dài hạn.
Đại diện Samsung Việt Nam cũng hy vọng thông qua dự án lần này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ củng cố được năng lực cạnh tranh theo tiêu chuẩn toàn cầu trên toàn bộ quy trình như phát triển, sản xuất và bán hàng. Xa hơn nữa, sẽ có nhiều doanh nghiệp xuất sắc được mở rộng cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung và các doanh nghiệp toàn cầu.
“Đặc biệt, dự án lần này có sự tham gia và chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường của các chuyên gia đến từ công ty mẹ của Samsung để hỗ trợ xây dựng nhà máy thông minh, vì vậy tôi rất hy vọng với sự hỗ trợ của các chuyên gia, năng lực của các doanh nghiệp tham gia vào dự án sẽ được cải tiến lên một tầm cao mới,” Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam nói.
Theo nội dung đã được ký kết, quy trình hỗ trợ của dự án bao gồm 3 hoạt động: Lựa chọn doanh nghiệp hỗ trợ; Hỗ trợ tư vấn phát triển nhà máy thông mình và Quản lý về sau.
Trong thời gian 3 tuần học lý thuyết, Samsung sẽ phối hợp cùng Bộ Công thương lựa chọn các chuyên gia tư vấn Việt Nam xuất sắc trong lĩnh vực cải tiến năng suất chất lượng để tiếp tục đào tạo nâng cao về nhà máy thông minh.
Trong 9 tuần thực hành, các chuyên gia Samsung và chuyên gia tư vấn Việt Nam sẽ khảo sát, đánh giá các doanh nghiệp và trực tiếp tư vấn, làm việc cùng doanh nghiệp nhằm cải tiến hiện trường và tạo nền tảng cải tiến công đoạn, từ đó dần thiết lập nhà máy thông minh.
Cuối cùng dựa trên kết quả tư vấn hiện trường, các chuyên gia sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống vận hành và quản lý về sau như thúc đẩy doanh nghiệp tự tiếp tục triển khai hoạt động cải tiến, kiểm tra định kỳ mức độ cải tiến lĩnh vực sản xuất/IT sau dự án.
Từ năm 2015, Bộ Công Thương và Samsung đã phối hợp để triển khai chương trình tư vấn cải tiến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho 379 doanh nghiệp Việt Nam. Trong giai đoạn 2018-2021, Bộ Công Thương và Samsung đã đào tạo 406 chuyên gia về công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nhận thấy tầm quan trọng của lĩnh vực khuôn mẫu trong sản xuất công nghiệp, Bộ Công Thương và Samsung tiếp tục triển khai dự án đào tạo 200 kỹ thuật viên khuôn mẫu trong giai đoạn 2020-2023. Qua nỗ lực tìm kiếm doanh nghiệp cung ứng, số lượng doanh nghiệp cấp 1 của Samsung đã có sự gia tăng mạnh mẽ. Năm 2014, số lượng doanh nghiệp cấp 1 chỉ có 4 doanh nghiệp thì con số này đã tăng lên thành 51 doanh nghiệp vào cuối năm 2022. Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp cấp 2 cũng đạt 206 doanh nghiệp. Các hoạt động đa dạng mà Samsung đã và đang phối hợp cùng Bộ Công Thương triển khai góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam./ |
Nguồn:https://www.vietnamplus.vn/khoi-dong-du-an-hop-tac-phat-trien-nha-may-thong-minh-khu-vuc-mien-bac/872639.vnp
Ý kiến ()