Khởi động cuộc đua vào Điện Elysee
Sau nhiều tháng vận động, các ứng cử viên tổng thống Pháp năm 2022 đã chính thức bước vào cuộc đua trở thành “chủ nhân của Điện Elysee”. An ninh và kinh tế là chủ đề quan trọng trong chiến dịch tranh cử với mục tiêu đưa nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone ổn định và thịnh vượng.
Hội đồng Lập hiến tối 7/3 đã công bố danh sách những chính khách đáp ứng đầy đủ các điều kiện để ứng cử vị trí tổng thống. Với 12 ứng cử viên, trong đó có 4 phụ nữ, cuộc đua vào Điện Elysee chính thức được bắt đầu. Các ứng cử viên “chủ nhân” tương lai của Điện Elysee cũng sẽ nhận được một khoản tạm ứng là 200.000 euro/người để hoàn trả chi phí chiến dịch vận động tranh cử và họ phải gửi bản kê khai tài sản và nguồn thu nhập trước ngày 11/3.
Các bản kê này sẽ được Cơ quan Quản lý sự minh bạch và công khai đời sống của các quan chức đăng tải chính thức trên các phương tiện truyền thông trước ngày 26/3. Theo chương trình dự kiến, vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2022 sẽ diễn ra vào ngày 10/4 và vòng hai vào ngày 24/4 tới. Ngày 13/5, tân tổng thống sẽ chính thức nhậm chức.
Trong số 12 ứng cử viên được lựa chọn từ 65 người gửi đề cử, gương mặt nổi bật là Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron. Trong thông báo ý định tái tranh cử, ông Macron cho biết trong 5 năm qua, nước Pháp phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng khác nhau như đại dịch Covid-19, phản đối chính phủ, bạo động…
Dù thừa nhận trong nhiệm kỳ của mình chưa đạt được mọi mục đích đặt ra, song ông cam kết sẽ “tạo nên sự khác biệt” nếu tái đắc cử. Tổng thống Macron cho biết, sẽ tiếp tục cắt giảm thuế và cải cách lương hưu. Ông cũng hứa hẹn sẽ cải cách hệ thống giáo dục, nhấn mạnh giáo viên cần được trả lương cao hơn và có nhiều quyền hơn trong hoạt động giáo dục.
Ông Macron bước vào “đường đua” chỉ một tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống. Thăm dò dư luận cho thấy ông có thể giành chiến thắng trước các đối thủ tiềm tàng là lãnh đạo phe cực hữu-bà Marine Le Pen và nữ chính khách theo đường lối bảo thủ trung hữu Valerie Pecresse. Năm 2017, trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp vòng thứ nhất, ông Emmanuel Macron đã về nhất với 24,01% số phiếu ủng hộ và bà Marine Le Pen bám đuổi với tỷ lệ ủng hộ đạt 21,3%.
An ninh là một chủ đề quan trọng trong chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp năm nay, với 52% số cử tri được hỏi không đồng ý với khẳng định “tình trạng mất an ninh đã được nói quá nhiều trong các cuộc tranh luận”. Theo kết quả thăm dò dư luận do Ipsos Sopra-Steria tiến hành về chủ đề an ninh, phần lớn người dân Pháp chưa thật sự tin tưởng các ứng cử viên ở lĩnh vực này.
Kết quả thăm dò dư luận cũng cho thấy, không ứng cử viên nào chiếm được lòng tin của đa số cử tri. Về cánh hữu, ứng cử viên Marine Le Pen của đảng Tập hợp quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng, nhưng chỉ nhận được sự tin tưởng của 42% số người Pháp được hỏi. Về cánh tả, ứng cử viên Jean-Luc Melenchon của đảng Nước Pháp bất khuất là người được nhiều cử tri tin tưởng nhất, nhưng cũng chỉ đạt 23% số người được hỏi ủng hộ.
Cuộc bầu cử năm nay diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Pháp năm 2021 đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong hơn 5 thập kỷ, đánh dấu sự phục hồi nhanh hơn kỳ vọng trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Theo Cơ quan Thống kê Pháp (INSEE), trong năm vừa qua, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pháp đạt 7%, mức cao nhất kể từ năm 1969. Kinh tế Pháp đã hồi phục về mức trước đại dịch trong quý III/2021 khi chính phủ nới lỏng các biện pháp hạn chế nhờ tiến bộ trong chương trình tiêm chủng.
Trong quý IV/2021, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy nhờ chi tiêu dùng và đầu tư doanh nghiệp tăng. Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire cho biết, nền kinh tế Pháp đã phục hồi ngoạn mục, song vẫn còn một số lĩnh vực chịu tác động của đại dịch như du lịch và khách sạn. Nhìn chung hầu hết các lĩnh vực đang phục hồi rất mạnh và tạo ra việc làm, đưa tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp giảm xuống dưới mức trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Bộ trưởng Lao động Pháp đánh giá đây là “tin tuyệt vời” bởi Pháp vừa trải qua một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ gần đây.
Theo giới phân tích, dữ liệu lạc quan về tăng trưởng kinh tế Pháp năm 2021 có thể sẽ là “điểm tựa quan trọng” để Tổng thống Emmanuel Macron giành lợi thế trong cuộc bầu cử lần này. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc chiến tại Ukraine đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng đe dọa sự ổn định khu vực, an ninh cũng sẽ là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Dù ai trở thành chủ nhân của Điện Elysee trong nhiệm kỳ mới thì “chiếc ghế quyền lực” cũng sẽ chỉ yên ổn khi giải quyết tốt hai vấn đề then chốt là ổn định kinh tế và bảo đảm an ninh như nêu trên.
Ý kiến ()