“Khởi động”của các nhà trường
Học sinh lớp 12 Trường phổ thông DTNT tỉnh trong giờ ôn thi |
NÂNG CHẤT LƯỢNG KỲ II
Theo quy chế thi THPT Quốc gia, điểm xét tốt nghiệp bao gồm điểm 4 bài thi thí sinh đăng ký để xét công nhận tốt nghiệp, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12. Vì vậy, nâng cao kết quả học tập cả năm lớp 12 và học kỳ II sẽ là một “điểm cộng” quan trọng vào kết quả tốt nghiệp của các em. Thầy giáo Đặng Hồng Cường, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Bắc cho biết: kỳ thi Quốc gia THPT năm nay chính là “phép thử” của công tác đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh. Nó loại trừ hẳn lối dạy- học theo hướng “đọc- chép”, học thuộc lòng. Lối ra đề theo cách mới của Bộ GD&ĐT đòi hỏi học sinh vừa phải có kiến thức vững, vừa phải kết hợp liên môn; đối với các môn khoa học xã hội được ra theo hướng “mở” nên học sinh cần phải biết vận dụng kiến thức tổng hợp, vốn sống để giải quyết vấn đề; các môn khoa học tự nhiên được ra với yêu cầu đánh giá năng lực vận dụng kiến thức của học sinh.
ÔN TẬP PHÙ HỢP
Em Dương Hồng Phong, học sinh lớp 12A, Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh chia sẻ: “Em có nguyện vọng thi vào trường Sĩ quan Lục Quân I với “gói” xét tuyển là Toán, Vật Lý, Hóa học. Nên ngoài việc chú trọng ôn thi các môn bắt buộc là Toán, Ngữ Văn và Ngoại ngữ, em phải ôn thật tốt 2 môn tự chọn là Vật lý và Hóa học”. Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh đã có truyền thống học tốt, ôn thi tốt, nên liên tục trong nhiều năm, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt 100%; tỷ lệ đỗ đại học, cao đẳng đạt từ 75-85%. Tuy vậy, năm 2015 với kỳ thi Quốc gia “2 trong 1”, đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường không hề chủ quan, mà có kế hoạch thật tốt để ôn thi cho học sinh, cùng với đó là công tác tư vấn cho các em. Do đặc điểm của một trường nội trú, nên ngoài việc giảng dạy học tập theo chương trình, học sinh đã được ôn thi ngay từ đầu năm với các môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ Văn và Ngoại ngữ. Kế hoạch ôn thi sẽ chia thành 3 đợt: đợt 3 (từ 24/5-29/6) sẽ là đợt quan trọng nhất; đợt này ngoài hệ thống chương trình, học sinh sẽ được rèn luyện kỹ năng làm bài gồm “kỹ năng cứng” là cách sử dụng khối lượng kiến thức trong bài làm và “kỹ năng mềm” là sự khéo léo, nhanh nhạy và cẩn thận, nhất là trong các bài thi trắc nghiệm. Do thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ thi là ngày 30/4, nên nhà trường vẫn có thời gian để tư vấn cho các em. Thầy Phương Ngọc Thuyên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: thống kê bước đầu, trong 141 học sinh lớp 12, có tới 137 em đăng ký dự thi THPT Quốc gia (kỳ thi “2 trong 1”). Con số này chắc sẽ có sự thay đổi, song do đặc điểm học sinh của trường là không ra ôn thi tại các cơ sở ôn thi đại học, cao đẳng, nên giáo viên nhà trường quan tâm đáp ứng tốt các môn tự chọn của học sinh.
Năm nay, Trường THPT Việt Bắc có 696 học sinh lớp 12, thống kê sơ bộ có 100 học sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp THPT. Do số học sinh đông, nguyện vọng đa dạng, nên nhà trường phải bố trí ôn thi tất cả 8 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc và 5 môn tự chọn. Trong ôn thi, nhà trường chỉ đạo đội ngũ giáo viên chú trọng bổ sung, hệ thống kiến thức và rèn kỹ năng cho các em. Sau 2 tháng ôn tập trung (tháng 4 và 5) đến tháng 6 sẽ đáp ứng ôn theo nguyện vọng và nhu cầu của người học (trò chọn thầy để ôn tập).
Trên thực tế, thời gian học và ôn tập cho lớp 12 năm nay dài hơn mọi năm 1 tháng. Tuy vậy, đội ngũ giáo viên dạy lớp 12 vẫn sẵn sàng đáp ứng nguyện vọng của các em. Do chỉ có duy nhất 1 kỳ thi Quốc gia, nên học sinh cần thận trọng trong việc xác định dự xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Em Nguyễn Văn Mạnh, học sinh Trường THPT Việt Bắc nói rằng: “Năm nay em định chọn xét tuyển khối D1 (Luật Quốc tế- Đại học Luật Hà Nội), nên có thuận lợi là ôn 3 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) và chọn môn Địa lý. Tuy vậy, em cũng còn đang phân vân, vì môn Ngữ văn em hơi… yếu”. Những trường hợp còn “phân vân” như vậy rất nhiều, đòi hỏi không chỉ nhà trường, mà các bậc cha mẹ cần có sự tư vấn cặn kẽ; thời gian vẫn còn đủ cho những sự lựa chọn.
Ý kiến ()