Khởi động Chương trình “Vì lá phổi khỏe”
Chiều 21/9, tại Đà Nẵng, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Hội Hô Hấp Việt Nam (VNRS) và Hội Lao và Bệnh phổi Việt Nam (VATLD) cùng tập đoàn AstraZeneca tổ chức buổi họp báo khởi động Chương trình “Vì lá phổi khỏe” giai đoạn 2017-2020.
GS.TS.BS Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội hô hấp Việt Nam trao đổi với báo chí tại buổi họp báo (ảnh: Đình Tăng)
Chương trình “Vì lá phổi khỏe” là sáng kiến đa quốc gia của AstraZeneca nhằm nâng cao chất lượng quản bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại 9 quốc gia Châu Á, trong đó có Việt Nam.Tại Chương trình này, tập đoàn dược và dược sinh học AstraZeneca sẽ phối hợp với Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) và các đối tác của ngành Y tế Việt Nam như Chiến lược “Thực hành xử lý tốt bệnh hô hấp từ tuyến cơ sở -PAL” của Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình chống lao Quốc gia, Hội Lao và Bệnh phổi Việt Nam sẽ đồng hành cùng Chương trình quản lý ngoại trú hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính của Hội Hô hấp Việt Nam và Hội Hen- Dị ứng- Miễn dịch lâm sang TP.Hồ Chí Minh để cùng thực hiện chương trình với giá trị đầu tư 01 triệu USD trong hơn 3 năm (2017-2020).
Chương trình hướng đến 3 mục tiêu chính là: Hợp tác và nhận thức, hạ tầng và khả năng tiếp cận, năng lực và kỷ năng. Trong đó ở mục tiêu đầu tiên, AstraZeneca phối hợp với các đối tác ngành Y tế Việt Nam hướng đến việc nâng cao chất lượng quản lý bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đồng thời nâng cao nhận thức đúng của cộng đồng về các căn bệnh này. Thông qua tài trợ tổ chức các câu lạc bộ bệnh nhân và các hoạt động khám tầm soát, chương trình sẽ hỗ trợ gia tăng nhận thức đúng về bệnh trong cộng đồng, hỗ trợ giáo dục bệnh nhân hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính về các triệu chứng, cải thiện chuẩn đoán, điều trị sớm và tuân thủ điều trị để kiểm soát bệnh một cách tốt nhất.
Mục tiêu thứ hai, thông qua việc tài trợ thành lập 150 phòng quản lý hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ngoại trú với cơ sở hạ tầng đạt chuẩn trên cả nước, chương trình hướng đến cải thiện chất lượng các đơn vị quản lý ngoại trú bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Các đơn vị này sẽ được hỗ trợ năng lực chuyên dâu về khám, chữa và quản lý bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ngoại trú, tăng khả năng tiếp cận đến thuốc tốt và điều trị tốt cho bệnh nhân.
Còn ở mục tiêu thứ ba, thông qua phối hợp cùng các đối tác sẽ tổ chức các buổi đào tạo y khoa liên tục, hội nghị chuyên khoa và cung cấp các tài liệu cập nhật các thông tin y khoa, chương trình sẽ nâng cao năng lực (chuẩn đoán, điều trị và quản lý) cho cán bộ y tế tuyến cơ sở (tỉnh, thành, quận, huyện) trên cả nước nhằm quản lý tốt bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Theo đó sẽ có 80% cán bộ y tế chuyên trách ở các đơn vị được thành lập sẽ được đào tạo và cấp chứng chỉ quản lý hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Trao đổi với báo chí tại buổi họp báo, GS.TS.BS Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội hô hấp Việt Nam cho biết, bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính gây ra các gánh nặng xã hội, từ chi phí điều trị trực tiếp đến các chi phí gián tiếp như giảm năng suất lao động, bỏ học, bỏ việc giữa chừng để điều trị. Việc quản lý tốt bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính vô cùng cần thiết, vì nó sẽ giảm giúp giảm ca số mắc bệnh, tàn tật và tử vong do hen và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bênh nhân, giảm gánh nặng kinh tế y tế cho Việt Nam.
Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở dân số 40 tuổi được thống kê chiếm 4.2% dân số, trong đó tỷ lệ ở nam là 7,1% và ở nữ là 1,9%. Trong dân số đó, tỷ lệ COPD tại miền Bắc là 5,7%, miền Trung là 4,6% và miền Nam là 1,9%. Ngoài thuốc lá và nhiên liệu sinh học, ô nhiễm môi trường và đặc biệt là bệnh lao phổi đã góp phần làm tăng các yếu tố nguy cơ COPD ở Việt Nam.
GS.TS.BS Ngô Quý Châu cũng chia sẻ thêm, bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nói riêng và các bệnh hô hấp nói chung vẫn chưa được chú ý đúng mức tại Việt Nam. Tỷ lệ hen tại Việt Nam chiếm 4.1% dân số. Tuy nhiên, chỉ có 29,1% bệnh hen dùng thuốc điều trị duy trì và 39,7% bệnh nhân được kiểm soát hen tốt.
Số liệu thống kê của Bộ Y tế, từ năm 2011 đến 2016, trên toàn quốc đã khám và sàng lọc được 165.977 người, trong đó có 6.853 bệnh nhân hen và 6.485 bệnh nhân có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (ảnh: Đình Tăng) Trong khi đó, theo PGS.TS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hên- Miễn dịch- Dị ứng lâm sàng TP.Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội hô hấp Việt Nam khẳng định, trong một nghiên cứu về việc áp dụng chiến lược toàn cần cầu xử lý và phòng hen phế quản tại TP.Hồ Chí Minh, cho thấy trong số bệnh nhân đến khám tại cơ sở điều trị ban đàu, có 16% dùng thuốc điều trị hen, dẫn đến nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.
Tại Việt Nam, hiện nay trẻ em lứa tuổi từ 12-13 có tỷ lệ hen suyễn cao nhất Châu Á, tỷ lệ mắc bệnh bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mức trung bình đến nặng ở bệnh nhân trên 35 tuổi cũng đang cao nhất khu vực và con số này đang có xu hướng gia tăng.
Do đó, PGS.TS Lê Thị Tuyết Lan nhận định, Chương trình “Vì Lá Phổi khỏe” của AstraZeneca đóng vai trò như công tác tập trung vào bệnh nhân và nhắm đến mục tiêu tăng sự nhận thức và cung cấp điều trị cho các bệnh nhân suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Chương trình đồng thời cũng đưa ra các chương trình cải thiện chất lượng quản lý ngoại trú của những bệnh này thông qua việc nâng cấp chất lượng các trung tâm điều trị cũng như giúp nâng cao khả năng chẩn đoán và điều trị hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
“Thông qua Chương trình trên, bệnh nhân hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Việt Nam có điều kiện kiểm soát bệnh một cách tốt nhất, góp phần làm giảm số ca mắc, tàn tật và tử vong do các bệnh này gây ra, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống cho các bệnh nhân, góp phần làm giảm gánh nặng kinh tế tại Việt Nam. Sáng kiến này của AstraZeneca tương đồng với những mục tiêu của “Chương trình mục tiêu về hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính” của Chính phủ Việt Nam đang triển khai”- PGS.TS Lê Thị Tuyết Lan khẳng định./.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()