Khởi động đề án xây dựng Bảo tàng Khoa học và Công nghệ
Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) vừa tổ chức đoàn cán bộ đi khảo sát mô hình các bảo tàng KH và CN Ðài Loan (Trung Quốc). Ðây là một trong những bước đi đầu để các đơn vị chức năng của bộ xây dựng đề án Bảo tàng KH và CN Việt Nam.
Nhiều người biết đến TP Cao Hùng của Ðài Loan (Trung Quốc) vì đây là một trong những thành phố du lịch nổi tiếng. Tuy vậy, nhiều người cũng biết đến thành phố này bởi nơi đây có bảo tàng KH và CN lớn nhất Ðài Loan (Trung Quốc).
Bảo tàng chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9-1997, rộng gần 19 ha. Bảo tàng được chia làm hai khu. Khu nhà phía bắc có trung tâm quản lý, khu bảo tồn, trưng bày, phòng chiếu phim 3D, siêu thị xanh… Khu nhà phía nam gồm có thư viện, phòng giảng dạy, phòng lưu trữ…
Phó Giám đốc bảo tàng Hsich- Tsu Tsai cho chúng tôi biết: Mục đích việc xây dựng bảo tàng là làm cho người xem thấy rõ tầm quan trọng của khoa học và công nghệ trong việc phát triển kinh tế – xã hội; nâng cao tri thức của người dân, nhất là học sinh về khoa học và công nghệ; những thành tựu về khoa học và công nghệ Ðài Loan (Trung Quốc). Mặc dù vị trí đặt bảo tàng là đất công, nhưng khi xây dựng đã vấp phải phản ứng của người dân quanh vùng. Lãnh đạo bảo tàng và đại diện người dân đã họp lại và thống nhất, tất cả mọi người ở khu vực này được vào bảo tàng miễn phí, con cái của họ được tạo điều kiện tốt nhất khi đến đây tham quan, tìm hiểu. Ðây là kinh nghiệm quý đối với nước ta khi xây dựng bảo tàng KH và CN. Có được sự ủng hộ của người dân địa phương, hoạt động của bảo tàng mới thuận lợi.
Các đơn vị thiết kế, thi công đã bảo đảm được diện tích hợp lý của công viên cũ, không bê-tông hóa bảo tàng. Ðó là điều chúng tôi cảm nhận được khi đến đây tìm hiểu, nghiên cứu. Nghĩ đến bảo tàng, người ta thường nghĩ tới một cái gì đó khô cứng, tĩnh lặng, nhất là đối với bảo tàng KH và CN. Nhưng ở đây thì khác. Một biểu tượng nổi bật của bảo tàng đó là tháp chuông cao 30 m ở khu nhà phía nam. Hệ thống bơm thủy lực bên dưới đã làm cho chuông phát ra âm thanh du dương, hấp dẫn học sinh phổ thông đến tham quan bảo tàng ngay từ ngoài cổng. Với các khu bảo tàng xanh, khoa học và đời sống, khám phá, phòng cảm giác học suốt đời… Nơi đây đã trở thành khu vui chơi, giải trí khổng lồ cho các em lứa tuổi học sinh. Các em có thể trong vai nhà khoa học để làm các thí nghiệm lý giải những hiện tượng vật lý chung quanh, để tìm hiểu đáy đại dương. Bảo tàng đã biến những bài học khô khan khó hiểu của khoa học tưởng tượng thành những bài giảng thực tế sinh động.
Nhìn những đứa trẻ chăm chú, hồ hởi tham gia các trò chơi khoa học, sáng tạo, những thành viên trong đoàn chúng tôi ao ước có một ngày không xa, học sinh nước ta sẽ có một địa điểm như vậy. Phó Giám đốc bảo tàng HSich – Tsu Tsai cho chúng tôi biết, bảo tàng hiện có hơn 100 cán bộ, công nhân viên trong đó có gần một nửa là cộng tác viên. Họ là những nhà khoa học đã về hưu nhưng tâm huyết với hoạt động KH và CN, với sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ.
Ông Cheng, một nhà khoa học đã về hưu, cộng tác viên của bảo tàng, dẫn chúng tôi đi tham quan khu trưng bày giới thiệu lịch sử hình thành và phát triển ngành thông tin của Ðài Loan (Trung Quốc). Với khối lượng hiện vật phong phú, cách trình bày khoa học trong không gian rộng, ánh sáng chuẩn đã thu hút chúng tôi trong suốt buổi tham quan.
Chúng tôi đã có chuyến đi tham quan các bảo tàng KH và CN ở Hàn Quốc và In-đô-nê-xi-a. Nếu như bảo tàng KH và CN của Hàn Quốc hấp dẫn trẻ em tại khu nhà khám phá vũ trụ thì bảo tàng khoa học ở In-đô-nê-xi-a hấp dẫn các em ở khu trải nghiệm về thiên tai như động đất, sóng thần. Tại đây, tự các em có thể làm những thí nghiệm tạo ra sóng thần, trải nghiệm cảm giác động đất xảy ra ở cấp độ 6,5 độ rích-te.
Xác định tầm quan trọng của bảo tàng KH và CN trong việc nâng cao dân trí cho người dân, nhất là nâng cao kiến thức về khoa học cho các em học sinh, Nghị quyết số 20-NQ/T.Ư, Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, trong phần nhiệm vụ và giải pháp nêu rõ: “Hình thành các bảo tàng KH và CN” và ban hành Nghị quyết số 46/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/T.Ư, trong đó cũng nêu rõ: nghiên cứu, xây dựng Ðề án hình thành Bảo tàng KH và CN Việt Nam.
GIÁM đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH và CN (Bộ Khoa học và Công nghệ) TS Nguyễn Xuân Toàn cho chúng tôi biết: Hiện tại, bộ đang thực hiện các bước đi đầu để triển khai đề án xây dựng bảo tàng KH và CN. Ðược biết, có thể Bảo tàng KH và CN Việt Nam được xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Hy vọng tương lai không xa, khi có bảo tàng KH và CN, trẻ em Việt Nam sẽ được “đắm mình” trong thế giới khoa học đầy hấp dẫn và đó là nguồn động lực để kích thích các em say mê nghiên cứu khoa học.
Ý kiến ()