Khởi động dạy nghề năm 2016
LSO-Năm 2015 là năm khởi sắc của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn tỉnh với việc đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch 102%. Từ kết quả đó, năm 2016, tỉnh tiếp tục tập trung cho công tác này, phấn đấu đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho 4.600 lao động trở lên.
Trung tâm Dạy nghề huyện Chi Lăng chuẩn bị cơ sở vật chất dạy nghề phi nông nghiệp |
Với chức năng quản lý Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho LĐNT, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã tham mưu và trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT năm 2016. Trên cơ sở đó, trong quý I/2016, ngành chức năng đã dự kiến phân bổ kế hoạch dạy nghề cho LĐNT thuộc chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2016; xây dựng định mức chi phí, danh mục nghề đào tạo, xây dựng kế hoạch dạy nghề năm 2016 và hướng dẫn chi phí đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các trường nghề, trung tâm dạy nghề thực hiện công tác tuyển sinh, đào tạo nghề cho LĐNT ở các trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng theo kế hoạch dạy nghề năm 2016. Bên cạnh đó, sở phối hợp với các ngành dự thảo trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch sáp nhập các Trung tâm Dạy nghề huyện thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên cấp huyện.
Ông Hoàng Văn Tài, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Hội Nông dân tỉnh cho biết: Trên cơ sở kế hoạch phân bổ dạy nghề cho LĐNT của tỉnh, trong quý I/2016, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch dạy nghề năm 2016 cụ thể, phù hợp với năng lực của trung tâm và đặc thù hội viên nông dân. Theo đó, trong năm, Trung tâm phấn đấu mở được 6 lớp dạy nghề cho khoảng trên 210 LĐNT. Các lớp dạy nghề chủ yếu là nghề chăn nuôi lợn, gà, trồng rau, kỹ thuật ghép cây ăn quả, sửa chữa máy nông nghiệp… Trung tâm sẽ chủ động ký hợp đồng thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT với Phòng Dạy nghề, Sở LĐTB&XH, Chi cục Phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để mở các lớp nghề này trên cơ sở có kinh phí của trung ương và kinh phí hỗ trợ của tỉnh.
Theo Sở LĐTB&XH tỉnh, năm nay, UBND tỉnh phê duyệt tổng số 34 lớp nghề thuộc nhóm nghề phi nông nghiệp và 101 lớp thuộc nhóm nghề nông nghiệp. Thời gian đào tạo 2 tháng, các học viên sẽ được hỗ trợ tiền học phí và được học các nghề theo nhu cầu, phù hợp với thực tiễn nơi cư trú như: kỹ thuật chế biến món ăn; sửa chữa xe máy, điện tử điện lạnh, sửa chữa máy nông nghiệp; chăn nuôi gia súc, gia cầm, cá; kỹ thuật trồng na, hồng Bảo Lâm và trồng rừng… Từ đầu năm 2016 đến nay, ngành cũng đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghề tuyển sinh được 10 lớp dạy nghề cho LĐNT với 350 học viên. Đồng thời triển khai đến 100% huyện, thành phố và cơ sở đào tạo nghề quyết định của UBND tỉnh phê duyệt phân bổ chi tiết vốn hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT. Trong đó, huyện Lộc Bình và Hữu Lũng được phân bổ 600 triệu đồng, huyện Tràng Định 400 triệu đồng, các huyện còn lại là 500 triệu đồng/huyện.
Ông Đinh Quang Chí, Phó trưởng Phòng Dạy nghề, Sở LĐTB&XH cho biết: những tháng đầu năm thường công tác dạy nghề khá ảm đạm do số người trong độ tuổi lao động đi lao động ngoài địa bàn. Do vậy, để công tác đào tạo nghề cho LĐNT hiệu quả, từ quý II chúng tôi tiếp tục tập trung chỉ đạo sáp nhập Trung tâm dạy nghề và Trung tâm Giáo dục thường xuyên; hướng dẫn các cơ sở dạy nghề tổ chức tuyển sinh; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và biên soạn, chỉnh sửa giáo trình; xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác đào tạo nghề. Đặc biệt là thực hiện kế hoạch tuyên truyền về công tác này. Qua đó giúp nâng cao hơn nữa nhận thức về học nghề của LĐNT để họ chủ động lựa chọn nghề học và tự tạo được việc làm phù hợp sau học nghề.
HOÀI AN
Ý kiến ()